129Thứ Sáu, 03/09/2021, 19:50

CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP

ĐỀ TÀI 528

NGHIỆP CHƯỚNG VỪA HIỆN THÌ LẬP TỨC CẢNH GIÁC

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con đã ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu ngày 21/05/2021.

******************************

Trong kinh Phật dạy: “Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai”. Một ý niệm sân vừa khởi lên thì trăm ngàn chướng ngại cũng theo đó mà sanh khởi. Chúng ta không biết rằng trong tâm thanh tịnh của ta, một ý niệm sân vừa khởi lên thì mất hết công đức, nhưng vẫn còn phước đức. Công đức và phước đức khác nhau hoàn toàn.

CÔNG ĐỨC: Chúng ta làm việc gì đó với tâm thanh tịnh để giúp người thì mới có công đức. Công đức rất dễ mất đi nếu tâm ta khởi lên niệm tham, sân si, tự tư tự lợi. Một ngày tâm ta thanh tịnh mà chỉ có một ý niệm tham khởi lên thì mất hết công đức. Công đức mới giúp chúng ta vượt thoát sanh tử.

PHƯỚC ĐỨC: Phước đức giúp chúng ta hưởng phước trong lục đạo, không giúp chúng ta giải thoát. Nhiều phước thì ta sanh ở cõi Trời. Ít phước một chút thì ta sanh ở cõi Người.

Hòa thượng nói: “Phàm phu chúng ta vọng niệm triền miên nên không có định huệ. Tâm tán loạn thì chướng ngại trí tuệ. Người tâm tán loạn nghiệp chướng sâu nặng”. Chúng ta vọng niệm triền miên nên tâm tư tán loạn. Người không có “định” thì làm mọi việc đều không ổn. Người có “định” thì làm mọi việc đều rõ ràng, hiệu quả.

Chúng ta ngày ngày phải kiểm soát khởi tâm động niệm của mình. Chúng ta phải kiểm soát được đến mức ngay trong giấc mộng cũng không bị vô thức mà chúng ta cũng có thể kiểm soát được giấc mộng. Đó là nhờ chúng ta luôn luôn ở trạng thái kiểm soát tâm của mình.

Tâm Thanh Tịnh sanh trí tuệ. Trí tuệ từ nơi tâm Thanh Tịnh mà sinh ra. Tâm tán loạn không có trí tuệ. Một người chỉ cần có tâm se se thanh tịnh thì khi quan sát người khác liền biết tâm của họ như thế nào. Hòa thượng nói: “Người tâm tán loạn nghiệp chướng sâu nặng. Chân tướng sự thật này nếu không phải là Phật nói cho chúng ta thì chúng ta làm sao biết được”. Con người vốn dĩ khởi tâm động niệm là thanh tịnh, nhưng vì chúng ta không hồi phục được bản tâm thanh tịnh thường hằng có sẵn trong ta. Chúng ta không có năng lực đề khởi tâm thanh tịnh mà luôn bị tập khí dẫn dắt, bản thân mình không kiểm soát được.

Hòa thượng nói: “Người kiểm soát được mình, đối với những sự cám dỗ mà không bị động tâm thì đó là công phu. Muốn biết nghiệp chướng của mình nhẹ hay nặng thì xem mình thờ ơ hay bị trói buộc bởi những tập khí và sự cám dỗ”. Chúng ta bàng quang, không bị động tâm đối với năm dục sáu trần thì nghiệp chướng của mình đã nhẹ.

Phật dạy chúng ta không luận ở trong nghịch cảnh hay thuận cảnh đều không động tâm. Phật dạy: “Cảnh tùy tâm chuyển”. Phàm phu chúng ta thuận cảnh sanh tâm ưa thích, nghịch cảnh sanh tâm chán ghét. Chúng ta chuyển tâm thì chuyển được cảnh, thay đổi được hoàn cảnh.

Hòa thượng nói: “Trong nghịch cảnh, trong thuận cảnh, không khởi tâm động niệm”. Không khởi” thì khó nhưng chúng ta thay đổi tâm niệm, chuyển tâm. Thay vì oán thán, trách móc người khác thì chúng ta hoan hỉ làm việc, hoan hỉ cúng dường và phục vụ người khác. Thuận cảnh hay nghịch cảnh đều ở tâm ta.

Chúng ta ai cũng nặng nghiệp “ái”. Phật dạy: “Ái bất trọng bất sanh Ta Bà”. Chúng ta đừng hạn chế tâm “ái” trong một đối tượng nào đó! Chúng ta mở rộng tâm lượng, vẫn là nghiệp “ái” nhưng không “ái” một người, không “ái” một vài người mà yêu thương tất cả mọi người.

Giống như chúng ta vọng niệm triền miên, rất khó dừng lại thì nhà Phật dạy chúng ta buông tất cả các niệm, chỉ giữ chặt một niệm “A Di Đà Phật”. Thay vì các ý niệm buồn vui thương ghét giận hờn, tham sân si mạn thì chúng ta niệm Phật. Ví dụ chiều nay chúng ta phải tổ chức một sự kiện. Chúng ta cứ lo gần lo xa, lo đến mất ngủ. Nhiều người ở tâm cảnh như vậy. Nhiều lần Thầy bảo mọi người lên giảng, cứ nói việc gì cần nói. Lúc đó họ chú tâm vào một sự việc đó nên tâm hoàn toàn “định” lại. Qua một vài lần như vậy, người đó hoàn toàn thay đổi.

Hòa thượng nói: “Chúng ta buộc chặt cái tâm ở trong một niệm, lâu dần thành quen thì tâm sẽ se lại, tâm định sinh trí tuệ. Phật dạy chúng ta giữ một niệm “A Di Đà Phật”. Nếu chúng ta niệm Phật tinh chuyên như niệm tham, niệm sân, niệm si, niệm ăn, niệm ngủ thì tuyệt vời.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook