Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 10/02/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1155
“NGƯỜI XƯA ĐI HỌC CHÍ Ở CẦU ĐẠO”
Người xưa đi học chí ở cầu đạo nên họ luôn cảm thấy rất vui. Khi tiền thân của Thích Ca Mâu Ni Phật hành Bồ Tát Đạo, Ngài sẵn sàng dâng tặng các bộ phận trên thân thể để được nghe giảng pháp. Tâm cầu đạo của người xưa rất cao!
Hòa Thượng nói: “Người xưa đi học rất vui vì người xưa đi học là để cầu đạo. Người xưa đi học để hiểu một cách tường tận về Đạo. Người hiện tại đi học họ cảm thấy rất khổ sợ vì họ đi học để tranh dành điểm số, vinh hoa phú quý, làm rạng rỡ thể diện của Cha Mẹ. Mục đích học của người hiện tại là để tương lai có danh phận, kiếm được nhiều tiền nên họ rất khổ!”. “Đạo” là tổng nguyên tắc, nguyên lý của vũ trụ nhân sinh. Người hiểu được Đạo, hiểu được chân lý của vũ trụ nhân sinh thì họ sẽ biết hằng thuận. Chúng ta biết hằng thuận đơn giản là trời lạnh chúng ta biết mặc ấm hay khi cơ thể nặng nề thì chúng ta cẩn trọng trong ăn uống. Chúng ta tùy tiện ăn uống, sinh hoạt thì cơ thể sẽ sinh bệnh. Chúng ta luôn sống bất hòa với vũ trụ nhân sinh vì chúng ta không biết hòa. Hòa Thượng nói: “Chúng ta muốn bình thì chúng ta phải hòa”. Chúng ta không hòa thì chúng ta không thể bình. Chúng ta muốn hòa thuận, yên ổn nhưng chúng ta lại đi quấy rối người khác. Người ở trong gia đình, làng xóm, quốc gia và trên thế giới đều tuân theo nguyên tắc này.
Hòa Thượng nói: “Ngày trước, người xưa đi học mục đích tuyệt đối không phải để thăng quan phát tài, kiếm được nhiều tiền”. Ngày nay, hầu hết Cha Mẹ không chú ý đến năng lực, sở thích của con mà họ chỉ muốn con học để tương lai có tiền tài, địa vị. Thí dụ như con thích làm Thầy giáo thì Cha Mẹ cho rằng nghề đó thu nhập thấp nên Cha Mẹ muốn con học quản trị kinh doanh. Đứa trẻ không có năng lực trong lĩnh vực đó mà chúng phải cố gắng học thì chúng sẽ rất khổ sở.
Hòa Thượng nói: “Người xưa đi học chí là để phục vụ tất cả mọi người. Thánh Hiền là người rõ lý, tường tận tất cả những đạo lý của vũ trụ, nhân sinh. Người tường tận tất cả đạo lý của vũ trụ, nhân sinh thì họ có thể hy sinh phụng hiến”. Người xưa đi học là để có năng lực chuyên môn để mang lại lợi ích cho mọi người, họ không có tâm “tự tư tự lợi”. Thánh Hiền hiểu rõ đạo lý “cho đi là nhận”. Cho đi là gieo nhân, nhân sẽ tạo thành quả. Chúng ta trồng cây đậu thì chúng ta sẽ nhận được quả đậu, từ một hạt giống ban đầu sẽ tạo ra rất nhiều quả. Họ biết được đạo lý này nên họ tận tâm tận lực vì mọi người. Người không hiểu rõ đạo lý thì họ sẽ “tự tư tự lợi”. Người rõ lý thì họ mở rộng tâm lượng, luôn nghĩ về người khác.
Hòa Thượng nói: “Tâm lượng của chúng ta càng rộng mở thì phước báu của chúng ta sẽ càng lớn”. Nhà Phật nói: “Tâm tưởng sự thành”. Chúng ta toàn tâm toàn ý vì cộng đồng thì chúng ta sẽ cảm nhận được sự thù thắng của điều này. Có người hỏi Hòa Thượng, sau nhiều năm hoằng dương Phật pháp Ngài có gặp chướng ngại gì không. Hòa Thượng suy nghĩ một chút và trả lời, Ngài không gặp bất cứ chướng ngại nào. Ngài nghĩ đến việc xây dựng trường học hay Ngài cần kinh phí để làm một việc lợi ích xã hội thì nguồn tiền tự đến. Hòa Thượng vừa nghĩ đến việc xây dựng một trung tâm giáo dục “Đệ Tử Quy” thì liền có người mang tiền đến để làm. Bà Hứa Triết cũng nói, khi bà nhận được thông báo có ba đứa trẻ cần hỗ trợ thì hôm sau tự nhiên có nguồn tiền vừa đủ để hỗ trợ cho gia đình đó. Bà nghĩ đến việc xây bệnh viện cho những người nghèo ở khu vực đó thì một thời gian sau có người đến phát tâm làm. Người rõ đạo lý thì họ biết việc làm của mình không vô ích, người không rõ đạo lý thì họ chỉ “tự tư tự lợi”.
Người miền Nam nói: “Bánh ít đi thì bánh quy lại”. Chúng ta mang bánh ít đi tặng thì chúng ta sẽ nhận lại được bánh quy. Người miền Bắc nói: “Con ăn thì mất, người ăn thì còn”. Người hiểu rõ đạo lý thì họ có thể chân thật “hy sinh phụng hiến”, xả mình vì người. Nhà Phật nói: “Xả là đắc”. Xả là được. Chúng ta dành thời gian, công sức để chúng ta thỏa mãn “năm dục sáu trần” của mình thì chúng ta sẽ mất. Thí dụ, chúng ta có tiền, chúng ta đến thành phố Dubai du lịch để chứng minh cho mọi người nhìn thấy chúng ta giàu sang thì đó là chúng ta hoang phí. Chúng ta vì người khác mà làm thì đó là chúng ta xả. Chúng ta xả như vậy thì chúng ta chân thật đắc.