CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 409
NGHIỆP CHƯỚNG LÀM SAO CÓ THỂ TIÊU ĐƯỢC?
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ sáng thứ Ba ngày 12/01/2021.
***************************
Tạo nghiệp chính là tạo ác. Hành động của chúng ta đã làm ra, kết thành, gọi là nghiệp. Chúng ta có thể chuyển nghiệp. Nhiều người mong muốn tiêu nghiệp. Nghiệp không thể tiêu nhưng có thể chuyển đổi.
Ngài Liễu Phàm Tứ Huấn đã làm ra tấm gương để chúng ta học tập. Số mệnh của Ngài không có con, không có phước báu, không có công danh, không có tuổi thọ. Ngài nghe lời của Thiền sư Vân Cốc. Nhờ mỗi ngày đều làm việc thiện mà Ngài đã thay đổi vận mệnh, đỗ đạt, sinh 2 con trai, tuổi thọ dài lâu.
Nhiều người đi cầu Thần, cầu Phật để xin xỏ mà họ không biết rằng tích cực làm việc thiện sẽ giúp họ tích công bồi đức, việc xấu ác sẽ được đẩy lùi.
Hòa Thượng nói: “Phàm phu chúng ta từ sáng đến tối đều đang tạo nghiệp”.
Có 3 loại nghiệp:
Thiện nghiệp là những việc lợi ích cho chúng sinh.
Ác nghiệp là những việc lợi ích cho bản thân mình.
Vô ký nghiệp là những việc không thiện, không ác.
Ba độc tham, sân, si chính là từ trong nghiệp chướng mà ra. Gặp việc tốt, chúng ta trở nên tham ái, sinh tâm ưu thích vừa lòng với thuận cảnh. Gặp việc xấu ác, chúng ta sinh tâm sân hận, chán ghét nghịch cảnh.
Trong 5 giới nhà Phật, có người nói: “Không nói dối khó quá! Con không làm được”. Phật dạy chúng ta đừng làm cho người những việc mà chính mình không thích. Những điều đó không phải là giới cấm.
Có người nói rằng: “Buôn bán thì phải nói dối, làm nghề biển thì phải sát sanh”. Đây là lời nói tạo ác nghiệp. Chính họ phải gánh lấy nhân quả khi nói như vậy. Ngày nay, chỉ cần được lợi thì người ta làm gì cũng được, miễn là đem tiền đến cho họ. Việc này vô cùng nguy hiểm.
Trong nhà Phật, tất cả những việc làm ra đều phải là tịnh tài, tịnh lực, tịnh tâm. Chúng ta không thể lấy tiền đi lừa gạt người khác để làm từ thiện, không thể lấy tiền làm việc xấu ác để làm từ thiện.
Một cụ già đang phiền não vì có người khác nợ tiền của cụ, cụ muốn đòi lại số tiền đó để đi làm từ thiện. Đây là rơi vào phân biệt chấp trước. Thầy Vọng Tây khuyên cụ buông xả, tặng luôn họ số tiền đó, đây chính là từ thiện.
Hòa Thượng nói: “Bạn chậm một ngày thành tựu thì chúng sinh thêm một ngày đau khổ”.
Nếu chúng ra giáo dục chuyển mê thành ngộ, giáo dục chuyển phàm thành Thánh, giáo dục đoạn ác tu thiện, nếu chúng ta làm tốt những công tác giáo dục này thì chắc chắn họ sẽ thay đổi bởi vì ngộ tánh của con người rất cao. Tất ra đều do giáo dục mà ra.
Nhiều người đã từng làm ra những việc đại xấu ác nhưng sau khi tiếp nhận giáo dục thì họ được khai ngộ. Vấn đề ở chỗ họ không có cơ hội tiếp nhận giáo dục Phật Đà, giáo dục Thánh Hiền. Chúng ta là những người học Phật, học đạo đức Thánh Hiền, những việc mà chúng ta đang làm hàng ngày chính là giáo dục thân giáo. Người ta nhìn vào liền nói: “Người học Phật có khác! Người học đạo đức Thánh Hiền có khác!” . Họ có thể âm thầm học theo. Việc này tôi thấy rất dễ. Vấn đề là chúng ta chưa làm ra tấm gương tốt để họ nhìn vào mà học tập.
Có người hàng xóm được Thầy thường xuyên đưa tiền đi phóng sanh. Có người thường được Thầy đưa tiền để phát tặng cho người nghèo. Họ trở thành người học Phật lúc nào không biết. Khi họ làm việc thiện, Thầy rất vui!
Chúng ta làm ra tấm gương để họ học tập. Đời sống của người học Phật, học Thánh Hiền rất vui. Khi họ nhìn thấy thì vô hình trung họ đã được giáo dục. Khi chúng ta mang điều tốt đến cho người khác thì chắc chắn họ hoan hỉ.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta cứ tặng quà cho họ, tặng càng nhiều thì họ càng vui thích”.
Quả báo của nghiệp vô ký là ngu si. Chúng ta ngày ngày đang tạo nghiệp THAM – SÂN – SI. Vậy làm thế nào để tiêu nghiệp chướng?
Nghiệp là thói quen, tập khí mà chúng ta tạo tác. Gặp tham thì tham, gặp sân thì sân. Chúng ta đụng vào thứ gì thì thứ đó trỗi dậy. Chúng ta chìm đắm trong tài, sắc, danh, thực, thùy. Đây là đang tạo nghiệp. Chúng ta bị sai khiến bởi tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần, tham sân si mạn. Phật Bồ Tát chủ động, không bị dính mắc.