CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 526
CHỈ CÓ BỎ RA, KHÔNG CẦU HỒI ĐÁP
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con đã ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư ngày 19/05/2021.
******************************
“Chỉ có bỏ ra, không cầu hồi đáp”. Tên của bài học thể hiện tâm cảnh của người nói. Hòa thượng nói và làm đều như một, cả đời Ngài chân thật chỉ bỏ ra, không cầu hồi đáp. Ngài hơn 50 năm “tam bất quản”, không quản tiền, không quản việc, không quản người.
Chúng ta làm bất cứ việc gì cũng không có tâm mong cầu, cứ hết lòng hết dạ mà làm. Nếu thành tựu thì đó là phước báu của chúng sanh, chúng sanh có phước nên có đủ duyên để chúng ta thành tựu cho họ. Nếu không thành tựu thì đó là chúng sanh chưa đủ phước để hưởng. Chúng ta giữ tâm như vậy mới không bị phiền não.
Chúng ta bị phiền não do chính tập khí của mình. Khi làm bất cứ việc gì, chúng ta cũng đặt cái “ta” của mình ở trong đó, ta làm thành công, ta làm mới tốt, đều là vì ta mà sinh tâm được mất tốt xấu. Chúng ta không mong cầu tự tự tự lợi nhưng lại mong cầu người khác phải ghi nhận năng lực của mình. Cái danh rất vi tế, chúng ta làm để người khác ghi nhận.
Người xưa nói: “Việc tốt không bằng không việc gì. Nhiều việc không bằng ít việc. Ít việc không bằng không việc gì”. Chúng ta làm mà có phiền não thì tốt nhất không nên làm để tâm mình được thanh tịnh. Một lần, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam viết lên bảng: “Hảo nhân hảo sự”. Học trò tưởng Thầy khen mình “người tốt làm việc tốt”. Ai ngờ lúc giảng, Thầy nói: “Hảo nhân háo sự”, người tốt nhiều chuyện”. “Hảo” là “tốt”, chữ này đồng thời cũng đọc là “háo”. Người tu hành mong cầu giải thoát mà có tâm “nhiều chuyện” thì không có được kết quả.
Rất khỏ để đạt được tâm cảnh “Chỉ có bỏ ra, không cầu hồi đáp”. Hòa thượng nói: “Không vì chính mình cầu an lạc, chỉ nguyện chúng sanh được lìa khổ”. Chúng ta tìm cách cứu giúp chúng sanh, vậy là tốt rồi. Bản thân mình lúc đến lúc đi không dấu vết. Làm được như vậy thì dần dần tâm cảnh của mình không còn dính mắc. Nếu tâm dính mắc thì tốt nhất không nên làm.
Hòa thượng dạy: “Buông xả mọi thứ thì niệm Phật mới vãng sanh” là ý nói buông xả nơi tâm. Ta làm tất cả mọi việc mà tâm không dính mắc, tâm không vướng bận thì đó mới là buông xả. Nhiều người hiểu nhầm lời dạy của Ngài, liền bỏ vợ bỏ chồng, bỏ công ăn việc làm khiến gia đình tan nát. Hòa thượng dạy: “Khi làm, chúng ta không cầu hồi báo mà chỉ dùng tâm chân thành để phụng vụ chúng sanh”. Chúng ta không nên hiểu nhầm ý của Ngài rồi buông xả việc nỗ lực giáo hóa chúng sanh. Chúng ta không thay Phật, không thay Thánh Hiền để đem giáo pháp của các Ngài đến cho mọi người thì ai làm? Chúng ta sợ sai nên không làm. Không làm thì càng lỗi vì chúng sanh không có cơ hội để tiếp cận.
Nhà Phật nói: “Y Kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan. Ly Kinh nhất tự, tức đồng ma thuyết”. Chấp chặt nơi văn tự mà giải nghĩa thì oan cho ba đời đức Phật, rời bỏ Kinh điển thì lại lạc vào những tà thuyết của ma vương.
Khi chúng ta đến “Trung tâm Nhân đạo Quê hương” để hỗ trợ, những người sáng lập ra trung tâm đó nói: “Giá như chúng con gặp được các Thầy Cô sớm hơn thì tốt biết mấy!”. Chúng ta biết mà chúng ta thờ ơ, lãnh đạm thì chúng ta là tội đồ với Phật Bồ Tát, là tội đồ Thánh Hiền, tội đồ với chúng sanh.
