Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư, ngày 18/01/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1132
“CĂN GỐC CỦA KHỔ VUI Ở ĐÂU, KHÔNG THỂ KHÔNG BIẾT"
Chúng ta biết được căn gốc của khổ vui thì chúng ta có thể loại trừ được cội gốc của khổ đau và khai mở cội gốc của niềm vui. Phật dạy, chúng ta cho đi thì chúng ta sẽ hạnh phúc, an vui; chúng ta cố nắm giữ, bám chấp thì chúng ta sẽ khổ đau.
Sáng nay, tôi xem hình ảnh chúng ta tặng quà những người có hoàn cảnh khó khăn, gói quà chỉ có một chiếc bánh chưng, một chút tiền nhưng người nhận đã mừng đến rơi nước mắt. Người xưa nói: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Khi một người đang đói khổ thì họ chỉ mong có một chút đồ ăn. Chúng ta mang đến cho người niềm vui thì niềm vui đó sẽ được nhân lên nhiều lần. Phật pháp dạy, nguồn gốc của khổ vui đều từ ở chính chúng ta. Chúng ta không cẩn trong khởi tâm động niệm, hành động tạo tác thì chắc chắn chúng ta sẽ nhận lấy khổ báo.
Hòa Thượng nói: “Ngày nay, con người có quá nhiều khổ nạn. Cội gốc của khổ nạn chính là do chúng ta mê hoặc điên đảo. Chúng ta mê hoặc điên đảo nên chúng ta tạo ra vô biên tội nghiệp”. “Mê hoặc điên đảo” là chúng ta nhận giả là thật. Chúng ta cho cái giả là thật, cho cái thật là giả. Lời của Phật Bồ Tát là thật nhưng chúng ta không tin. Lời của chúng sanh đầy phiền não, tham dục thì chúng ta tin là thật. Người nào nói những lời giúp chúng ta có được lợi ích thì chúng ta tin theo. Người nào khuyên chúng ta bố thí, buông xả, tặng cho người thì chúng ta không tin, chúng ta sợ rằng tặng hết cho người thì chúng ta sẽ không có gì ăn.
Trong “Kinh Hiền Ngu” kể những câu chuyện về tiền thân của Đức Phật, khi Ngài tu hành Bồ Tát Đạo, người nào xin mắt, xin tay, xin mạng thì Ngài đều tặng. Trước khi cho những bộ phận trên thân thể Ngài nói: “Xin hãy nói pháp cho tôi nghe, khi nghe xong rồi thì tôi chết cũng được!”. Chúng ta chỉ bỏ một chút ngoại tài thì chúng ta đã cảm thấy rất khó khăn. Các vị Bồ Tát khi hành Bồ Tát Đạo, các Ngài cũng có thể cho đi tất cả. Bồ Tát làm tất cả những việc lợi ích chúng sanh nhưng không chấp trước, vướng bận trong tâm.
Phật dạy chúng ta, thân không Sát - Đạo – Dâm; miệng không nói dối, nói lưỡi đôi chiều, nói lời thêu dệt, nói lời hung ác; ý thì không tham, sân, si. Đây là những điều cực ác nhưng chúng ta vẫn làm. Chúng ta mê hoặc điên đảo nên chúng ta tạo ra vô lượng, vô biên tội nghiệp nhưng chính chúng ta không hay biết. Khi quả báo hiện tiền thì chúng ta khiếp sợ nhưng khi đó không còn kịp nữa. Quả báo hiện tiền thì không thể thay đổi.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta muốn thoát khổ, được vui thì chúng ta phải triệt để làm theo Thập thiện nghiệp đạo. Thập thiện nghiệp đạo mà Phật đã dạy là cội gốc của tất cả buồn vui. Chúng ta muốn rời khỏi thế gian khổ đau thì chúng ta phải tin tưởng, tuân theo Thập thiện nghiệp đạo”. Hàng ngày, chúng ta chỉ cần nghe lời, thật làm theo Thập thiện, chúng ta không cần phải cầu khẩn Quỷ Thần. Chúng ta làm trái với Thập thiện mà chúng ta đi cầu khấn, van xin thì chúng ta cũng không có được lợi ích. Hòa Thượng nói: “Họ chỉ giúp chúng ta dùng trước phước trong vận mạng của mình”. Khi chúng ta dùng hết phước trong mạng thì cuộc sống của chúng ta sẽ vô cùng khó khăn.
Hòa thượng khẳng định một cách mạnh mẽ: “Thập đạo vô thần”. Mười cõi này không có vị thần nào đủ quyền năng ban phước, giáng họa cho chúng ta. Chính chúng ta là người có quyền năng mang cho mình hạnh phúc hay khổ đau. Trong cuốn sách “Những tấm gương đức hạnh”, các bậc tiền nhân vì người hi sinh, vì người phục vụ nên được hậu thế lưu danh thiên cổ, ghi nhớ đến muôn đời.
Các vị Thần đều là những người tận trung, tận trách, chúng ta thờ cúng các Ngài thì chúng ta phải học theo các Ngài, chúng ta dốc sức vì quốc gia dân tộc, làm tròn vai trò, bổn phận của mình. Trong ngày lễ xin quan ấn tại các đền thờ, mọi người chen lấn để có được quan ấn. Họ cho rằng nếu có quan ấn thì họ sẽ được may mắn, phát tài. Người xưa nói: “Nhất ẩm nhất trác mạc phi tiền định”. Một bữa ăn, một ngụm nước đều do tiền định. Nếu chúng ta cưỡng cầu để đoạt lấy thì chúng ta sẽ bị tổn giảm phước trong mạng. Người thế gian không hiểu được cội gốc của khổ vui, rất ít người tin vào giáo huấn của Phật!