CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 536
KHI VỪA ĐIÊN ĐẢO THÌ TÂM BỆNH LIỀN XẢY RA
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con đã ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Bảy ngày 29/05/2021.
******************************
Tâm bệnh là những thói quen xấu, tập khí mà mình không kiểm soát được. Tâm bệnh khởi lên rất nhanh. Chúng ta không kiểm soát được vọng niệm, cho rằng việc này là đúng, việc này nên làm. Khi chúng ta vừa khởi ý niệm, tập khí đang chờ sẵn liền khởi lên để tác thành cho tập khí của chúng ta.
Hòa thượng nói: “Vọng niệm vừa khởi thì tâm bệnh cũng khởi”.
Nhà Phật có câu: “Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai”. Chỉ cần một ý niệm sân hận sanh khởi thì chúng ta liền gặp muôn vàn chướng ngại.
Học Phật là để có công phu kiểm soát tập khí của mình. Học Phật không phải để thăng quan phát tài, không phải để truy cầu sự màu nhiệm vi diệu kỳ bí. Chúng ta không nên học một cách sơ sài qua loa. Nhiều người tưởng như tu học chánh pháp nhưng do không mở tâm nên cuối cùng trở thành “độc thiện kỳ thân”, chỉ tốt cho riêng mình, chỉ tốt cho đoàn thể của mình. Chúng ta nên mở rộng tâm lượng lớn khắp hư không pháp giới, không khu trú ở một nơi nào. Nếu không mở rộng tâm lượng thì chúng ta bị tập khí khống chế, rơi vào tự tư tự lợi.
Nói như vậy không có nghĩa là học Phật thì không có lợi lạc, không có phước báu. Học Phật đúng nguyên lý nguyên tắc thì tự nhiên có phước. Chúng ta không cần phải đi nịnh hót, xin xỏ. “Người phước ở đất phước”. Trong thế gian pháp hay Phật pháp, chúng ta từ sáng đến tối đều khởi tâm động niệm luôn vì người khác lo nghĩ, đều tích công bồi đức thì “người phước nhất định ở đất phước”.
Hòa thượng đã dùng cả đời để chứng minh cho chúng ta. Ngài không cần quan tâm đến đời sống của mình ra sao, cứ ngày ngày tận lực lo nghĩ cho người khác. Chúng ta học tập theo Ngài thì tự nhiên cuộc sống của chúng ta sẽ có Phật Bồ Tát lo. Các Ngài lo cho chúng ta một cách vô điều kiện. Nhà Phật nói: “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”. “Cầu” không phải là xin xỏ, năn nỉ, mà “cầu” là làm theo đúng nguyên lý nguyên tắc, đúng theo những đạo lý & những lời Phật dạy.
Thầy tự thấy công phu của mình còn thấp. Trước đây, trước khi lên giảng Thầy thường xin Phật: “Xin Phật cho con chết cho dễ coi để không làm mất tín tâm của người học Phật!”. “Chết dễ coi” là đang niệm Phật mà chết, đang giảng pháp mà chết. Đó là ý niệm vì người khác.
Nếu chúng ta xin Phật cho mình được vãng sanh nhưng vẫn giữ nguyên tập khí thâm sân si mạn, ngũ dục lục trần thì chúng ta không thể vãng sanh. Chúng ta không được để cho mình bị khống chế bởi tâm sợ được sợ mất, sợ thành sợ bại, sợ hơn sợ thua. Chúng ta cứ lo rằng mình chết mà không vãng sanh được thì sẽ luân hồi sinh tử, đó là tâm tự tư ích kỷ. Thành Phật, vãng sanh là vì chúng sanh mà thành Phật, vì chúng sanh mà vãng sanh. Đây là tâm Bồ Đề. Vãng sanh Thế giới Tây phương Cực Lạc để hoàn thành học vị đến mức năng lực độ sanh của chính mình mạnh mẽ.
Khi ý niệm của ta vừa khởi lên thì ta phải phân định cho rõ, đó là ý niệm hưởng thụ năm dục sáu trần, hay ý niệm tự tư tự lợi. Tập khí phiền não của chúng ta luôn bị dẫn khởi bởi các ý niệm thay đổi theo từng sát na. Chúng ta đã từng phát tâm rộng lớn, nhưng sau đó tâm Bồ Đề đã bị thoái chuyển từ rất lâu. Phàm phu tập khí nặng nề, gần duyên nào thì liền bị duyên đó chi phối. Người xưa chỉ đọc Kinh sách, chỉ đọc giáo huấn của Thánh Hiền, ngoài ra đọc lịch sử. Chúng ta ngày nay toàn đọc những nội dung dẫn khởi tập khí xấu ác.
Hòa thượng nói: “Cả cuộc đời của tôi rất đơn thuần. Cả đời tôi an trú trong việc học tập. Khi có thời gian rảnh, nơi thứ nhất tôi đi là đến gặp những vị Thầy, những vị thượng tri thức để được nhắc nhở, dạy bảo. Điều thứ hai, khi rảnh tôi đọc sách. Điều thứ ba, khi rảnh tôi đến nhà sách”. Ngài biết giữ tâm mình, bảo vệ thân tâm luôn thanh tịnh.
Chúng ta để cho thân tâm mình tùy tiện tiếp xúc với năm dục sáu trần, khiến tập khí xấu dễ dàng sanh khởi. Khi vừa tiếp xúc với ngũ dục lục trần thì tâm mình liền điên đảo. Cho nên ngày ngày chúng ta phải tiếp cận giáo huấn của Phật Bồ Tát, giáo huấn của Thánh Hiền để bảo vệ 3 nghiệp Thân – Khẩu – Ý. Chúng ta dễ dàng tạo nghiệp bởi vì thời gian chúng ta tiếp cận giáo huấn của Phật Bồ Tát, giáo huấn của Thánh Hiền quá ít, nhưng thời gian tiếp cận cái xấu nhiều cho nên khởi tâm động niệm của chúng ta là thiện ít ác nhiều.