CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 517
GIẢI CÙNG HÀNH KHÔNG THỂ PHÂN RA
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con đã ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Hai ngày 10/05/2021.
****************************
Giải phải dùng hành để thật chứng. “Giải” có nghĩa là hiểu. Giải phải thấu đáo, thấu triệt. “Hành” có nghĩa là hành động, làm theo. Hai điều này phải tương đồng.
Người xưa nói: “Giải mà không hành thì tăng trưởng tà tri tà kiến. Hành mà không giải thì tăng trưởng vô minh”.
Hòa thượng nói: “Chúng ta nên là người học Phật. Tôi đến với Phật, tôi là người học trò của Phật. Tôi đến với Chúa, tôi là người học trò của Chúa. Tôi đến với A La, tôi là người học trò của A La”.
Hòa thượng thật học, thật làm. Người thời nay tà tri tà kiến, có sự phân chia đấu tranh, quên hết lời của đấng giáo chủ, chỉ còn lại tự tư tự lợi, đấu tranh, tranh dành tín đồ. Trong quá khứ, sự đấu tranh của tôn giáo rất mạnh mẽ. Con người ta có thể bình đẳng cùng phát triển thì trong tôn giáo cũng có thể bình đẳng cùng phát triển, cùng chung sống. Khi mình phân biệt chấp trước, định kiến đó là ngoại đạo thì mình không thể ngồi chung với họ. Khi mình bỏ đi định kiến thì mình có thể cùng ngồi với họ an hòa.
Khi tiếp nhận giáo huấn của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền, chúng ta phải hiểu thấu rồi thực hành. Nhà Phật có 4 quá trình:
TÍN: “Tín” là xây dựng niềm tin tuyệt đối. Phật nói: “Tin ta mà không hiểu ta thì chẳng khác nào phỉ báng ta”.
GIẢI: “Giải” là hiểu, phải hiểu thấu đáo, thấu triệt.
HÀNH: “Hành” là thực hành, phải làm đúng theo lời giáo huấn của Phật.
CHỨNG: “Chứng” là thành tựu, kết quả. Chúng ta xem kết quả có giống lời dạy của các Ngài hay không.
Khi chúng ta bắt đầu đề xướng giáo dục văn hóa truyền thống, Thầy đã từng nói: “Văn hóa truyền thống không có tác dụng phụ. Nếu mọi người học qua 10 buổi, thực sự thực hành theo văn hóa truyền thống mà bản thân và gia đình không thay đổi thì Thầy sẽ nằm làm đường cho mọi người đi”.
Khổng Lão Phu Tử dạy 3 chữ “TƯ VÔ TÀ”. Tư tưởng phải chân thành, đem tâm chân thành để vì người, thành tựu cho người chứ không phải là thành tựu cho mình, được việc cho mình.
Nhà Phật có 3 bộ Kinh là KINH, LUẬT, LUẬN. Chúng ta phải phân tích, thấu hiểu lời Phật dạy. Chúng ta tin nhưng phải hiểu, hiểu để thực tiễn, thật chứng cho cái hiểu đó. “Giải” cùng “hành” là tương bộ, tương đồng. Nhiều người nói hoa trời rơi rụng nhưng không làm. Mình dạy người ta bố thí nhưng mình thì nhận vào càng nhiều càng tốt. Họ có làm nhưng làm cho dễ coi chứ không phải thật làm. Cho nên hiểu rồi phải làm một cách triệt để, để chứng thực cho cái hiểu đó.
Chúng ta phải chú ý: “Một là tất cả. Tất cả là một”. Khi tâm chúng ta đã thông thì làm bất cứ việc gì cũng tinh thông. Một người tinh tế thì tất cả mọi lời nói, việc làm đều tinh tế, tỉ mỉ. Trong một khu vườn rộng lớn, cây nào được tưới nhiều nước, chỗ nào cây thiếu nước, Thầy đi qua liền phát hiện ra luôn. Một học trò của Thầy ở Mỹ nói, cô ấy thấy mỗi ngày Thầy có một cây nhỏ khác nhau để trên mặt bàn, điểm xuyết cho không gian học tập.
Hòa thượng nói: “Chư Phật Bồ Tát xuất hiện ở thế gian, ngày ngày giảng kinh thuyết pháp. Thích Ca Mâu Ni Phật 49 năm giảng Kinh thuyết pháp không một ngày gián đoạn. Tất cả hàng đệ tử theo Ngài lúc đó ngày nào cũng được huân tập dài lâu. Trí tuệ do đâu mà có thể khai ngộ? Chúng ta là trung hạ căn tánh, không phải thượng căn lợi trí thì phải giáo học tương trường”.
“Giáo học tương trường, “tương trường” là tiếp nối dài dâu. Một ngày không học tập thì vọng tưởng kéo đến. Bậc “thượng căn lợi trí” thì nghe một hiểu mười. Chúng ta nghe mười hiểu một, có khi còn hiểu sai ý. Hòa thượng dạy “buông xả” là buông xả ở trong tâm. Vậy mà có người bỏ công việc, bỏ vợ bỏ chồng, đến khi cuộc sống bế tắc thì mới biết mình vô minh, hiểu sai ý của Ngài.
Hòa thượng nói: “Chúng ta phải ngày ngày huân tập thì may ra trí tuệ mới phát sinh. Nhưng bạn phải đem lời nói này hiểu cho rõ ràng. Ngày ngày dạy học, dạy đạo lý nhưng chúng ta có đem thực tiễn những đạo lý đó hay không? Nếu nghe mà không thực tiễn những lời dạy đó thì luống không. Do đó “giải” cùng “hành” nhất định phải tương ưng”.