Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 01/03/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1174
“TRONG SÁU PHÁP TU CỦA BỒ TÁT, NHẪN NHỤC LÀ THEN CHỐT CỦA THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI”
Chúng ta tu học, “nhẫn nhục” là yếu tố then chốt quyết định sự thành công hay thất bại. Ở thế gian, chúng ta muốn học tập có kết quả tốt thì chúng ta cũng phải nhẫn nại. Trong “Kinh Kim Cang” Phật nói: “Nhất thiết pháp đắc thành ư nhẫn”. Tất cả mọi việc nếu chúng ta muốn có thành tựu thì chúng ta đều phải nhẫn nại. Trong chữ Hán, chữ nhẫn ở bên dưới là bộ tâm, bên trên là bộ đao. Con dao cắm vào tâm. Chúng ta phải chịu được đau khổ thì chúng ta mới có thể có thành tựu.
Ngày trước, khi Vua Ca Lợi dẫn theo cung tần đi dạo, các cung tần nhìn thấy một vị Tiên Nhân, họ ngồi xuống nghe Ngài giảng đạo. Vua Ca Lợi nhìn thấy các cung tần của mình đang ngồi nghe một người nói thì nhà vua vô cùng tức giận. Vua Ca Lợi biết vị Tiên Nhân tu nhẫn nhục, Vua Ca Lợi muốn biết vị Tiên Nhân có thể nhẫn nhục đến mức độ nào nên nhà vua ra lệnh cho quân lính róc từng miếng thịt trên người vị Tiên Nhân. Sau khi đã lóc hết thịt của vị Tiên Nhân, nhà vua hỏi: “Nhà ngươi có tức giận không?”. Nhẫn Nhục Tiên Nhân phát nguyện: “Nếu ta không khởi lên sự tức giận thì cho toàn thân này lành lại như cũ. Một khi ta thành đạo người mà ta độ đầu tiên chính là ông!”. Khi Thích Ca Mâu Ni Phật thành đạo, người Ngài độ đầu tiên chính là năm anh em Kiều Trần Như, một trong năm người này tiền kiếp chính là Vua Ca Lợi. Phật đã nói Pháp Tứ Diệu Đế tại vườn Lộc Uyển cho năm anh em họ. Nhờ vua Ca Lợi mà Nhẫn Nhục Tiên Vương thành tựu được pháp nhẫn nhục. Nhẫn Nhục Tiên Nhân không có một chút tâm oán hận, nếu người thường bị lóc thịt như vậy thì họ sẽ vô cùng oán hận.
Trong cuộc sống, chúng ta trải qua được những khảo nghiệm, những khó khăn, chướng ngại là chúng ta đã thành tựu được một chút tâm nhẫn nhục. Hàng ngày, chúng ta vẫn cảm thấy chướng mắt, chướng tai thì chúng ta sẽ còn luân hồi nhiều đời, nhiều kiếp. Đời này, chúng ta trả chưa xong nợ thì chúng ta vẫn phải tiếp tục trả. Chúng ta phải trả với tâm thái hoan hỷ “nghịch đến thì thuận nhận” thì chúng ta mới có thể trả xong được nợ. Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải trả xong những hóa đơn mà mình đã nợ!”. Chúng ta phải trả với thái độ sảng khoái nếu chúng ta trả với thái độ khó chịu, sân hận thì chúng ta không thể trả xong được! Hôm trước, chúng ta học bài “Không nên gieo thù, không nên kết oán với chúng sanh”. Tất cả mối quan hệ của chúng ta đều bắt nguồn từ một trong bốn nhân duyên là báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ.
Phật dạy: “Cảnh tùy tâm chuyển” hay “Y báo tùy theo chánh báo mà chuyển”. “Chánh báo” là tâm của chúng ta. “Y báo” là tất cả hoàn cảnh sống xung quanh như con cái, vợ chồng. Con của chúng ta ngỗ nghịch thì chúng ta phải quán chiếu lại chính mình. Chúng ta chưa chuyển đổi được hoàn cảnh vì nội tâm chúng ta chưa hoàn toàn chuyển đổi, nội tâm chúng ta vẫn còn hư danh, mong cầu.
Gần đây, gái lớn của tôi đã phát tâm ăn chay, chồng cô cũng ăn chay theo. Những năm trước, con gái tôi không gọi điện, gần như không nói chuyện với Cha Mẹ. Hiện tại, ngày nào con tôi cũng gọi video để nói chuyện với Mẹ hàng giờ đồng hồ. Trước đây, các con tôi không nghe lời nên tôi coi như không có hai người con này nhưng hiện tại các con tôi đã chuyển đổi hoàn toàn. Nhưng sự thay đổi của các con tôi cũng không vững chắc, nếu tâm tôi thay đổi thì chúng sẽ thay đổi tiếp. Hôm nay, con tôi mời Cha Mẹ đến tri ân nhưng nếu ngày mai chúng lại quay lại thành “đại nghịch, bất đạo” thì đó là do tâm tôi thay đổi. Tâm chúng ta vẫn còn mong cầu hư danh thì hoàn cảnh sẽ thay đổi. Tâm chúng ta thay đổi thì hoàn cảnh vật chất và hoàn cảnh nhân sự sẽ thay đổi. Các con nhìn thấy tôi luôn đi phóng sanh, tặng quà cho người, ăn chay, niệm Phật nghiêm túc nên chúng dần dần chuyển. Trong nhà tôi không bao giờ có trứng, con gái nhỏ của tôi ăn chay từ bé, ngày trước, tôi cũng khuyên con gái lớn ăn chay nhưng con bé không nghe.
Hôm qua, có người muốn gửi một đứa con 16 tuổi vào trung tâm giáo dục của chúng ta vì họ không dạy được con. Tôi nói, chúng tôi không phải là trung tâm giáo dưỡng! Hôm trước, khi họ đi dự lễ tri ân, tôi nói với họ, buổi lễ có thể thành công vì mọi người luôn nghe lời, thật làm, nếu ông muốn con chuyển đổi thì tự Cha Mẹ phải chuyển đổi, không thể tự nhiên mà được hưởng phước. Trẻ em luôn biểu hiện tâm cảnh của Cha Mẹ, nếu Cha Mẹ cống cao ngã mạn thì con cũng không biết sợ, không biết kính trọng mọi người. Khi chúng ta chuẩn bị sinh con, chúng ta vẫn còn cống cao, ngã mạn thì khi sinh ra con chúng ta cũng không tôn trọng Cha Mẹ, Thầy Cô.