255Thứ Sáu, 06/01/2023, 12:27

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu, ngày 06/01/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1120

“THÂN TƯỚNG CỦA CHÚNG TA CHÍNH LÀ CHỨNG CỨ”

Chúng ta học tập Phật pháp, học tập chuẩn mực đạo đức của Thánh Hiền thì thân tướng của chúng ta chính là chứng cứ để người khác làm theo. Chúng ta dạy người bố thí, không sát sinh thì chính chúng ta phải làm ra được tấm gương cho người. Chúng ta chân thật làm có kết quả thì đó là chứng cứ mạnh mẽ nhất để người khác có niềm tin.

Trước đây, bạn bè, đồng học với Hòa Thượng cho rằng Ngài làm những việc mê tín, khi đó, Hòa Thượng nói họ cũng không tin vì Ngài chưa có chứng cứ. Vài chục năm sau, họ nhìn thấy Hoà Thượng khỏe mạnh, an vui thì họ nói rằng, Hòa Thượng đã chọn đúng con đường. Khi họ nhận ra Hòa Thượng đã chọn đúng con đường, họ muốn làm theo Hòa Thượng cũng không còn kịp. Thân tướng, việc làm của chúng ta chính là chứng cứ tốt nhất để mọi người có niềm tin với giáo huấn của Phật, của Thánh Hiền.

Giáo huấn của nhà Phật là “Giáo huấn tam luân”: giáo dục bằng thân giáo, ngữ giáo và ý giáo. “Ngữ giáo” là giáo dục bằng lời nói, “thân giáo” là giáo dục bằng cách làm ra tấm gương, “ý giáo” là giáo dục bằng khởi tâm động niệm. Hàng ngày thân, ngữ, ý của chúng ta phải làm ra biểu pháp cho chúng sanh. Chúng ta phải nói và làm phải tương ưng, cao hơn nữa là tâm chúng ta cũng phải tương ưng với những điều chúng ta nói và làm.

Bồ Tát Thường Bất Khinh đã làm ra tấm gương về kính trọng mọi người, khi gặp ai Ngài cũng nói: “Tôi kính trọng các Ngài vì các Ngài sẽ thành Phật!”. Nếu chúng ta có thể yêu thương, bao dung, giúp đỡ, khiêm nhường, cung kính với mọi người thì chẳng những đời này mà đời đời, kiếp kiếp chúng ta sẽ gặp được những nhân duyên tốt đẹp. Trong một gia đình, một đoàn thể nếu mọi người không kính trọng nhau thì gia đình, đoàn thể đó không thể an hòa.

Chúng ta chỉ nói mà không làm hoặc làm mà không nói thì chúng ta cũng sai. Chúng ta phải tích cực nói những điều lợi ích cho chúng sanh. Hòa Thượng dạy chúng ta: “Chúng ta nói một lần họ không nghe thì chúng ta nói hai lần. Chúng ta nói hai lần họ không nghe thì chúng ta nói ba lần, 300 lần. Chúng ta nói đến khi nào họ đuổi không cho nói thì chúng ta mới thôi!”. Chúng ta phải có tâm từ bi với chúng sanh như vậy! Nếu có thể giúp người khác giác ngộ thì chúng ta không ngại khó khăn. Thân tướng của chúng ta phải là một bài pháp sống động cho mọi người.

Khi Hòa Thượng đến Liên Hiệp Quốc họp, mọi người đều hỏi Hòa Thượng luyện pháp gì mà thân tướng của Hòa Thượng đẹp như vậy. Hòa Thượng nói, Ngài chỉ ăn chay, giữ tâm thanh tịnh. Chúng ta có thể dễ dàng ăn chay nhưng chúng ta rất khó giữ được tâm thanh tịnh vì tâm chúng ta luôn tràn ngập “tham, sân, si, mạn”, “tự tư tự lợi”. Hàng ngày, nếu chúng ta nhìn thấy người khác đang nhìn mình thì chúng ta sẽ làm mọi việc một cách hoàn toàn khác. Chúng ta chỉ làm vì người, làm cho dễ coi thì tâm chúng ta không thể thanh tịnh.

Hòa Thượng không ăn uống những thực phẩm bổ dưỡng, Ngài chỉ uống nước đun sôi để nguội. Mọi người gửi những thứ bổ dưỡng cho tôi thì tôi cũng đều mang đi tặng người khác. Chúng ta nên mang tiền đó để làm lợi ích cho chúng sanh. Chúng ta có bệnh khổ là do chính chúng ta. Trước đây, tâm tôi bao chao, nóng vội, hấp tấp nên tôi không biết giữ gìn sức khoẻ. Khi tôi bị huyết áp cao, trong ba năm đầu, tôi đã kiên quyết không uống thuốc nhưng điều này không tốt cho sức khỏe của tôi. Có hai Bác sĩ khám cho tôi nói rằng, nếu tôi không uống thuốc thì tôi sẽ có thể chết bất cứ lúc nào. Hòa Thượng nói: “Tự tác tự thọ”. Chúng ta tự làm tự chịu.

Nguyên tắc dưỡng sinh là: “Thân phải động, tâm phải tĩnh”. Chúng ta không biết điều dưỡng thân tâm. Chúng ta thường làm ngược lại, thân chúng ta không động nhưng tâm động nên chúng ta có bệnh khổ. Thân giống như một cỗ máy, thân cần chuyển động để khí huyết lưu thông. Chúng ta không giữ gìn thì thân chúng ta sẽ có rất nhiều bệnh vì khí huyết bị tắc nghẽn.

Tôi khuyên mọi người, buổi sáng và buổi tối chúng ta nên lạy Phật mỗi lần 50 lạy. Khi tôi còn trẻ, tôi cũng hoang phí sức khỏe, không biết giữ gìn nên khi già tôi chỉ có thể hồi phục một phần sức khỏe. Cách tốt nhất để giữ gìn sức khỏe là chúng ta cẩn trọng từ khi còn trẻ. Người xưa dạy: “Ấu nên dưỡng tánh, đồng niên dưỡng chánh, thanh niên dưỡng chí, lão niên dưỡng đức”. Sau 40 tuổi, ngoài việc tu dưỡng đức hạnh, chúng ta còn cần tích cực giữ gìn thân thể. Khi chúng ta sau 40 tuổi, thân chúng ta thường lười chuyển động thì chúng ta sẽ có bệnh khổ.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook