Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 08/02/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1153
“TU HỌC PHẬT PHÁP CẦN PHẢI CÓ SƯ THỪA”
Đối người tu học Phật pháp, sư thừa là vấn đề rất quan trọng. Nếu chúng ta không có sư thừa chúng ta sẽ không có phương hướng rõ ràng. Từ khi theo học với Lão sư Lý Bỉnh Nam, Hòa Thượng đã cả đời học và làm theo lời Thầy. Lão sư Lý Bỉnh Nam là học trò của Tổ sư Ấn Quang, tổ sư thứ 13 của pháp môn Tịnh Độ, Lão sư Lý Bỉnh Nam cũng cả đời học và làm theo lời của Thầy. Lão sư Lý Bỉnh Nam và Hoà Thượng Tịnh Không hơn 90 tuổi vãng sanh, các Ngài đã có hơn 60 năm chuyên tu, chuyên hoằng Phật pháp. Các Ngài là vị Thầy, là tấm gương về sư thừa cho chúng ta. Tổ sư Ấn Quang truyền thừa cho Lão sư Lý Bỉnh Nam, Lão sư Lý Bỉnh Nam truyền thừa cho Hòa Thượng Tịnh Không. Chúng ta học theo Hoà Thượng, đời chúng ta là đời sư thừa thứ tư.
Ông bà ngoại, bà nội tôi ăn chay trường, niệm Phật nên từ nhỏ tôi ăn chay, niệm Phật theo ông bà. Trước đây, tôi không đọc Kinh sách, không nghe bất cứ một vị Thầy nào giảng pháp cho đến khi tôi vô tình dịch đĩa của Hoà Thượng. Khi tôi đi dạy lớp Hán Ngữ ở Vũng Tàu, Sư bà nhập rất nhiều Kinh sách, tôi thấy có bộ đĩa giảng bằng tiếng Bắc Kinh nên tôi mang về nghe. Khi đó tôi chỉ hiểu được hơn 30% nội dung nhưng tôi nhận thấy những đạo lý Hoà Thượng giảng rất hay nên tôi phát tâm dịch để mọi người cùng nghe. Ban đầu tôi dịch và viết ra vở, tôi đã viết ra hơn mười cuốn sổ dày. Tôi chỉ nghe, dịch đĩa của Hòa Thượng và một số học trò của Hoà Thượng như Thầy Chung Mao Sâm, Thầy Trần, Thầy Thái. Rất nhiều người đến nhờ tôi dịch đĩa của những vị Thầy khác giảng nhưng tôi từ chối vì tôi chỉ hiểu được lời của Hòa Thượng nói. Đây là sự may mắn của tôi vì như vậy tôi không bị ảnh hưởng bởi các dòng tư tưởng khác. Nếu có thêm dòng tư tưởng khác thì tôi sẽ có sự so sánh. Đây chính là sự truyền thừa, nhà Phật gọi sự truyền thừa, tiếp nối theo mạch này là sư đạo.
Nhiều vị Thầy dạy học trò pháp môn Tịnh Độ nhưng vị Thầy đó lại tu pháp môn khác. Có vị Thầy nói, vì có nhiều người thích học niệm Phật nên vị đó mới dạy pháp môn niệm Phật. Nếu người Thầy không chuyên tâm với pháp môn Tịnh Độ, hoài nghi về thế giới Tây Phương Cực Lạc thì học trò rất khó có được thành tựu viên mãn. Chúng ta tu học pháp môn Thiền Tông, pháp môn Mật Tông hay pháp môn Tịnh Độ thì chúng ta phải có sự truyền thừa của các vị Thầy chuyên tu pháp môn đó. Chúng ta đang được học pháp môn Tịnh Độ được truyền thừa từ ba đời một cách liền mạch, nhất quán. Chúng ta quán sát xem chúng ta đang chuyên nhất theo pháp môn Tịnh Độ hay chúng ta vẫn đang lan man, xen tạp?
Trong bài, Hoà Thượng nhắc đến một vị Giáo sư khảo cổ học rất nổi tiếng, ông tên là Nghiêm Nhất Bình, vị Giáo sư này nói, Phật pháp không đáng tin, trong Phật pháp đầy những mâu thuẫn. Khi vị Giáo sư đọc “Kinh Bát Nhã”, trong Kinh có câu: “Sắc tức thị không, không tức thì sắc”. Ông không hiểu vì sao Phật pháp khi thì nói có, khi thì nói không. Các nhà khoa học đã chứng minh, chúng ta nhìn thấy một vật là vì ánh sáng từ vật đó phản chiếu vào võng mạc, vật chất không thể tồn tại vĩnh viễn mà biến đổi một cách tuần hoàn trong vòng sinh tử luân hồi. Một Giáo sư nổi tiếng cũng không thể hiểu đúng về những điều Phật pháp nói! Ngày trước, tôi đi dạy ở Vũng Tàu, khi tôi đi lên núi Thị Giải, tôi bám vào đá thì thấy đá tan thành cát, cát sẽ dần phân huỷ thành bụi. Tất cả sẽ trở về không, từ không rồi sẽ trở thành có. Nếu chúng ta tiếp xúc những tư tưởng như của vị Giáo sư này thì chúng ta sẽ dễ mất đi niềm tin với Phật pháp, nhất là càng dễ mất đi niềm tin đối với pháp môn Tịnh Độ. Chúng ta phải cẩn trọng khi tiếp cận với các vị Thầy, những người bạn đồng tu.
Hòa Thượng nói: “Khi chúng ta có sư thừa thì chúng ta chỉ tin tưởng, chỉ theo một vị Thầy, bất cứ việc gì chúng ta cũng hướng đến Thầy học hỏi. Chúng ta nhất định không nghe theo lời người khác!”. Chúng ta gặp được Thầy tốt, bạn lành đều do nhân duyên, phước đức của chúng ta. Nhà Phật nói để gặp được Phật pháp chúng ta phải có thiện căn, phước đức sâu dày.
Khi tôi học ở trường đại học, tôi luôn xếp cuối lớp về thành tích học tập. Sau này, khi họp lớp, mọi người đều rất ngạc nhiên khi tôi làm được website, có nhiều bản dịch như vậy. Bạn của tôi khi ra trường đều làm ở những vị trí lương cao, có địa vị rất tốt. Vốn tiếng Hán của tôi ít ỏi như vậy nhưng tôi gặp được đĩa của Hòa Thượng đều là do phước báu, nhân duyên. Khi Sư bà mời tôi dạy học cuộc sống của tôi vô cùng khó khăn, thiếu thốn, Sư bà mời tôi đi dạy nhưng Sư bà nói không có tiền để trả cho tôi. Tôi nói: “Con phát tâm dạy, có tiền hay không có tiền con cũng dạy như vậy!”. Nhờ sự chân thành đó tôi có nhân duyên đến thiền đường dạy học và gặp được đĩa của Hòa Thượng. Tôi dần dần cảm nhận được chỉ những người có tâm chân thành mới có thể có được nhân duyên tốt. Tổ Ấn Quang dạy: “Kiệt thành tự khả chuyển phàm tâm”. Lòng chân thành chuyển được phàm tâm. Chúng ta gặp được Thầy tốt bạn lành không phải do mối quan hệ mà đều do tâm chân thành.