280Thứ Hai, 06/09/2021, 17:33
430 · Hôm Nay Mà Có Tiền Tài, Có Thể Ngày Mai Sẽ Không Còn

CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP

ĐỀ TÀI 430

HÔM NAY MÀ CÓ TIỀN TÀI

CÓ THỂ NGÀY MAI SẼ KHÔNG CÒN

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Năm ngày 07/01/2021.

**************************

Hôm nay mà có tiền tài, có thể ngày mai sẽ không còn. Tiền tài là do phước báu. Nhiều người nghĩ rằng có nhiều tiền thế này thì làm sao mà hết được tiền. Đó là ý niệm tự cao tự đại. Kiếm tiền mà rơi vào vòng lao lý thì nhiều tiền cũng không có ý nghĩa gì.

Người trí tuệ biết được luôn luôn tích phước, bòn phước mà không hưởng phước. Có một điều quan trọng là chúng ta phải tái tạo phước báu. Đối với mình thì phải tiết giảm đến mức thấp nhất. Đối với người khác thì chúng ta luôn sẵn sàng cho đi, có phước nhưng không hưởng, có tiện nghi nhưng không hưởng mà nhường cho người khác.

Người xưa dạy: Nhận được từ thế gian này thì hãy nên cúng dường lại thế gian. Đến khi ra đi, chúng ta không mang đi theo được bất cứ thứ gì. Trong việc làm này cũng phải có đạo lý thì phước mới dài lâu.

Chúng ta có thể làm gì cho cộng đồng thì công đức rất lớn. Trong tất cả mọi việc tốt thì việc giáo dục luân lý đạo đức có phước báu lớn nhất. Nếu làm giáo dục vì cầu danh cầu lợi thì không thể có phước báu.

Thiếu niên tiết phước.

Trung niên tạo phước.

Lão niên tích phước, tích phước cho đời sau, thế hệ sau.

Từ rất lâu rồi, khi chưa học tập sâu, Thầy đã có ý niệm rằng người lớn phải biết nhường sự thuận lợi, sự hưởng thụ của mình cho người sau, như vậy mới là người lớn. Chúng ta phải tích công bồi đức, làm ra tấm gương cho mọi người và cho thế hệ sau.

Nhiều em bé mới sinh ra được bố mẹ xin quần áo cũ về mặc là để tiết phước cho con, không phải để dễ nuôi. Vừa có một chút thành đạt thì tâm ngạo mạn, tâm cống cao ngã mạn đã nổi lên. Có nhiều người không hiểu nên cho con mình hưởng phước lúc còn nhỏ. Nhiều em bé toàn sài đồ hiệu, ăn đồ đắt tiền. Có gia đình nhà giàu có, khi con mới sinh ra đã trưng bày tiền tỉ, cho con lên xe xuống ngựa, chỉ quen hưởng thụ, không đặt chân xuống đất, không biết làm việc. Về sau gia đình đó tan gia bại sản, tranh chấp tài sản, con cái không biết đã ra sao.

24 năm trước Thầy Vọng Tây đã mua bảo hiểm cho con. Toàn bộ tiền bảo hiểm nhận được, con của Thầy đã phát tâm mang đi phóng sinh. Có được kết quả này là do sự tích cực tu học của gia đình Thầy.

Giàu sang là phước báu. Phước báu cần được tái tạo. Một lần khi đi giảng ở Sóc Trăng, Thầy chia sẻ chủ đề “Tái tạo phước báu”. Thầy nói rằng nếu chúng ta biết dùng tiền do người khác biếu tặng để mang đi biếu tặng người khác thì chính là tái tạo phước báu. Dù gặp khó nhưng chúng ta vẫn cần cố gắng bồi phước.

Phước ở chỗ tạo phước, tích phước, tiết phước mà sinh ra. Đó mới là phước báu dài lâu.

Người xưa đã dạy: “Mấy ai giàu ba họ! Mấy ai khó ba đời!”. Hòa Thượng trước đây không có phước báu, không có tuổi thọ nhưng giờ đây Ngài đã 96 tuổi, phước báu vô cùng lớn, người chưa đến nhưng phước đã đến. Sự giàu có này vi diệu, sẽ kéo dài mãi.

Nếu chúng ta không biết cách tu phước thì con cháu đời sau hết phước.

Cách đây 7 – 8 năm, một cặp vợ chồng cả đời làm lụng vất vả dành dụm được 1 căn nhà 3 - 4 tầng. Họ có một đứa con cầu tự. Một ngày nọ, đứa con tự ý bán ngôi nhà của bố mẹ khiến bố mẹ điêu đứng.

Một học trò của Thầy lúc nhỏ thì chăn trâu, làm lụng vất vả, rất ham thích đi học. Bằng cách nào đó, cô học trò đó đi học đỗ được cấp 3, sau đó lấy chồng. Nhờ cần cù lao động nên cô ấy đã mua được căn nhà. Người chồng đã tự ý bán nhà, chuyển tiền vào tài khoản của chồng rồi bặt vô âm tích, không biết đã đi đâu. Ba mẹ con rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn, sống qua ngày. Hai con nhỏ đã bỏ học, không biết bây giờ đã ra sao. Rất tội nghiệp!

Con cái phải được dạy dỗ thì mới ngoan được. Nếu chúng ta chỉ ăn chay niệm Phật thì vẫn chưa đủ, mà phải cố gắng giáo dục, dạy dỗ con cho tốt.

Hòa Thượng nói: Một người bạn của Cha tôi trước đây là Tư lệnh, trong nhà có 7 người giúp việc. Sau khi về hưu thì gia đình họ bị suy sụp. Họ đã hơn 70 tuổi mà vẫn phải bán rau để sống qua ngày. Hòa Thượng nhìn thấy họ như vậy thì rất thương họ. Hòa Thượng khuyên ông ấy học Phật. Ông ấy nói: Học Phật rất tốt nhưng tôi không có thời gian, qua mấy năm nữa tôi sẽ học. Sau đó mấy năm thì ông ấy chết.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook