273Thứ Sáu, 03/09/2021, 19:50

CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP

ĐỀ TÀI 498

HIỂU ĐƯỢC MẤY CÂU THÌ LỢI ÍCH VÔ CÙNG

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con đã ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ sáng thứ Hai ngày 19/04/2021.

*******************

Có thể được mấy câu thì đời này thọ dụng đã vô cùng”. Ý Hòa thượng muốn nói rằng đời này chỉ cần chúng ta nghe Phật pháp được mấy câu thôi thì ngay đời này đã thọ dụng vô cùng rồi chứ không phải nghe quanh năm suốt tháng mà không có thọ dụng. Có người nghe rất nhiều bộ Kinh, nghe nhiều nhưng chồng chéo, làm khó chính mình.

Ngài Lục Tổ Huệ Năng khi xưa là một tiều phu đốn củi, không biết chữ. Hôm đó Ngài đi giao củi cho người ta, Ngài nghe được một câu “Ưng Vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm” thì liền khai ngộ.

Ví dụ, Phật dạy chúng ta một câu: “Lấy giới làm Thầy, lấy khổ làm Thầy”. Chúng ta tuân thủ mọi nội quy, quy định, thuần phong mỹ tục. Chúng ta hi sinh phụng hiến một đời. Chúng ta dù làm việc ở bất cứ nơi nào, khi nhận được sự chỉ đạo của quốc gia, tổ chức, đoàn đội, chúng ta cứ làm theo sự chỉ đạo, làm việc chí công vô tư. Vậy thì lợi ích vô cùng!

Chúng ta học cho nhiều để nói cho hay nhưng không có cảm thụ nơi tâm. Chúng ta thấy có những người học Phật vài chục năm nhưng không có một chút thọ dụng nào. Khổ đau phiền não vẫn còn nguyên vì họ không thay đổi tập khí của mình. Thế gian pháp nói “Chủ nghĩa cá nhân”, đó chính là “ngã”, ta thấy, ta biết, ta nghe, ta thương, ta thích…

Hòa thượng nói: “Kinh giáo hàm nghĩa rất thâm sâu. Thông thường chúng ta tiếp nhận và huân tập Kinh giáo quá ít cho nên dụng tâm sai. Dụng tâm sai chính là chúng ta dùng sai cái tâm, tự tư tự lợi. “Quá ít” không phải là thời gian quá ít mà nói đến sự nội hàm trong tâm của chúng ta. Khi chúng ta nội hàm được rồi thì chúng ta ứng dụng được trong mọi trạng thái, hoàn cảnh”. Ví dụ nước, nước được đổ vào bình hình vuông thì trở thành hình vuông, nước được đổ vào bình hình tròn thì trở thành hình tròn.

Tất cả mọi lời dạy của Thánh Hiền, những chuẩn mực của người xưa đều phải tan biến ở trong ta, sau đó lưu xuất ra. Ví dụ khi lái xe, chúng ta phải tuân thủ mọi nguyên tắc tiêu chuẩn tốc độ cho phép thay đổi ở từng đoạn đường. Có lúc chúng ta không tuân thủ đúng theo những quy định đó. Chúng ta nên nhớ khi đã xảy ra sai phạm thì không có cơ hội lần thứ hai. Đó chỉ là hành trình của một chuyến xe. Khi chúng ta làm giáo dục, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ thì nhân quả vô cùng lớn.

Sự huân tập của chúng ta quá ít. Tập khí phiền não của chúng ta quá nhiều. Tập khí của chúng ta vô cùng vi tế, sẵn sàng khởi lên bất cứ lúc nào, mọi lúc mọi nơi. Những vị cổ nhân, đại đức họ xa lìa nơi phồn hoa, xa lìa những nơi khiến người ta quên đi chính mình, đánh mất chính mình lúc nào không hay. Khi xưa có 2 người bạn cùng ẩn tu trên núi cao nơi thanh tịnh. Họ được mời xuống thành thị để giảng giải. Sau một thời gian, một người bạn nói rằng: “Có một người bị danh lợi tài sắc danh thực thùy sai khiến, đánh mất chính mình rồi!”. Người bạn kia không hiểu, hỏi đó là ai thì người bạn liền nói thẳng: “Người đó chính là anh! Anh đã đánh mất chính mình. Tâm anh đã bị ô nhiễm”. Khi ở nơi thành thị, hàng ngày quen với việc hưởng thụ tiện nghi vật chất, không những không phải đi suối xách nước về tắm mà còn được tắm bồn.

Phải giữ vững ý chí, kiên định lập trường. Hòa thượng nói: “Mỗi ngày chúng ta tiếp nhận, huân tập không phải với thành ý chánh tâm mà chúng ta huân tập tham sân si mạn, năm dục tài sắc danh thực thùy, danh vọng lợi dưỡng, tự tư tự lợi cho nên đánh mất chính mình, cho nên không thể chí công vô tư. “Mình” ở đây là bản thể thanh tịnh vô nhiễm. Những thứ này mà hàng ngày huân tập thì còn có thể được hay sao!”. Nói một cách khác là hết thuốc chữa rồi!

Chúng ta phải ghi nhớ lới Hòa thượng nói, phải nắm lấy mục tiêu phương hướng này: “Chúng ta học Phật, có thể nói một câu trắng bệch ra: Học Phật chính là học làm người, học làm người tốt, học làm một người chánh nhân, học làm một con người hoàn mỹ, tìm ra không được một khiếm khuyết nào thì đó mới là người học Phật, chân thật đã vào cửa. Nếu vẫn còn khiếm khuyết thì chúng ta chưa chân thật vào cửa”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook