CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 529
HƯỞNG THỤ KHÔNG BÌNH THƯỜNG THÌ PHẢI NÊN CẢNH GIÁC
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Bảy ngày 22/05/2021.
****************
“Hưởng thụ không bình thường thì phải nên cảnh giác”. Ý Hòa thượng muốn nói: Hưởng thụ của chúng ta là không bình thường vì mang theo thất tình ngũ dục ở trong đó. Hàng ngày, cảm thụ vui buồn của chúng ta là do xúc động tạm thời đến từ bên ngoài chứ không phải đến từ nội tâm của chúng ta. Những hưởng thụ hoặc nỗi đau của chúng ta đều là giả, đến từ tác động ngoại cảnh, từ phân biệt chấp trước chứ không phải đến từ nội tâm. Đó là hưởng thụ không bình thường.
Cụ Hứa Triết không có cảm giác nóng lạnh vì cơ thể của Cụ tự điều tiết để phù hợp với thời tiết. Cụ không biết đâu là hướng Đông, đâu là hướng Tây. Người muốn đạt đến cảnh giới đó phải không còn phân biệt chấp trước. Cụ không còn buồn, vui, thương, ghét, giận hờn. Đó là hưởng thụ bình thường.
Chúng ta bị ngoại cảnh làm tâm dao động.
⮚ “THẤT TÌNH” là hỉ (vui mừng), nộ (tức giận), ai (bi ai), lạc (vui), ái (yêu), ố (ghét), dục (ham muốn). “Thất” là bảy.
⮚ “NGŨ DỤC” là tài, sắc, danh, thực, thùy
Hàng ngày chúng ta tiếp xúc và hoàn toàn bị chi phối bởi “thất tình” và “ngũ dục”. Đây không phải là hưởng thụ bình thường mà là hưởng thụ khác thường. Hưởng thụ bình thường là không còn bị chi phối bởi những thứ này. Hòa thượng Tịnh Không đã làm được, cụ Hứa Triết đã làm được, nhiều người đã làm được. Chúng ta cho rằng những cảm xúc vui thích mới là hưởng thụ chân thật. Đó là đời sống của phàm phu, không có sự tỉnh giác.
Hòa thượng nói: “Phải nên tinh giác đối với hưởng thụ không bình thường! Những thứ này nhẹ đi thì hưởng thụ chân thật từ tâm thanh tịnh của tự tánh sẽ dần dần xuất hiện. Chỉ cần trong tâm ta khởi lên thất tình ngũ dục thì tâm ta đã trở nên ô nhiễm rồi. Tâm của bạn làm sao mà thanh tịnh khi bị chi phối bởi thất tình, ngũ dục, tham sân si mạn!”.
Chúng ta biết hàng ngày mình đang sống với tâm “dục” (mong cầu). Chúng ta biết nguyên nhân của đau khổ đến từ đâu. Chúng ta sống trong xã hội càng hiện đại thì càng mất đi những năng lực sinh tồn. Một con kiến biết bò lên nóc nhà, rồi bò xuống phía dưới để tìm đến thức ăn đang để ở bức tường bên kia. Chúng ta vốn dĩ không cần đèn, nhưng bây giờ không có đèn thì khi ở trong bóng tối chúng ta không nhìn thấy gì.
Hòa thượng kể: Một buổi tối, Ngài chia tay mọi người để về nhà. Trời tối nhưng Ngài đi thong thả như trời đang sáng. Có hai vị tăng đi ngược chiều với Ngài, tay họ đang cầm đèn, họ hỏi: “Trời tối đen như mực mà Ngài vẫn thấy đường đi ạ?”. Sau khi nghe thấy họ hỏi như vậy thì Ngài bị động tâm, liền khởi tâm phân biệt và bắt đầu cảm thấy trời tối đen như mực. Khi tâm thanh tịnh vắng lặng thì không bị chi phối bởi phân biệt chấp trước.
Ngài Lục Tổ Huệ Năng nói:
“Nào ngờ tự tánh vốn dĩ thanh tịnh”
“Nào ngờ tự tánh năng sanh vạn pháp”
Tự tánh hoàn toàn trong sạch thì không có thất tình, ngũ dục, tham sân si mạn. Hàng ngày, chúng ta rất dễ vui, dễ buồn. Người thế gian gọi là “thương vay khóc mượn”, buồn vui thương ghét giận hờn một cách vô cớ.
Phật nói: “Nhất thiết duy tâm tạo”. Mọi sự vật hiện tượng đều do tâm tạo thành. Từ ở nơi tâm mà tạo ra thì phải từ nơi tâm mà diệt. Trong “Kinh Sám Hối”, Phật dạy: “Tội từ tâm khởi, tội từ tâm diệt. Tâm đã diệt rồi thì tội liền không”.
“Ngũ dục”, “thất tình” làm cho con người đảo lộn. Con người làm cho hoàn cảnh trở nên khác thường. Trong lịch sử loài người, dịch bệnh Covid lần này vô củng khủng khiếp. Một con virus có thể biến hóa thành một thành trăm, một trăm biến hóa thành một vạn… Phật nói: “Ý niệm của chúng ta còn nhanh hơn virus rất nhiền lần. Một ý niệm “hỉ nộ ai lạc ái ố dục” sanh khởi thì châu biến pháp giới”. Chúng ta mong muốn hết dịch bệnh Covid mà không hiểu rằng tất cả đều có tác nhân do con người làm ra. Tác nhân này có chính ta ở trong đó. Chúng ta phải điều chỉnh lại tâm mình, đừng để tâm mình bị chi phối bởi “thất tình”, “ngũ dục”.