Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba, ngày 17/01/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1131
“MUỐN TIÊU NGHIỆP MÀ NGÀY NGÀY VẪN TẠO NGHIỆP"
Chúng ta muốn tiêu nghiệp nhưng ngày ngày chúng ta vẫn tạo nghiệp. Nghiệp giống như một dòng thác không ngừng tuôn chảy. Từ vô lượng kiếp đến nay chúng ta đã tạo vô số oan nghiệp nên chúng ta không thể không có chướng ngại. Chúng ta quán sát xem, hàng ngày chúng ta tạo nghiệp thiện hay nghiệp ác, chúng ta làm những việc lợi ích hay việc thương tổn chúng sanh? Hòa Thượng nói: “Chúng ta không cần phải hỏi ai, chúng ta quán sát khởi tâm động niệm, hành động tạo tác của mình thì chúng ta biết rõ sau khi chết chúng ta sẽ đi về đâu!”.
Chúng ta muốn tiêu nghiệp nhưng chúng ta vẫn đang tạo nghiệp chướng, đây là nguyên nhân dẫn ta đi vào luân hồi. Tổ sư Tịnh Độ khuyên chúng ta, hàng ngày chúng ta không tạo nghiệp ác cũng không tạo nghiệp thiện mà chúng ta phải tạo tịnh nghiệp. Tịnh nghiệp là chúng ta làm việc thiện nhưng chúng ta không khởi tâm phân biệt, chấp trước, được mất, tốt xấu, thành bại. Chúng ta tạo nghiệp ác thì chúng ta phải đi vào ba đường ác. Chúng ta tạo nghiệp thiện thì chúng ta phải đi vào ba đường thiện để hưởng phước. Chúng ta tạo tịnh nghiệp thì chúng ta có công đức, công đức giúp chúng ta vượt thoát sinh tử.
Trong “Kinh Địa Tạng” Phật nói: “Chúng sanh Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm đều là tội”. Chúng ta khởi tâm động niệm đa phần là “tự tư tự lợi”. Chúng ta cũng rất muốn làm lợi ích của chúng sanh nhưng chúng ta vẫn khởi “tự tư tự lợi” đó là do tập khí nhiều đời. Điều này giống như người xưa nói: “Ngựa quen đường cũ”. Tập khí rất đáng sợ. Tập khí chính là thói quen. Chúng ta không chuyển đổi thói quen một cách triệt để thì khi chúng ta sống, chúng ta khởi tâm động niệm theo thói quen, khi chúng ta chết thì chúng ta cũng đi theo thói quen.
Hòa Thượng nói: “Không gì khác hơn là chúng ta phải chuyển đổi thói quen”. Chúng ta phải dũng mãnh, tinh tấn chuyển đổi một cách triệt để. Thói quen đã đi theo chúng ta trong nhiều đời, nhiều kiếp, nếu chúng ta không quyết liệt thì hàng ngày khởi tâm động niệm, hành động tạo tác của chúng ta vẫn là “tự tư tự lợi”. Hòa Thượng nói, chúng ta quan sát hai đứa bé đang nằm trong nôi, nếu chúng ta cho đứa bé một món đồ mà không cho đứa bé kia thì nó sẽ khóc thét lên.
Một sư Thầy nhận một đứa trẻ sơ sinh mang về nuôi, khi đứa trẻ lớn lên thì đứa trẻ tự động biết yêu. Đó là tập khí từ nhiều đời. Hòa Thượng nói: “Không gì khác hơn là chúng ta phải chuyển đổi một cách quyết liệt!”. Chúng ta phải tập làm ngược lại với 16 chữ, chúng ta không “tự tư tự lợi”, chúng ta nhường “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần” cho người khác, chúng ta không “tham, sân, si, mạn”.
Nhiều người dụng tâm, hàng ngày lạy Phật, sám hối hàng ngàn lạy nhưng nghiệp của họ vẫn không thể tiêu. Chúng ta tưởng rằng nhiều việc chúng ta đã quên nhưng khi chúng ta ngồi yên tĩnh thì những việc làm trong quá khứ cuồn cuộn chảy về. Nhiều người không dám ngồi tĩnh lặng vì trong quá khứ họ đã phạm phải tội “sát, đạo, dâm”. Chúng ta phải triệt để thay đổi, ngày trước chúng ta tự tư, ích kỷ thì giờ, chúng ta phải ngày ngày nghĩ đến việc bố thí. Hàng ngày, chúng ta làm nhiều việc lợi ích chúng sanh thì chúng ta sẽ ít làm việc vì mình.
Trong hơn một tháng qua, tôi không có thời gian rảnh để suy nghĩ cho mình. Thân tôi vẫn bệnh, đau nhức nhưng tôi không có thời gian để nghĩ đến bệnh nên bệnh tự khỏi. Chúng ta lạy Phật sám hối chỉ là phụ mà chúng ta phải tự tích cực chuyển đổi tập khí. Nhiều người lạy Phật nhiều năm nhưng tập khí, phiền não của họ chỉ tạm lắng, khi có cơ hội thì những tập khí đó vẫn khởi hiện hành. Khi chúng ta khởi một niệm “tự tư tự lợi” thì chúng ta phải khởi hai niệm lợi tha. Hôm nay, chúng ta nhận một triệu thì chúng ta dùng thêm một triệu nữa để dùng hai triệu bố thí. Chúng ta nhận về mười triệu thì chúng ta cho đi số tiền gấp đôi. Chúng ta tích cực bố thí thì tâm chúng ta sẽ dần chuyển đổi. Chúng ta chưa dám làm vì chúng ta không có niềm tin vào sự bố thí. Tôi cho đi rất nhiều nhưng không hết, số tiền cho đi lại trở lại như cũ nên tôi lại tiếp tục làm.