196Thứ Sáu, 03/09/2021, 19:50

CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP

ĐỀ TÀI 521

CÓ THỂ ĐOẠN NGHI SANH TÍN MỚI CÓ THỂ GIỐNG NHƯ PHẬT

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con đã ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ sáng thứ Sáu ngày 14/05/2021.

********************

Nghi ngờ là tâm cảnh của chúng sanh chúng ta. Chúng sanh không chỉ nghi ngờ đối với chúng sanh mà còn nghi ngờ đối với giáo huấn của Phật Bồ Tát, Thánh Hiền. Đã vậy, chúng ta lại còn ngạo mạn. Tâm bệnh này chúng ta đều có. Chúng ta không đặt trọn niềm tin vào những giáo huấn mà Phật Bồ Tát, Thánh Hiền đã nói ra. Chúng ta không biết các Ngài nói có đúng không, không biết làm theo các Ngài thì có kết quả hay không.

Hòa thượng nói: “Tịnh Tông Học Viện chúng ta đề xướng học Kinh giáo, học giáo huấn của Phật Bồ Tát, giáo huấn của Thánh Hiền để sanh khởi lòng tin. Có lòng tin thì làm theo mới có kết quả”.

Nhiều người đến với Phật Pháp, đến với đạo đức Thánh Hiền không phải vì niềm tin chân thật. Họ đến vì một điều gì đó rồi ra đi không thương tiếc. Chúng ta phải ghi nhớ một điều: Thành tựu, đọa lạc, hay khổ đau đều từ chính bản thân mình. Chúng ta học và làm theo lời dạy của Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền thì các Ngài không có lợi ích mà chính chúng ta đạt được lợi ích. Chúng ta không tin thì chính chúng ta khổ đau, đọa lạc.

Chúng ta phải tự phản tỉnh, quán chiếu lại xem từ ngày mình đến với giáo huấn của Phật Bồ Tát, mình có mất cái gì không? Có bất lợi gì không? Có hại gì cho mình không? Mình không mất gì mà chỉ được rất nhiều. Chúng ta vì chúng sanh nên cần đến sự phát tâm của mọi người chứ Phật Bồ Tát không cần, những người tu hành chân chính không cần. Hòa thượng nói: “Nếu tôi không vì ở đây để giảng pháp thì tôi đã lên núi ở để tu hành”.

Có những người trên thì lừa phỉnh Phật Bồ Tát, dưới thì lừa phỉnh chính mình và lừa phỉnh mọi người xung quanh. Họ mang nhãn mác Thánh Hiền nhưng làm ra những việc không giống với lời dạy của các Ngài. Điều này có tác hại rất lớn vì chúng sanh vốn đã có sẵn tâm nghi ngờ, nay lại còn tăng thêm nghi ngờ. Điều này khiến cho bản thân mình và những người xung quanh đều không được lợi lạc.

Thánh Hiền hay Phật Bồ Tát cũng phải rớt nước mắt mà đứng nhìn chứ không biết phải làm sao! Các Ngài đã hết lòng hết dạ để dạy chúng ta nhưng chúng ta chỉ làm cho dễ coi. Người làm cho dễ coi thì cũng dễ bỏ. Nhiều người từng rơi nước mắt vì Phật pháp “bá thiên vạn khiếp nan tao ngộ”, trăm ngàn muôn kiếp khó gặp được, nhưng họ bỏ như bỏ vỏ chuối. Khi đọa lạc rồi thì họ kêu than: “Tại sao mình lại khổ đến như vậy?

Chúng ta học Kinh giáo, chúng ta niệm Phật đều phải lấy Phật làm tấm gương, lấy những bậc đạo cao đức trọng, bậc tu hành chân chánh để làm gương thì mới đoạn nghi sanh tín. Chúng ta lấy Hòa thượng làm tấm gương. Cả cuộc đời Ngài “Tam Bất Quản”, không quản người, không quản tiền, không quản việc. Ngài có tiền không? Ngài có việc không? Ngài có người theo học không? Ngài không động đến tiền. Bao nhiêu phong bì của thập phương bá tánh, Ngài đều không mở ra xem mà tặng luôn cho nơi đó nhưng Ngài đã làm được biết bao nhiêu việc ý nghĩa, lợi ích chúng sanh. Ngài xây dựng biết bao trường học, in ấn hàng ngàn tấn Kinh sách…

Ngài cả một đời chuyên tu chuyên hoằng Tịnh Độ, lấy Tịnh Độ làm chủ, đề xướng giáo dục Thánh Hiền, giáo dục ngũ luân, giáo dục Phật pháp Đại Thừa. Hàng vạn người quy phục theo Ngài. Ngày Hòa thượng vãng sanh, không biết cả thế giới sẽ có biết bao nhiêu người niệm Phật để hồi hướng cho Ngài. Khi Ngài Lý Bỉnh Nam vãng sanh, học trò của Ngài hàng nghìn người niệm Phật ngày đêm 24/24 không gián đoạn suốt 49 ngày để hồi hướng cho Ngài.

Hòa thượng thân giáo, khẩu giáo tròn đầy. Ngài đã cải tạo vận mệnh của chính mình. Khi Ngài còn trẻ, Ngài thỉnh giáo Chương Gia Đại Sư làm thế nào để nhanh chóng thâm nhập Thánh giáo. Chương Gia Đại Sư bình lặng một hồi lâu rồi mới trả lời Ngài hai chữ: “BỐ THÍ”. Ngài đã y giáo phụng hành, bố thí bắt đầu từ một đồng.

Chúng ta tuy sanh ra trong thời không gần Phật, cách xa Phật khoảng 2600 năm nhưng chúng ta vẫn may mắn còn có được tấm gương người tu hành chân chính để học tập. Chúng ta sanh khởi được tín tâm chân thật thì hạnh của ta, tâm của ta mới có thể giống như Phật. Tâm, nguyện, giải, hành của chúng ta mới dần dần giống với Phật, tiến tới thành Phật.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook