Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Bảy, ngày 07/01/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1121
“KHÔNG THỂ NÀO LẤP ĐẦY THAM DỤC CỦA CHÚNG TA”
Người thế gian thường nói: “Lòng tham không đáy”. Lòng tham của con người không thể được thỏa mãn. Khi chúng ta còn nhỏ, chúng ta mơ ước có một ngôi nhà đơn sơ, một chiếc xe máy, một chiếc đài nhỏ. Khi chúng ta lớn lên thì những mong cầu của chúng ta cũng lớn dần. Chúng ta càng có nhiều mong cầu thì chúng ta càng khổ. Ban đầu chúng ta chỉ mong cầu có cơm ăn, áo ấm nhưng khi chúng ta có quyền lực, địa vị thì chúng ta càng có nhiều mong cầu hơn.
Nhà Phật nói: “Tri túc thường lạc”. Biết đủ thường vui. Nếu chúng ta không biết đủ thì chúng ta sẽ không bao giờ có được niềm vui. Chúng ta quán sát lại cuộc đời của mình, chúng ta sẽ thấy chúng ta đã từng tham cầu nhiều như thế nào! Trong cuộc đời, khi chúng ta có được những nhu cầu tối thiểu là những thứ “cần có”, chúng ta lại muốn thêm những thứ “nên có”, “đáng có”, “phải nên có”.
Ở một số công trình xây dựng, có những chiếc hố rất sâu phải lấp bằng hàng trăm xe đất. Hố sâu, đại dương có thể lấp đầy nhưng hố tham của con người thì không thể lấp đầy. Chúng ta phải loại trừ tâm tham bằng cách chúng ta học cho đi. Hôm nay, học xong tôi sẽ gói bánh chưng để tặng mọi người. Chúng ta phát tâm cho đi thì chúng ta làm sẽ không có chướng ngại. Chúng ta phát được tâm vì chúng sanh thì chúng ta sẽ luôn cảm thấy nhẹ nhàng, an vui. Phật Bồ Tát hay các vị Thánh Thần cũng không thể giúp chúng sanh lấp đầy hố tham. Chỉ chúng ta có thể tự lấp đầy hố tham bằng cách không tham nữa.
Phật dạy chúng ta sáu pháp tu Ba La Mật là: “Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ”. Pháp đầu tiên chính là bố thí. Chúng ta phải tập bố thí để chúng ta có thể đóng kín dòng chảy của lòng tham. Dòng nham thạch khi chảy đến đâu thì sẽ tàn phá mọi thứ nhưng lòng tham của con người còn đáng sợ hơn dòng nham thạch.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta có nhiều khổ nạn nhưng chúng ta không hề biết nguyên nhân đó là do chúng ta tham dục. Chúng ta nhìn thấy mọi người đều như vậy nên chúng ta coi việc đó là việc cần phải làm. Phật Bồ Tát, các bậc Thánh Hiền nhìn thấy chúng sanh rất đáng thương!”. Chúng ta khổ mà chúng ta không biết nguyên nhân vì sao. Phật Bồ Tát và Thánh Hiền thì biết rằng “tri túc thường lạc”. Trong dịp Tết, có những người mua cây cảnh có giá trị hàng chục, hàng trăm tỷ vì họ muốn có những thứ “độc nhất vô nhị”. Nếu chúng ta dùng số tiền đó để làm giáo dục chuẩn mực đạo đức thì rất nhiều người sẽ có lợi ích. Có những người có bộ sưu tập xe hàng nghìn tỷ nhưng họ vẫn muốn mua thêm những chiếc xe mới.
Hòa Thượng nói: “Dục vọng là vọng tưởng, không phải là thật. Vọng tưởng này chỉ có hại, không có một chút lợi ích nào! Thích Ca Mâu Ni Phật đã thị hiện cho chúng ta, nếu Thái Tử Tất Đạt Đa không xuất gia thì Ngài sẽ kế thừa vương vị. Người xưa nói: “Quý như thiên tử”, trở thành thiên tử là đại dục vọng của người thế gian. Thái Tử Tất Đạt Đa buông bỏ tất cả dục vọng nên Ngài đã đắc đạo. Danh vọng lợi dưỡng, tiền tài ở thế gian không phải là thứ tốt! Nếu chúng ta không biết xả đi mà chúng ta tham chấp thì chúng ta rất dễ dàng tạo nghiệp”.
Từ ngàn xưa, rất nhiều danh tướng đã thân bại danh liệt đều do tham cầu quá nhiều. Nhà Phật dạy: “Cần tu Giới – Định – Tuệ. Diệt trừ Tham – Sân – Si”. Chúng ta phải giệt trừ tham chứ không phải đổi đối tượng tham. Chúng ta tham bất cứ thứ gì thì đó cũng là tham. Chúng ta càng có địa vị, càng có nhiều mối quan hệ thì chúng ta càng dễ dàng tạo nghiệp nặng. Một người làm chủ một xí nghiệp lớn nếu họ hà khắc một chút thì rất nhiều người phải đau khổ. Họ bớt của công nhân 1 đồng hay yêu cầu công nhân phải làm thêm nửa giờ thì rất nhiều người bị ảnh hưởng. Người càng có địa vị, quyền lực thì họ càng có thể làm lợi ích cho chúng sanh.
Người xưa nói: “Một nhà no ấm ngàn nhà oán”. Một nhà no ấm trong khi hàng ngàn nhà đói khổ thì những nhà nhà đói khổ đó sẽ oán thán. Con người thường tham cầu không muốn chia sẻ cho người khác. Thầy Thái nói, có những người đói khổ một chút thì nhiều người muốn giúp đỡ nhưng có những người, khi nhà của họ bị cháy cũng không ai muốn đến dập lửa giúp. Chúng ta không quan tâm đến người thì họ cũng sẽ không quan tâm đến chúng ta. Chúng ta tích cực giúp đỡ người thì sẽ có nhiều người luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng ta. Đạo lý này rất ít người hiểu!