192Thứ Bảy, 11/03/2023, 18:27
1184 · Tâm Giác Không Động, Tâm Động Chính Là Mê

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 11/03/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1184

“TÂM GIÁC KHÔNG ĐỘNG, TÂM ĐỘNG CHÍNH LÀ MÊ”

Tâm giác là tâm luôn luôn phản tỉnh. Nếu tâm chúng ta mê thì chúng ta sẽ bị tham, sân, si dẫn đạo. Hòa Thượng nói: “Mê là chúng ta không biết chính mình có sai lầm. Giác là chúng ta biết chính mình có sai lầm”. Rất nhiều người không biết mình có sai lầm thậm chí có người khuyên can họ cũng không tiếp nhận. Nếu chúng ta biết tiếp nhận những lời khuyên chân thành thì chúng ta sẽ chuyển từ mê thành giác. Chúng ta thật làm thì chúng ta sẽ thật chuyển đổi. Khi giảng “Kinh Hoa Nghiêm Áo Chỉ”, Hòa Thượng nói: “36 năm giảng Kinh, thuyết pháp, không một ngày nào tôi không niệm Phật, tụng Kinh thế mà phiền não trong tôi vẫn dấy khởi”. Nếu phiền não trong chúng ta vẫn dấy khởi thì chúng ta vẫn tương ưng với cõi ác, chưa tương ưng được với cõi tịnh.

Hòa Thượng nói: “Sau khi chúng ta biết được lỗi lầm của chính mình thì chúng ta phải tu sửa những lỗi lầm đó. Chúng ta nhất định phải xác định rõ tâm của chúng ta là tâm giác hay tâm mê”. Có những người đã công phu, giảng Kinh, nói pháp, hướng dẫn mọi người niệm Phật nhưng tập khí, phiền não của họ không thay đổi thậm chí tập khi, phiền não của họ ngày càng nghiêm trọng hơn. Người có tâm giác thì họ luôn phản tỉnh, luôn nhận biết mọi việc một cách rõ ràng. Người có tâm mê thì họ không thể phản tỉnh, không tiếp nhận sự góp ý của người khác. Chúng ta đừng tin vào cách thấy, cách biết, cách nói, cách làm của mình vì chúng ta vẫn còn đầy đủ tập khí, phiền não. Chúng ta vẫn “tự tư tự lợi”, “tham, sân, si, mạn” nên cách thấy, cách biết, cách làm của chúng ta hoàn toàn sai lầm.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải thường giữ gìn tâm thanh tịnh. Chúng ta rõ ràng, tường tận trong tất cả các cảnh giới nhưng tâm chúng ta không khởi tâm phân biệt, chấp trước đây chính là tự tánh giác. Nếu chúng ta ở trong các cảnh giới mà chúng ta vẫn phân biệt, chấp trước thì chúng ta đang mê”. Sự phân biệt, chấp trước của chúng ta khiến cho chúng ta loạn động. Nhà Phật nói: “Tâm bình thế giới bình”. Tâm của chúng ta động thì thế giới xung quanh cũng sẽ động.

Hòa Thượng nói: “Hàng ngày, chúng ta vẫn dùng tâm phân biệt, chấp trước mà chúng ta chưa dụng được tâm bình đẳng với mọi sự, mọi việc. Vọng tâm, tâm phân biệt, chấp trước là tâm ý thức, không phải chân tâm”. Khi tiếp xúc với mọi cảnh duyên chúng ta đều phải dùng tâm chân thành không phân biệt, chấp trước. Nếu gia đình chúng ta có việc hiếu, hỉ, ma chay thì chúng ta luôn bị động tâm. Tâm chúng ta không định thì chúng ta không thể tương ưng với cõi tịnh. Khi tâm chúng ta đang động mà vô thường đến thì chúng ta chắc chắn đi vào cõi ác vậy thì chúng ta đã uổng phí một kiếp tu hành.

Hòa Thượng nói: “Giác tâm là chân tâm. Chân tâm là Phật tâm. Tâm chúng ta là vọng tâm. Vọng tâm là giả, là tâm của phàm phu. Chúng ta có vọng tâm do chân tâm của chúng ta bị mê mất”. Hàng ngày, chúng ta vẫn đang dùng tâm ý thức, chúng ta càng vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì chúng ta càng xa lìa chân tâm. Nhà Phật nói: “Chuyển phiền não thành Bồ Đề”. Chúng ta lìa khỏi tâm vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì tâm Phật trong chúng ta sẽ hiển lộ.

Hòa Thượng nói: “Người giác thì chuyển phiền não thành Bồ Đề. Người mê thì chuyển Bồ Đề thành phiền não. Phiền não và Bồ Đề kỳ thật chỉ là một. Khi chúng ta mê thì chúng ta có vô lượng vô biên phiền não. Khi chúng ta giác thì chúng ta có vô lượng vô biên trí tuệ. Điều quan trọng là chúng ta có biết chuyển đổi hay không. Chúng ta mê thì chúng ta sẽ cảm tình dụng sự”. Trong chúng ta đã vốn có sẵn chân tâm thanh tịnh nhưng nhiều đời, nhiều kiếp chúng ta đã tình nguyện làm người mê, chúng ta sống trong buồn vui, thương ghét, giận hờn. Trong “Tứ Y Pháp” dạy: “Y trí bất y thức”. Chúng ta phải dùng trí tuệ để làm việc chứ không dùng tình cảm. Nhiều đời nhiều kiếp, chúng ta dùng tình cảm để làm việc.

Có người khi gả con gái thì họ khóc rất nhiều mặc dù đây mới chỉ là cảnh sinh ly chưa phải là cảnh tử biệt. Chúng ta phải dùng trí tuệ nhận biết mọi sự việc. Đề tài hôm qua chúng ta học nói, thiền chính là tĩnh lự, là chỉ quán. “Chỉ” là dừng lại tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. “Quán” là nhìn thấy mọi sự, mọi việc một cách rõ ràng, tường tận. Chúng ta không thấy rõ chân tướng của mọi sự, mọi việc thì chúng ta công phu trì chú, tụng Kinh, niệm Phật đều không thể có thành tựu. Khi đó, chúng ta có thể có một chút phước báu, một chút căn lành với nhà Phật nhưng đời này, chúng ta không thể có thành tựu.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook