Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 02/03/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1175
“LÀM THẾ NÀO MỚI CÓ THỂ THÀNH TỰU? NHẪN THÌ CÓ THỂ THÀNH TỰU”
Trong sáu pháp tu của Bồ Tát là: “Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ”, “nhẫn nhục” yếu tố then chốt quyết định thành tựu của chúng ta. Chúng ta học Phật điều quan trọng nhất là chúng ta có thể trừ bỏ được tham, sân, si nhưng nhiều người học Phật chỉ để cầu phước báu, sức khỏe, tuổi thọ. Nếu chúng ta chưa khắc chế được tham, sân, si thì chúng ta tu hành không có thể có thành tựu. Chúng ta niệm Phật nhưng chúng ta vẫn tham, sân, si thì chúng ta vẫn đi vào Địa ngục. Chúng ta làm thiện pháp mà chúng ta vẫn còn tham, sân, si thì chúng ta sẽ ngày càng tăng trưởng “danh vọng lợi dưỡng”. Hòa Thượng nói: “Chúng ta học Phật chính là để trừ bỏ đi tham, sân, si. Nếu chúng ta không khắc chế được tham, sân, si thì chúng ta tu hành, làm thiện pháp chỉ có được một chút phước lành”. Chúng ta khắc chế được tham, sân, si thì chúng ta mới tạo ra được tịnh nghiệp.
Hòa Thượng nói: “Trên “Kinh Kim Cang” Phật nói: “Nhất thiết pháp đắc thành ư nhẫn”. Sáu phép tu Ba La Mật dạy chúng ta, trước tiên phải tu bố thí, tu nhẫn nhục. Chúng ta bố thí chính là chúng ta buông xả. Nếu chúng ta cho rằng bố thí là đem tiền của cho người khác thì đây không phải ý nghĩa chân thật của việc bố thí. Ý nghĩa chân thật của bố thí là chúng ta phải bố thí những kiến giải, phiền não, tham, sân, si của chính mình”. Chúng ta bố thí để đối trị tập khí tham lam của mình. Chúng ta phải buông bỏ cách thấy, cách nhìn, cách nói, cách làm sai lầm của chúng ta để nương vào cách thấy, cách nhìn, cách nói, cách làm của Phật Bồ Tát. Chúng ta thường cho rằng: “Tôi thấy như vậy mới đúng!”, “Tôi thấy làm như vậy mới đúng!”. Hàng ngày, chúng ta vẫn bị điều khiển bởi những tập khí, phiền não nên cách nghĩ, cách nói, cách làm của chúng ta đều là tham, sân, si.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta chỉ bố thí tiền của thì đời sau chúng ta có tiền tài, địa vị nhưng chúng ta không có huệ. Ở thế gian, nhiều người có tiền tài, địa vị nhưng họ không có đạo tâm. Điều này rất nghiêm trọng!”. Người quá giàu sang họ sẽ không muốn tu học và cũng không có thời gian để tu học. Người xưa nói: “Giàu sang tu học khó, bần cùng tu học khó”. Nhiều người trên thế giới có tiền mua du thuyền, mua siêu xe nhưng họ không muốn bỏ tiền ra làm lợi ích chúng sanh.
Khi chúng ta tổ chức lễ tri ân Cha Mẹ, vợ chồng tại Hà Nội, rất nhiều trẻ nhỏ cũng đến tham gia, những đứa trẻ sẽ có ấn tượng sâu sắc về buổi lễ tri ân. Gần đây, tôi cũng có ý niệm, về việc mở trung tâm giáo dục cho người nữ công, dung, ngôn, hạnh; dạy người nam bốn đức cần, kiệm, liêm, chính. Những người học xong đại học hoặc sắp bước vào hôn nhân được học những điều này thì xã hội sẽ rất tốt đẹp. Chúng ta khởi ý tưởng nếu thế hệ chúng ta không làm được thì con cháu đời sau sẽ làm. Chúng ta thường chỉ bố thí một chút tiền của dư thừa nhưng trong tâm chúng ta vẫn còn đầy đủ tham, sân, si. Hòa Thượng nói: “Phật dạy chúng ta bố thí là dạy chúng ta buông xả những tri kiến, phiền não. Công phu tu hành chính là dụng công ở chỗ này!”.
Hòa Thượng nói: “Kinh Kim Cang” nói về sáu pháp tu của Bồ Tát, trong đó nói nhiều nhất về bố thí, nhẫn nhục còn những nội dung khác trên Kinh chỉ lược qua. Bố thí, nhẫn nhục là pháp tu quan trọng nhất trong sáu pháp mà Bồ Tát Đã tu”. Sáu pháp tu của Bồ Tát là: “Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ”. Chúng ta có thể bố thí thời gian, bố thí bằng cách nhường phần thuận lợi, phần tiện nghi cho người.
Chúng ta có thể bố thí thông qua những việc rất nhỏ. Hôm qua, ở trên máy bay, tôi ngồi ở ghế bên trong, khi tôi và vợ tôi đi ra ngoài thì người ngồi ngoài phải co chân lên. Khi đi vào, tôi chờ vợ xong thì chúng tôi cùng vào để họ chỉ phải co chân lên một lần. Khi chúng ta tổ chức lễ tri ân Cha Mẹ, một số Bố Mẹ đưa con đi theo, họ để các con la hét, quấy khóc khiến cho từ trường của buổi lễ bị nhiễu loạn. Chúng ta bố thí bằng tâm chân thành thì chúng ta mới có thể nhìn thấy những việc cần làm. Chúng ta bị chồng hay vợ mắng mà chúng ta không phản ứng lại thì chúng ta tưởng rằng đó là chúng ta đang tu nhẫn nhục nhưng đó không phải là nhẫn nhục. Chúng ta làm mọi việc phải xuất phát từ tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Nếu chúng ta đề khởi được những tâm này thì chúng ta làm việc gì cũng sẽ thuận theo tánh đức. Chúng ta dùng tâm tham cầu làm bất cứ việc gì thì việc đó cũng sẽ sai.