Hôm qua trên ti vi nói về việc một chiến sĩ công an làm ngơ khi nhìn thấy một anh taxi đang vật lộn với tên cướp. May mà một người đàn ông nhìn thấy vậy, không thể chịu nổi sự sai trái liền xông vào. Anh taxi được đưa đi cấp cứu. Chúng ta không thể bàng quang với xã hội, trong khi đạo đức xã hội đã xuống cấp thì chúng ta phải ra sức để đóng góp.
Truyền thống dân tộc Việt Nam tốt hơn rất nhiều các nước khác. Đó là tinh thần nhân ái, lá lành đùm lá rách. “Trung tâm Nhân đạo Quê hương” này rất nổi tiếng, nhận được nhiều sự ủng hộ. Nhiều vị lãnh đạo cấp cao cũng biết đến trung tâm này. Có một đứa nhỏ được Trung tâm này nuôi lớn. Nó làm nhiều việc xấu, phá phách, lợi dụng danh nghĩa của Trung tâm để làm việc xấu cho nên bị Trung tâm loại bỏ. Nó liền lên mạng Facebook nói xấu, đặt điều về Trung tâm. Người quản lý Trung tâm nói rằng đó là do chúng không được dạy tâm tri ân báo ân.
Vì vậy, Thầy chỉ đạo các Thầy Cô đến hỗ trợ “Trung tâm Nhân đạo Quê hương”, ngoài việc dạy các con thấm nhuần, thuần thục “Lễ phép thường ngày” thì phải dạy các con khắc sâu tâm tri ân, báo ân.
Bốn ơn nặng:
⮚ Ơn Quốc gia đã bồi dưỡng và bảo vệ
⮚ Ơn Cha Mẹ đã sinh thành
⮚ Ơn Thầy Cô đã dạy dỗ
⮚ Ơn mọi người đã bảo trợ và giúp đỡ
Nếu chúng ta không dạy thì chúng vô ơn. Chúng có chế độ ăn uống rất tốt nhưng hôm nào đồ ăn không ngon miệng thì chúng chửi những người đang phục vụ chúng. Người quản lý của Trung tâm đó nói với Thầy rằng: “Chúng con giao hết cho Thầy tất cả người ở Trung tâm, coi Trung tâm này là của Hệ thống Giáo dục Khai Minh Đức”. Thầy nói: “Không cần thiết phải như vậy. Người học Phật chúng tôi đã phát nguyện “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, không phân biệt chúng sanh giàu nghèo, thấp hèn, chỉ cần các con tiếp nhận, nghe theo thì chúng tôi đến. Nếu các con không tiếp nhận sự dạy bảo thì chúng tôi đi”.
Vì sự tồn vong của nơi đó, họ đang làm một website để thế giới biết đến và ủng hộ tiền tài. Họ xin chụp hình hoạt động dạy dỗ, giáo dục của các Thầy Cô đang hỗ trợ nơi đây để thế giới biết rằng trung tâm đang chuyển mình. Lúc đầu Thầy không đồng ý vì không muốn bị dẫn dắt rơi vào danh lợi, vô minh. Sau đó, Thầy đồng ý vì sự tồn vong của Trung tâm. Các “Thầy Cô áo đỏ” là người của “Trung tâm Học tập Đạo đức Văn hóa Truyền thống”. “Trung tâm Học tập Đạo đức Văn hóa Truyền thống” không có trụ sở. Trụ sở của Trung tâm ở trong bầu trời Việt Nam, ở tận hư không khắp pháp giới. Người nào phát tâm học tập đạo đức văn hóa truyền thống thì là người của Trung tâm.
Chúng ta học theo hạnh của Phật Bồ Tát, “chỉ bỏ ra chứ không cầu hồi đáp”. Đó mới đúng với tinh thần của người học Phật. Người xưa dạy: “Thành thân chi mỹ, bất thành nhân chi ác”. Chúng ta chỉ thành toàn cho việc tốt của người khác. Nếu nơi nào mượn danh nghĩa của chúng ta để trục lợi, để truy cầu danh vọng lợi dưỡng thì chúng ta rút lui. Chúng ta đến để làm giáo dục chứ không tham gia đến vấn đề tài chính của họ.
Hòa thượng nói: “Phật pháp dạy chúng ta hằng thuận chúng sinh, tùy hỉ công đức. Nếu bạn có thể xả bỏ mọi phiền não chấp trước thì bạn có được tự tánh thanh tịnh. Tự tánh đạt định huệ mới có công đức. Công đức đó thành tựu trí tuệ của tự tánh, thành tựu Vô Lượng Giác”.
Khi ta làm với tâm tùy hỉ, công mong cầu, không cưỡng cầu thì tâm thanh tịnh. Khi tâm thanh tịnh thì trí tuệ phát sáng, mọi sự việc sự vật đều thông suốt. Mức độ của sự phát sáng khác nhau. Phát sáng hoàn toàn thì trở thành Phật, phát sáng ít hơn thì trở thành Thánh Hiền nhân. Khi mặt hồ phẳng lặng, trong xanh thì chúng ta nhìn thấy bóng trăng ở đáy nước. Có người thấy trăng đẹp quá, nhảy xuống nước để mò trăng nhưng khi mặt hồ dao động thì ánh trăng liền biến mất. Có chú học trò chăm chỉ tập viết chữ Hán, có một chút tâm thanh tịnh cho nên khi làm việc thì trở nên sáng suốt hơn.
Chư Phật Bồ Tát hằng thuận chúng sinh, tùy hỉ công đức. Các Ngài không có phân biệt chấp trước, nhưng các Ngài tùy theo sự chấp trước của chúng sanh mà phân biệt chấp trước. Đó chính là tùy thuận. Phật giảng Kinh nói pháp, tùy theo căn tánh của chúng sanh mà nói. Khi đến hỗ trợ, trước tiên chúng ta xem họ cần giúp đỡ cái gì thì giúp đỡ cái đó. Họ có 200 bệnh nhân, Thầy thuốc phải đến nơi xem bệnh nhân bị bệnh gì, cần uống thuốc gì thì Thầy thuốc mới kê toa thuốc. Thuốc phải đúng bệnh chứ không phải là bệnh phải đúng thuốc.
Phật giảng Kinh thuyết Pháp là tùy thuận chúng sanh mà nói. Trong tâm các Ngài Thanh Tịnh, viên mãn. Bạn phải hướng đến chư Phật Bồ Tát mà học tập, chân thật bố thí, cúng dường, không phân biệt chấp trước, không cầu hồi đáp. Bạn có tâm muốn bỏ một vốn để được ngàn lời thì đây không phải là tâm của người học Phật.
Chúng ta truyền đạt lời dạy của Phật Bồ Tát đến với mọi người, đây là bổn phận, trách nhiệm của chúng ta. Đây là chúng ta tri ân Phật Bồ Tát, tri ân Thánh Hiền, đền đáp ân đức của các Ngài. Chúng ta tiếp nhận giáo huấn của các Ngài thì phải hoàn thiện bản thân, thực hành, thật làm.
Các Ngài khi xưa hoằng truyền pháp bảo vô cùng gian khổ & đau đớn. Một số quốc vương coi Kinh là “pháp bảo quốc gia” cho nên cấm không cho trao truyền đến nơi khác. Các Ngài phải chép Kinh thật nhỏ, rạch cánh tay ra, đưa Kinh vào bên trong cánh tay rồi khâu lại. Các Ngài đi đến quốc gia khác, đến nơi lại rạch cánh tay để lấy Kinh sách ra. Nhiều người đã phải bỏ thân mạng.
Hòa thượng nói: “Nếu bạn có thể xả bỏ mọi phiền não chấp trước thì bạn có được tự tánh thanh tịnh. Tự tánh đạt định huệ mới có công đức. Quả báo không thể nghĩ bàn!”.
Chúng ta phải hiểu đạo lý, toàn tâm toàn lực hi sinh phụng hiến, chí công vô tư thì chúng sanh đời đời nhớ đến ân đức đó. Chúng ta toàn tâm toàn lực hi sinh phụng hiến không cầu phước báu thì công đức phước báu phát triển theo cấp số nhân, không phải là “một vốn bốn lời” mà là vô lượng, “bất khả tư nghì”, không thể đong đếm được.
Thầy triệt để nghe lời Hòa thượng. Thầy làm hai trang web, một trang Phật pháp tinhkhongphapngu.com, một trang dạy chữ Hán nhidonghocphat.com. Thầy làm với tâm chí công vô tư nên cảm thấy an lạc, thanh tịnh, tự tại. Người khác in ấn lấy tiền là việc của họ. Hòa thượng dạy: “Chỉ bỏ ra, không cầu hồi báo”. Chúng ta thực hiện được thì thân tâm tự tại. Chúng ta hỗ trợ “Trung tâm Nhân đạo Quê hương” với tâm vô tư cống hiến. Người ta sợ được sợ mất, sợ hơn sợ thua, sợ thành sợ bại là việc của họ.
******************************
Nam Mô A Di Đà Phật
Chúng con xin tùy hỉ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!
Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy còn lộn xộn, còn nhiều sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!