237Thứ Sáu, 03/09/2021, 19:50

CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP

ĐỀ TÀI 500

KHỞI TÂM ĐỘNG NIỆM NGHĨ ĐẾN LỢI ÍCH CỦA CHÍNH MÌNH

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ sáng thứ Tư ngày 21/04/2021.

*************************

Chúng sanh chân thật là chấp trước kiên cố, ảnh hưởng đến tiến trình tu thân và lợi ích chúng sanh. Người khởi tâm động niệm luôn chỉ nghĩ đến lợi ích của chính mình cho nên mãi mãi là phàm phu tội lỗi. Thật là khó! Rất nhiều người ban đầu phát tâm độ chúng sanh. Sau một thời gian thấy chúng sanh cang cường quá, họ thui chột tâm của mình, lui về chỉ nghĩ cho bản thân, làm cho Thánh đạo bị mai một. Có người dù mình làm tốt cho chúng sanh 100 việc, 1000 việc, nhưng chỉ cần 1 việc bị phật lòng thì họ liền rũ bỏ hết. Chúng ta cần biết để chuẩn bị cho đạo tâm của mình.

Bồ Tát kiên định tâm của mình. Cho dù trải qua bao nhiêu khó khăn, khổ sở và cả sự bạc đãi của chúng sanh nhưng tâm của Bồ Tát cũng không lui sụt. Chúng ta cũng sẽ gặp người nói rằng họ mang ân đội đức với mình nhưng rồi họ sẽ quay lại hại mình.

Hòa thượng nói: “Họ nói họ kính trọng mình, thương mình, ghét mình thì chúng ta cũng đừng cho đó là thật bởi vì tâm của chúng sanh là vọng tưởng, là giả. Trong tâm họ không có gì là thật. Tâm họ quá bận rộn với tự tư tự lợi, năm dục sáu trần. Chúng ta đã phát tâm học Phật, phát tâm đem Phật pháp đến với chúng sanh thì phải lập được sự kiện định, chuyển nghiệp lực thành nghiệp lực. Dù chúng sanh nhục mạ chúng ta, hãm hại chúng ta thì chúng ta vẫn giữ vững một niềm tin kiên định”.

Hòa thượng từng đến giảng pháp ở nhiều nơi, ngày ngày giảng pháp ở đó nhưng sau đó họ tìm cách đẩy Hòa thượng đi vì người ta chỉ kính trọng Hòa thượng, không kính trọng họ. Khi Hòa thượng giảng “Kinh Vô Lượng Thọ” lần thứ 10, Ngài chỉ giảng đến tập 26 thì phải dừng lại. Lúc đó Ngài đang giảng ở Cư sĩ Lâm - Singapore, họ cũng tìm cách đưa Hòa thượng đi. Ngài phải lưu lạc sang Úc. Cho nên bộ Kinh đó bị đứt đoạn nhiều lần.

Ngài cả đời hi sinh phụng hiến, cả đời không quản người, không quản việc, không quản tiền mà còn bị bạc đãi như vậy thì chúng ta phải mang một ý niệm: Chúng ta đến thế gian này để làm một ít việc, khi kết thúc nhiệm vụ thì sẽ ra đi. Chính học trò của mình, chính người tưởng chừng không thể thay đổi lại quay lại hại mình. Tâm của chúng sanh là như vậy. Đó là tâm vô thường, liên tục biến đổi, trong 1 sát na có 60 lần sinh diệt. Sự chuyển đổi rất nhanh, cho nên chúng ta không chấp trước, không dính mắc vào đó.

Nói thẳng ra, con người ở thế gian vong ân bội nghĩa. Chúng ta chính mình là người vong ân bội nghĩa. Phật Bồ Tát, Thánh Hiền đem giáo pháp đến cho chúng ta. Chúng ta có tiếp nối sứ mạng của các Ngài, có đền trả ân đức của các Ngài không? Chúng ta có vong ân bội nghĩa không? Chúng ta là học trò, được tiếp nhận lời dạy của Thầy Cô. Nhờ những Thầy Cô đã hi sinh, dạy bảo chúng ta. Khi chúng ta trở thành Thầy Cô, chúng ta có tiếp nối sứ mạng, thực hiện hoài bão, ước vọng của Thầy Cô không? Chính chúng ta đã tạo ra nhân vong ân bội nghĩa cho nên khi chúng ta gặp người vong ân bội nghĩa thì đó là quả do chính chúng ta gieo mà thôi.

Hòa thượng nói: “Kinh sách của tôi rất nhiều. Nhưng sau mỗi lần chuyển nhà trong nước và ngoài nước, cuối cùng mất hết Kinh sách”. Những cuốn sách quý báu như bảo vật mà Thầy Lý Bỉnh Nam giao cho Ngài, lão Cư Sĩ đã chú thích rất kỹ lưỡng cũng bị mất hết.

Thầy cũng đã trù bị, không mang theo thứ gì. Mình huân tập nó ở trong mình. Hòa thượng cả một đời “tam bất quản” mà còn bị học trò đối xử tệ bạc như vậy thì chúng ta là ai? Chúng ta cứ hi sinh phụng hiến, đừng bao giờ nghĩ đến sự báo đáp của chúng sanh.

Hòa thượng dạy: “Việc tốt cần làm nên làm, không công không đức”.

Mời mấy năm qua, trong cuộc đời bôn ba của mình, Thầy đã trải nghiệm sự bạc đãi của học trò sau khi họ trưởng thành. Họ vì mục đích tư lợi mà thành như vậy. Họ có tâm phản nghịch thì chính mình cũng phải phản tỉnh tâm của mình. Cho nên chúng ta chuẩn bị sẵn tâm kiên cố của mình. Chúng ta làm theo nguyện vọng của mình.

Hòa thượng nói: “Người ta tranh giành thì mình nhường. Thậm chí khi họ chưa giành thì mình đã nhường luôn rồi. Người học Phật phải hiểu được tu tích thiện căn”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook