Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 25/01/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1139
“YÊU CÀNG NẶNG, HẬN CÀNG SÂU THÌ MÊ CÀNG NHIỀU”
Chúng ta là người học Phật, chúng ta phải tan nhạt dần với yêu và hận. Tan nhạt không có nghĩa là chúng ta vô tình với mọi người mà chúng ta tận bổn phận, trách nhiệm nhưng chúng ta không dính mắc ở trong tâm. Chư Phật Bồ Tát luôn bình đẳng đối đãi với tất cả chúng sanh. Hòa Thượng Tịnh Không một đời bận rộn vì chúng sanh, Ngài tận trách nhiệm nhưng Ngài không tình chấp, không dính mắc.
Chúng ta học Phật nhiều năm nhưng chúng ta vẫn chấp trước, những người thuận theo chúng ta thì chúng ta yêu, nghịch với chúng ta thì chúng ta ghét. Tình yêu của chúng ta không xuất phát từ tâm “vô duyên đại từ” mà chúng ta yêu ghét vì “tư lợi”. Chúng ta chưa thể mở rộng tâm thành tâm “đại bi” của Phật. Hàng ngày, chúng ta vẫn chìm đắm trong buồn vui, thương ghét, giận hờn, được mất, hơn thua, tốt xấu. Chúng ta yêu càng nhiều, hận càng sâu thì mê càng nhiều.
Chúng ta đang mê thì dù chúng ta lạy Phật, niệm Phật, công phu chuyên cần hơn thì con đường vãng sanh của chúng ta cũng mờ mịt. Đây là lý do học trò của Ngài Lý Bỉnh Nam có hơn 300.000 người nhưng chỉ có 30 người vãng sanh. Thời của các Ngài cách chúng ta đã 50 năm, hiện tại sự ô nhiễm của chúng ta càng sâu hơn, đến thế hệ của Hòa Thượng Tịnh Không và thế hệ chúng ta thì số người vãng sanh sẽ còn ít hơn. Người học Phật nhiều nhưng người có thành tựu ít vì chúng ta thay vì chấp trì danh hiệu “A Di Đà Phật”, chúng ta chấp trì yêu ghét, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham, sân, si, mạn”.
Phàm phu chúng ta rất đáng thương! Chúng ta rất dễ bị cám dỗ. Chúng ta không đắm chấp với danh vọng nhỏ nhưng danh vọng lớn có thể cám dỗ chúng ta. Người xưa thường nói: “Xưa nay, chinh chiến có mấy người quay về”. Chúng ta đang chinh chiến với “tập khí phiền não” của chính mình. Trong thuận cảnh thì chúng ta thường mất cảnh giác.
Tôi thường khuyên mọi người: “Đừng cho mình có cơ hội”. Khi cơ hội đến thì chúng ta phải biết từ chối. Hòa Thượng đến khắp nơi trên thế giới, mọi người dành cho Ngài những đãi ngộ tốt nhất nhưng Ngài đều từ chối, không tiếp nhận. Ngài chỉ đến giảng pháp, khi xong việc thì Ngài trở về, không ở lại dù chỉ một giờ. Tập khí, phiền não của chúng ta rất nhiều, nếu chúng ta lơ là thì chúng ta sẽ rất dễ bị dẫn dụ, mê hoặc. Nhiều người học, làm giáo dục đạo đức Thánh Hiền cũng đã bỏ cuộc. Họ đã được đào tạo rất tốt nhưng họ vẫn từ bỏ để chọn cái lợi ngay trước mắt.
Những người tận tụy vì chúng sanh thì mọi người thường thấy họ nghèo, khổ. Họ có đời sống thanh đạm, họ nghèo nhưng không khổ. Hòa Thượng từ khi 36 tuổi đã không quản tiền, Ngài không cầm tiền. Người ngoài thấy Ngài rất nghèo nhưng Ngài không khổ, Ngài vẫn có thể làm được rất nhiều việc vì chúng sanh. Hòa Thượng đã xây dựng rất nhiều trường học, trung tâm giáo dục “Đệ Tử Quy”, in hàng nghìn tấn Kinh sách để tặng.
Tổ Sư Đại Đức thường tìm về chốn tịch tĩnh, vắng vẻ tránh xa chốn đô thị bởi các Ngài muốn lánh xa sự cám dỗ của thế gian. Các Ngài không để mình tuỳ tiện tiếp cận duyên. Chúng ta tiếp xúc với duyên của “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng” thì chúng ta sẽ bị dẫn dụ. Chúng ta càng yêu hận thì chúng ta sẽ càng muốn chiếm hữu từ đó “tham, sân, si” sẽ dấy khởi.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta tu hành nhưng niệm yêu, ghét của chúng ta vẫn sâu nặng thì dù chúng ta niệm Phật, lạy Phật cần mẫn hơn chúng ta cũng không thể có thành tựu. Chúng ta muốn có thành tựu thì chúng ta phải tan nhạt dần với hoàn cảnh nhân sự, vật chất; nội tâm chúng ta phải phát xuất ra tâm từ bi, hoan hỷ, thành khẩn, chân thành giúp đỡ tất cả mọi người”. Chúng ta dùng tâm chân thành đối đãi với chúng sanh thì tâm “tự tư tự lợi” sẽ giảm dần. Khi chúng ta chỉ nghĩ đến chúng sanh, bận rộn vì chúng sanh thì chúng ta sẽ không còn nghĩ cho mình. Chúng ta bận niệm Phật thì tâm chúng ta không rảnh để vọng tưởng.
Chúng ta tan nhạt hoàn cảnh vật chất, nhân sự ở trên tâm chứ chúng ta không tan nhạt ở trên sự. Chúng ta làm tốt tất cả mọi việc nhưng chúng ta không lưu lại trong tâm. Điều này không dễ dàng mà chúng ta phải học dần. Chúng ta đang dẫn dắt mọi người thì chúng ta không thể để mặc mọi người tự tu hành. Chúng ta đang trồng nhiều vườn rau ở các tỉnh, chúng ta vẫn phải quan sát xem rau có phát triển tốt không, tặng rau đến mọi người đã hợp lý chưa. Chúng ta tặng rau cho cả các trường trong và ngoài hệ thống, chúng ta bình đẳng đối đãi với tất cả mọi người. Trong “Đệ Tử Quy” dạy chúng ta: “Phàm là người, cùng yêu thương. Che cùng trời, ở cùng đất”.