210Thứ Sáu, 03/09/2021, 19:50

CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP

ĐỀ TÀI 501

QUẢ BÁO CỦA TỰ TƯ TỰ LỢI

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con đã ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ sáng thứ Năm ngày 22/04/2021.

***********************

Tâm tự tư tự lợi của chúng ta rất vi tế, càng lúc càng lớn vì chúng ta không tin Phật. Nhà Phật dạy: “Nhất ẩm nhất trác, mạc phi tiền định”.

Hòa thượng nói: “Chúng sanh ngày nay thích nghe gạt, không thích nghe khuyên”.

Chúng ta sai phạm đủ 16 chữ: Tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần, tham sân si mạn. Khi chúng ta nghe giảng Phật pháp với mong muốn để sửa chính bản thân mình thì nghe mà cảm thấy vui. Khi chúng ta nghe giảng Phật pháp mà không sửa đổi bản thân thì nghe mà không có niềm vui, thậm chí cảm thấy hình như Thầy đang mắng mình, rồi không lên nghe giảng nữa. Như vậy thì thật đáng tiếc!

Thầy khẳng định:

1. Thầy không khuếch trương tôn giáo.

2. Thầy không mở Zoom để lôi kéo tín đồ. Giáo dục của Phật là giáo dục đời sống. Chúng ta học thường thức, đây là môn học đời sống. Trước đây, khi giảng hơn 200 đề tài, Thầy ngồi một cách nghiêm túc để học một mình, chia sẻ với chúng sanh các pháp giới trước camera. Sau đó có người xin Thầy mở Zoom để nhiều người cùng học, cùng có được lợi ích. Nhưng có người nghe xong cảm thấy là bị mắng rồi họ rời khỏi lớp học và ôm lòng oán hận. Như vậy rất tội nghiệp!

Giáo học của Phật pháp là giáo dục đời sống, giúp chúng ta hiều rõ mối quan hệ giữa người với người, giữa người với thiên địa quỷ thần, giữa người với thiên nhiên. Đây là môn học trí tuệ. Đôi khi lời Phật nói người ta không hiểu mà chỉ hiểu lời Chúa nói. Đôi khi lời Chúa nói người ta không hiểu mà chỉ hiểu lời A La nói. Đây là duyên.

Nhà Phật nói: “Chúng sanh cang cường, nan hóa”. Mỗi chúng ta đều như vậy.

Thầy có một học trò đi xuất gia. Ông ấy là người Hoa. Ông ấy hỏi:

- Thầy đang làm gì?

- Tôi đang học tập “Đệ Tử Quy”.

- “Đệ Tử Quy” là gì?

- Ông mất gốc rồi!

- Thật vậy sao?

- Ông không được dạy văn hóa truyền thống của Tổ tiên. Đây chính là mất gốc.

- Ồ, đúng vậy!

Bác Hồ nói:

“Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Chúng ta học tập là để tu sửa chính mình. Đây là công cuộc gian nan. Người ta trèo non lội suối, giãi nắng dầm sương nhưng không khó khăn bằng tu sửa tập khí của chính mình.

Nhà Phật nói: “Chiến thắng 3 quân chưa phải là chiến thắng vẻ vang. Chiến thắng chính mình mới là chiến thắng vẻ vang”. Chúng ta có thể chiến thắng người khác nhưng lại hoàn toàn thất bại với chính mình. Chúng ta đặt chuông đồng hồ để dạy sớm vào buổi sáng nhưng không thể dậy sớm vì muốn ngủ thêm. Chiến thắng chính mình là một chiến trường mà chúng ta phải chiến đấu từng giây từng phút.

Bài học hôm nay Hòa thượng muốn nhắc chúng ta quả báo của tự tư tự lợi. Chúng ta đã quen với việc cho đi, quen với việc quan tâm đến người khác nhưng có nhiều người cảm thấy khó khăn khi cho người khác, khi quan tâm đến người khác. Họ vô cảm, họ chưa bao giờ biết cho đi, chưa bao giờ biết quan tâm đến người khác, chỉ biết tự tư tự lợi.

Hòa thượng nói: “Ta già đi trong từng khoảnh khắc ngắn nhất. Phật Bồ Tát biết rõ điều này. Các Ngài khởi tâm động niệm đều tích lũy công đức, tích lũy phước báu, luôn nghĩ cho người khác, không ngừng cải đổi chính mình, không ngừng lợi ích chúng sanh. Các Ngài chân thật hi sinh phụng hiến, tích lũy công đức, thành tựu chính mình, thành tựu quả Bồ Đề, hồi phục và thành tựu bản năng chân thật của chính mình để phổ độ cứu giúp chúng sanh mê hoặc điên đảo. Việc làm này ý nghĩa và giá trị biết bao!”.

Đây là mục đích của học Phật. Chúng ta học Phật không phải là để được phù hộ độ trì. Chúng ta quên mất một đạo lý đơn giản: “Người phước nhất định ở đất phước”. Chúng ta vì mọi người phục vụ, vì mọi người tạo phước. Chúng ta không cần cầu xin để được Phật Bồ Tát ban phước, phù hộ. Phật Bồ Tát không làm việc ban phước, phù hộ. Chúng ta học Phật là để làm như Phật, để hồi phục và thành tựu năng lực cứu giúp chúng sanh.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook