Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 10/03/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1183
“KHÔNG CÓ BỆNH KHỔ ĐỘNG NƯƠNG VÀO THIỆN ĐỊNH ĐÂY MỚI LÀ CÔNG PHU CHÂN THẬT”
Hàng ngày, tâm chúng ta thường ở trạng thái loạn động, bao chao. Tâm chúng ta không định nên chúng ta không minh tường mọi sự, mọi việc. Trong quá trình tôi giảng 1200 đề tài, càng ngày tốc độ nói của tôi ngày càng chậm hơn. Trước đây, khi tôi muốn diễn đạt một vấn đề, tôi muốn nói nhiều ý nên tôi thường nói quá nhanh và nói không hết ý. Hiện tại, khi tôi đi chia sẻ với mọi người, tôi nói rất ngắn gọn. Người có định thì sẽ nói ít. Người tâm càng không định thì sẽ càng nói nhiều. Chúng ta tận tâm tận lực đem Phật pháp, đem giáo huấn của Thánh Hiền đến với chúng sanh nhưng chúng ta không nên có tâm cưỡng cầu. Chúng ta muốn người khác phải hiểu hết, phải hiểu ngay đó là chúng ta có tâm cưỡng cầu, chấp trước. Chúng ta cưỡng cầu, chấp trước thì chắc chắn chúng ta phiền não.
Hòa Thượng nói: “Thiền định là trạng thái có thể làm chủ được chính mình. Khi chúng ta có thiền định thì chúng ta sẽ rõ ràng, tường tận, phân minh, có chủ kiến chính xác trong mọi sự, mọi việc. Thiền là trạng thái “tĩnh lự” hay còn gọi là “chỉ quán”. “Chỉ” là buông bỏ tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. “Quán” là nhìn thấu tất cả đều là hư vọng, không thật, không có gì bền chắc”. Trên “Kinh Kim Cang” nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bảo ảnh”. Thân chúng ta chịu sự chi phối của định luật Sinh – Lão – Bệnh – Tử, to lớn như trái đất cũng nằm trong định luật Thành – Trụ - Hoại – Không. Nếu chúng ta không có thiền định thì chúng ta dễ bị lay động bởi thị phi, nhân ngã, thành bại, tốt xấu.
Hòa Thượng nói: “Trong Phật pháp, chúng ta tu học pháp môn nào dù là Thiền Tông, Mật Tông hay vô lượng pháp môn khác thì chúng ta đều tu thiền định. Nếu pháp môn nào rời khỏi thiền định thì đó không phải là Phật pháp”. Chúng ta niệm Phật, trì chú, tụng Kinh cũng là chúng ta tu thiền định. Tất cả pháp đều đưa chúng ta trở về với tâm thanh tịnh.
Hòa Thượng nói: “Tu học Phật pháp chú trọng ở thiền định, không chú trọng ở nghiên cứu. Chúng ta càng nghiên cứu Kinh điển thì tâm chúng ta càng bao chao, dao động và sai lầm. Tâm chúng ta định, tâm chúng ta thanh tịnh thì chúng ta có thể hoàn toàn thấu hiểu mọi sự, mọi việc”. Tâm chúng ta thanh tịnh thì chúng ta tường tận mọi sự, mọi việc. Trong nhà Phật có câu chuyện về một vị Thầy hương đăng, mùa hè, mọi người khuyên ông mang đèn sáp ra ngoài trời phơi thì ông làm theo. Trời nắng nóng nên đèn sáp tan hết, buổi tối, chùa không có đèn để thắp sáng. Sau đó, Hòa Thượng trụ trì khuyên Thầy hương đăng nên về một ngôi chùa nhỏ chuyên tâm niệm Phật. Ba năm sau Thầy hương đăng từ một người không biết chữ đã có thể giảng Kinh, nói pháp, làm thơ.
Hòa Thượng nói: “Tâm chúng ta định lại thì chúng ta liền tương ưng với giác tâm”. “Giác tâm” chính là tự tánh vốn thanh tịnh của chúng ta. Đối với Phật pháp chúng ta không cần nghiên cứu vì nghiên cứu là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chúng ta càng nghiên cứu sẽ càng sai! Chúng ta tu học Phật pháp chính là chúng ta tu tâm thanh tịnh. Ngài Lục Tổ Huệ Năng nói: “Nào ngờ tự tánh vốn sẵn đầy đủ, nào ngờ tự tánh năng sanh vạn pháp”. Chìa khóa mở ra kho tàng tự tánh chính là tâm thanh tịnh.
Hòa Thượng nói: “Người tu hành phải ưa thích chốn tịnh tĩnh, không ưa thích chốn ồn ào. Tâm chúng ta phải thường ở trong tịnh thì chúng ta mới có thể có đạo lực. Người có đạo hạnh thì họ nói càng ngày càng ít”. Người có đạo hạnh thì tâm họ định, lời nói của họ không phải là vọng tưởng, chấp trước. Có người đề nghị với tôi, nên điều chỉnh để đĩa Hòa Thượng nói nhanh hơn đó là họ có tâm nóng vội. Người nào nghe, hiểu được lời của Hòa Thượng thì người đó có sức định. Nếu người có tâm ý bao chao thì họ nghe cũng không hiểu!
Hòa Thượng nói: “Định” là then chốt trong tu hành của nhà Phật. Chúng ta phải dùng định để hồi phục bổn tánh, chân tâm”. Chúng ta phải nhìn rõ mọi sự, mọi vật là hư giả không thật để chúng ta không sinh tâm dính, mắc đắm chấp. Trong nhà Phật, có một câu chuyện vui, khi học trò vào nói với Sư phụ là sư huynh hay có người nào đó mất thì Sư phụ đều nói: “Vô thường mà con!”. Một hôm, khi học trò nói, chiếc xe của sư phụ bị người khác đâm vào thì Sư phụ nói: “Cái này thì họ phải bồi thường!”.