CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 525
PHÀM PHU MÊ HOẶC ĐIÊN ĐẢO NƠI NƠI ĐỀU BỊ CHƯỚNG NGẠI
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con đã ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba ngày 18/05/2021.
******************************
Phàm phu mê hoặc điên đảo cho nên luôn gặp chướng ngại. Mê hoặc điên đảo là những sự chấp trước đến từ bản thân mình, do tập khí phiền não sai khiến. Phàm phu lúc nào cũng khởi lên tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, tham sân si mạn, năm dục sáu trần. Từ 16 tập khí này chia nhỏ ra thành rất nhiều tập khí xấu khác, nói chung đều xuất phát từ lòng tham và tâm tự tư tự lợi.
Người xưa dạy: “Hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ”. Gặp việc gì không thông thì chúng ta phải kiểm soát, kiểm điểm lại chính mình. Chính mình phải phản tỉnh tập khí phiền não của bản thân, không cầu người, không cầu Phật Bồ Tát.
Nếu chúng ta vì người mà lo nghĩ, xả mình vì người thì nhất định không có chướng ngại. Nếu còn cái “ta” thì còn có chướng ngại, ta thấy, ta biết, cái của ta, có ta thì phải làm phải tốt…Có người than vãn: “Con khổ quá! Gia đình sắp tan vỡ!”. Tất cả là do trong quá khứ, họ chỉ lo vun vén cho cái ta của mình, không lo cho người khác cho nên mới khổ như vậy.
Lục Tổ Huệ Năng đã dạy: “Người chân thật tu hành không thấy lỗi thế gian”. “Không thấy” là không để lỗi người ở trong tâm mình chứ không phải là ngây dại không biết gì.
Con người ta tham tham đến mức khủng khiếp, cùng hung cực tham. Họ có thể làm ra những việc không thể ngờ được. Tâm của họ tham, cứ nghĩ rằng đến sòng bạc kiếm được tiền của người khác nhưng lại bị người khác lừa hết tiền. Con người chúng ta phải học, phải tiếp nhận giáo huấn của Phật Bồ Tát, tiếp nhận giáo huấn Thánh Hiền để luôn luôn có một sự hạn chế, chừng mực, không tùy tiện. Nhiều người không thể kiểm soát bản thân, để tập khí phiền não lôi kéo, rồi lại ăn năn sám hối.
Người xưa dạy: “Khắc kỷ tác Thánh”. “Khắc” là khắc chế, “kỷ” là bản thân mình. Mình khắc chế được chính mình thì làm được Thánh Hiền. Chúng ta không khắc chế được bản thân thì làm một phàm phu tội ác. Người xưa nói: “Chiến thắng được ba quân cũng không bằng chiến thắng được chính mình”.
Hòa thượng nói: “Hiện nay khi nhắc đến bố thí tài, mọi người thường nghĩ ngay đến tiền của, vật ngoài thân chứ không nghĩ đến nội tài. Vì người phục vụ không cầu báo đáp là nội tài bố thí. Bố thí nội tài hơn ngoại tài. Đa phần người ta thích bố thí ngoại tài. Phước báu của nội tài lớn hơn ngoại tài”.
Tài gồm nội tài và ngoại tài:
✓ Ngoại tài là tiền của vật chất.
✓ Nội tài là sức khỏe, năng lực, thời gian, trí tuệ, công sức. Người tu học Phật biết tu bố thí thì dùng năng lực, trí tuệ, thời gian để bố thí nội tài. Nhiều người nói họ rất nghèo, không thể bố thí. Họ không biết rằng nội tài của chúng ta là vô tận. Người xưa có câu thành ngữ: “Mãn lý thâu nhàn”. Chúng ta dù ở trong khoảng thời gian bận rộn nhất, vẫn có thể dành ra thời gian để vì người lo nghĩ, vì người làm việc tốt, cũng chính là vì mình mà tích công bồi đức. Điều quan trọng là chúng ta phải mở được cái tâm của mình thì nơi nơi đều có việc để chúng ta vì người phục vụ, vì người hi sinh phụng hiến, vì chính mình mà tích công bồi đức. Nếu không mở được tâm lượng thì không làm được.
Hòa thượng nói: “Bạn xem, Thích Ca Mâu Ni Phật ngày ngày dạy học. Trong từng câu, từng chữ của Ngài đều là bố thí pháp. Nhất cử nhất động Phật đều làm ra tấm gương để giúp chúng sanh giác ngộ. Đây là nội tài bố thí. Phật khuyên chúng sanh đoạn ác tu thiện, phá mê khai ngộ, tường tận thông suốt mọi việc. Đây là vô úy bố thí, bố thí sự an lành. Trong mọi việc làm của Phật ngày ngày đều có đầy đủ 3 loại bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô úy”.
Nếu chúng ta khéo tu thì ngày ngày chúng ta cũng có thể tu tài thí, pháp thí, vô úy thí. Hôm qua Thầy hái lá bồ công anh, cho vào một túi to mang đi tặng cho người khác. Thầy lao lực trồng cây, đây là nội tài bố thí. Thầy giải thích lợi ích chữa bệnh của lá bồ công anh, khiến người khác hoan hỉ, vui vẻ, tâm an ổn.