20609/02/2023, 10:07 22/02/2023, 08:43
1154 · Hàng Ngày Vẫn Cho Việc Làm Của Chính Mình Là Chính Đáng

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 09/02/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1154

“HÀNG NGÀY VẪN CHO VIỆC LÀM CỦA CHÍNH MÌNH LÀ CHÍNH ĐÁNG”

Chúng ta cho rằng việc làm của mình là chính đáng nhưng việc làm của chúng ta do khởi tâm động niệm dẫn dắt, khởi tâm động niệm của chúng ta vẫn là “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”. Nếu chúng ta không tự kiểm điểm thì hàng ngày việc làm của chúng ta đều là tạo nghiệp. Chúng ta quán sát xem cách thấy, cách làm, cách nghĩ của chúng ta đã phù hợp với lời giáo huấn của Thánh Hiền, của Phật không? Hàng ngày chúng ta làm sai mà chúng ta vẫn cho rằng mình làm đúng! Chúng ta làm sai mà không biết mình làm sai!

Người làm sai mà không biết mình làm sai thì điều đó vô cùng tệ hại. Khi chúng ta nhận ra mình làm sai chúng ta sẽ cảm thấy hổ thẹn với chính mình. Khởi tâm động niệm của chúng ta là “tự tư tự lợi”, ngông cuồng, ngạo mạn thì ngay đến Quỷ Thần cấp thấp cũng biết. Người xưa nói: “Đức trọng Quỷ Thần kinh”. Người có đời sống nghiêm túc, chính trực thì tự tánh của họ sẽ tạo ra uy lực khiến người thế gian kính nể, Quỷ Thần khiếp sợ.

Hòa Thượng nói: “Hàng ngày, chúng ta phải tự soi chiếu xem cách thấy, cách nghĩ, cách nói, cách làm của mình đã phù hợp với giáo huấn của Thánh Hiền chưa!”. Chúng ta không soi chiếu theo cách dạy của các bậc Thánh Hiền thì chúng ta không biết việc làm của mình có đúng đắn hay không. Chúng ta là người học Phật, chúng ta phải lấy Thập Thiện soi chiếu ba nghiệp của thân, khẩu, ý. Trong “Đệ Tử Quy” dạy chúng ta: “Rẽ quẹo rộng, chớ đụng góc”. Khi chúng ta còn nhỏ, chúng ta cũng thường đụng vào góc giường, góc ghế đây là tác phong của phàm phu chúng ta. Các bậc hiền nhân, quân tử, các bậc Thánh Hiền, các bậc Thánh có tác phong hoàn toàn khác.

Chúng ta học Phật là học làm người giác ngộ, học làm người thường phản tỉnh khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế, hành động tạo tác. Khi Đức Phật còn tại thế không có những nghi thức cầu cúng, mà những nghi thức cầu đó do người đời sau nghĩ ra. Hòa Thượng từng nói, người học Phật dần dần lấy cái phụ làm cái chính, lấy cái chính làm thành cái phụ. “Cái chính” là chúng ta thường hằng phản tỉnh chính mình. “Cái phụ” là chúng ta thực hiện các nghi thức, nghi lễ. Cái phụ dễ làm vì khi làm cái phụ chúng ta không cần phải cố gắng bỏ đi những “tập khí phiền não”. Người xưa nói: “Nhất niên Phật tại tiền, nhị niên Phật ra hiên, tam niên Phật thăng thiên”. Năm đầu, chúng ta như có Phật ở trước mặt, chúng ta rất tinh tấn. Năm thứ hai thì Phật ở ngoài hiên, chúng ta “tinh tấn” thì ít, “tinh tướng” thì nhiều. Năm thứ ba thì chúng ta hoàn toàn là “tinh tướng”, chúng ta dần xa lìa cái chính để làm cái phụ.

Hàng ngày, chúng ta được học giáo huấn của Phật, của Thánh Hiền nhưng chúng ta làm vẫn còn rất nhiều nhiều sai sót. Điều sai sót nhất của chúng ta là chúng ta tình chấp, chúng ta vẫn cảm tình dụng sự, dùng cảm tình để làm việc. Nếu chúng ta dùng tâm cảnh hiện tại để chúng ta dẫn đạo chúng sanh thì chúng ta sẽ dẫn đạo sai vì chúng ta vẫn dính mắc vào cái ta, cái của ta. Nếu chúng ta dính mắc vào cái ta thì chúng ta sẽ không làm những điều bất lợi cho mình. Chúng ta lơ là, cho qua lỗi của người nhà thì đó là chúng ta dùng cảm tình làm việc. Ý niệm ban đầu của chúng ta là ý niệm “hy sinh phụng hiến” nhưng ý niệm sau đã là lời lỗ, hơn thua, được mất.

Hòa Thượng nói: “Phàm phu chúng ta nghiệp chướng sâu nặng nên chúng ta không phân định được chân vọng, phải trái, tốt xấu”. Nếu chúng ta rời xa giáo huấn của Thánh Hiền, chúng ta căn cứ vào cách thấy, cách nghĩ, cách làm của mình thì chắc chắn chúng ta làm sai. Chúng ta nghiệp chướng sâu dày vì chúng ta có rất nhiều tập khí xấu ác. Hàng ngày, chúng ta học Phật một giờ, 23 giờ còn lại chúng ta đều bị dẫn đạo bởi tập khí xấu ác của mình.

Nhà Phật nói: “Bao giờ các ông là A-La-Hán thì hẵng tin vào chính mình”. A-La-Hán là bậc chứng được Tứ Thánh quả, không còn cái ta, không còn sinh tử. Khi nào chúng ta chứng được quả A-La-Hán thì chúng ta mới có thể tin vào mình, tin vào khởi tâm động niệm, cách đối nhân xử thế tiếp vật, hành động tạo tác của chính mình. Người chứng được Sơ quả Tu-Đà-Hoàn đã là người không còn nhìn thấy cái ta, người đã vô ngã. Người chứng nhị quả gọi là Tư-Đà- Hoàn, người chứng tam quả gọi là A-Na-Hàm, người chứng tứ quả gọi là A-La-Hán. Chúng ta là phàm phu, chúng ta phải phản tỉnh, kiểm soát từng khởi tâm động niệm của mình.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook