CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 515
NGƯỜI HỌC PHẬT NHIỀU
NGƯỜI CHÂN THẬT HỌC PHẬT THÌ KHÔNG NHIỀU
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con đã ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ sáng thứ Năm ngày 06/05/2021.
**********************************
Có những người học Phật nhưng không chân thật làm theo lời Phật dạy mà chỉ nương vào một đấng quyền năng nào đó để bảo trợ cho sự an lành của họ, hoặc để trang bị cho họ kiến thức. Có những người khi nói lý thuyết thì đánh đổ hết mọi người, nhưng khi bản thân họ gặp sự thì chính mình không thể vượt qua. Thậm chí họ không tin Phật nữa, không học theo nữa, đi tìm con đường khác.
Hòa thượng nói: “Học Phật để tu sửa chính mình, tu sửa cái thấy, cái nhìn của bản thân đối với vũ trụ nhân sanh. Chúng ta mỗi ngày phải học tập lời giáo huấn của Phật để thâm hiểu lời giáo huấn, nhìn thấy sai phạm của mình để tu sửa hành vi, ý niệm của chính mình. Sở dĩ chúng ta chưa hiểu vì thời gian học tập, thời gian huân tập và tiếp nhận quá ít, trong khi tập khí của chúng ta quá dày. Hiểu còn không rõ ràng thì làm sao có thể làm tốt được! Nếu chúng ta không tiếp nhận lời giáo huấn của Phật, của Thánh Hiền, hiểu chưa đủ sâu thì bạn có cách nào để tu sửa được? Phàm phu chúng ta khởi tâm động niệm đều sai, có được mấy người luôn nghĩ đến việc phải tu sửa hành vi, sai lầm của mình! Người học Phật thì nhiều, nhưng người chân thật tu sửa hành vi thì không nhiều. Lời nói này là thật!”.
Cho nên, chúng ta học Phật hay học theo bất kỳ tôn giáo nào khác thì đều phải quay về học để chân thật làm đúng theo lời Phật dạy, làm đúng theo lời dạy của các đấng giáo chủ, làm tốt các vai trò bổn phận trách nhiệm của mình, tu sửa bản thân.
Khi Đức Phật sắp nhập niết bàn, Ngài A Nan hỏi: “Khi Phật còn sống thì chúng con nương vào Ngài, khi Ngài đã nhập niết bàn thì chúng con biết nương vào ai?”. Phật trả lời: “Lấy giới làm Thầy, lấy khổ làm Thầy”. “Giới” là quy phạm, phép tắc, chuẩn mực. Chúng ta phải nương theo những quy phạm, phép tắc, chuẩn mực đó để tu sửa bản thân.
Người ta chìm đắm trong tự tư tự lợi, hưởng thụ năm dục sáu trần, đặc biệt là chìm trong tham sân si mạn. Trong mọi lời nói, việc làm của chúng ta luôn mang theo những tập khí này. Có rất nhiều người nói rằng họ đang học Phật nhưng thực tế thì họ không hành trì theo chuẩn mực, không triệt để làm theo lời Phật dạy cho nên họ không nhận được sự thọ dụng & lợi ích chân thật, lúc nào cũng phiền não. Họ không làm ra tấm gương cho người khác, khiến những người sơ phát tâm nghi ngờ và không đến để học. Cuối cùng, họ mất đi cơ hội. Chúng ta làm tác nhân để họ mất đi cơ hội học Phật. Việc này rất nhiều!
Hòa thượng tu hành cả cuộc đời mà phải nói ra một cách cảm khái & sâu sắc rằng: “Người học Phật thì nhiều, nhưng người chân thật tu sửa hành vi thì không nhiều!”.
Kỳ tham gia pháp hội ở Singapore có rất nhiều người tham gia nhưng họ làm phiền người khác rất nhiều, đến mức người ta phải than rằng họ quá sợ người Việt Nam. Thầy phải nhắc nhở họ: “Chúng ta phải cố gắng giữ chuẩn mực. Nếu họ đánh giá tất cả Phật tử Việt Nam đều như vậy thì nhân quả này lớn lắm, chúng ta gánh không nổi!”.
Trong bài Hòa thượng nói: “Rất nhiều người học Phật, họ căn bản không hiểu được thế nào là tu hành. Tu hành không ở trên hình thức mà ở nơi khởi tâm động niệm của chính mình. Chúng ta phải luôn luôn kiểm soát khởi tâm động niệm của mình. Khi ý niệm vừa khởi lên, chúng ta phải quán sát xem đó là ý niệm thiện hay ác, niệm tự tư tự lợi hay niệm tham sân si, niệm hưởng thụ năm dục sáu trần”.
Nhiều người nghĩ rằng đến giờ tu thời khóa thì vào tu, họ không biết rằng tu hành là kiểm soát ngay từ ý niệm của mình, để đến lúc người khác nhắc mà mình còn chưa tỉnh ngộ, vậy thì hết cách. Người xưa nói: “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Ý niệm vừa khởi lên, điều quan trọng là chúng ta phải kiểm soát được đó là niệm tự tư tự lợi hay niệm vì người, niệm tạo phước cho chúng sanh, niệm quên mình vì người hay niệm quên người vì mình. Chúng ta phải kiểm soát ngay từ ý niệm chứ nếu để đến lúc ý niệm kết thành hành vi, tạo tác thì sai phạm đã quá lớn. Ngài Vệ Trọng Đạt trong vô số ý niệm sai lầm có một ý niệm thiện vì người mà phước báu đã rất lớn.