Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba, ngày 20/12/2022
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1103
“THÍCH CA MÂU NI PHẬT LÀ MỘT NGƯỜI LÀM GIÁO DỤC XÃ HỘI TỐT NHẤT”
Thích Ca Mâu Ni Phật là một nhà giáo dục không phải là nhà tôn giáo. Ngài đã bôn ba khắp nơi để giáo dục mọi tầng lớp, mọi giai cấp trong xã hội. Khi Phật còn tại thế, trong xã hội Ấn Độ phân thành bốn giai cấp đó là giai cấp Bà-la-môn, giai cấp Sát-đế-lỵ, giai cấp Vệ-xá và giai cấp Thủ-đà-la. Giai cấp Bà-La-Môn là giai cấp lãnh đạo về tinh thần, họ tự coi họ là con của Thiên thần nên họ phải được các giai cấp khác tôn kính và họ có toàn quyền hưởng thụ mọi thứ. Giai cấp Sát-đế-lỵ là giai cấp vua chúa, quý tộc, họ nắm quyền cai trị đất nước. Giai cấp Vệ-xá là giai cấp công thương, những người buôn bán giàu có. Giai cấp Thủ-đà-la là giai cấp nô-lệ, họ phải làm những công việc nặng nhọc và phục vụ cho các giai cấp tầng trên. Người thuộc giai cấp nào thì sẽ lập gia đình, vui chơi, ăn uống trong các khu vực dành riêng cho giai cấp đó. Thích Ca Mâu Ni Phật đã dùng lòng chân thành, bình đẳng để đối đãi với tất cả giai cấp. Đệ tử của Ngài là những người ở trong cả bốn giai cấp, họ bình đẳng cùng học tập, cùng sinh hoạt. Xã hội ngày nay đã bình đẳng, không còn phân chia giai cấp.
Người làm giáo dục vô cùng quan trọng, Thích Ca Mâu Ni Phật không phải là vị Thần tối cao tách biệt với xã hội mà Ngài là một nhà làm giáo dục. Ngài là một nhà giáo dục đa nguyên văn hóa. Ngài bình đẳng đối đãi với mọi người không phân biệt chủng tộc, giai cấp, tôn giáo, màu da. Hòa Thượng nói: “Chúng ta tra trên Kinh, chúng ta sẽ thấy Thích Ca Mâu Ni Phật không có một ngày nào nghỉ ngơi!”. Bất cứ khi nào chúng sanh cần thì Ngài đến nói pháp, giảng dạy cho họ. Ngài rất trí tuệ, Ngài dùng những phương tiện khéo léo nhất phù hợp với từng chủng tộc. Chúng ta là học trò của Thích Ca Mâu Ni Phật, chúng ta có đang làm công việc như Ngài đã làm không? Chúng ta phải là một nhà giáo dục chứ không phải là một nhà tôn giáo. Bản chất của Phật giáo là giáo dục.
Hòa Thượng nói: “Phật giáo là viên dung thì không có chướng ngại”. Phật giáo viên dung vì Phật giáo có thể giáo dục tất cả các giai tầng, các hệ ý thức trong xã hội. “Phật” là một người hoàn thiện, ai cũng có khả năng thành Phật. Người nào có thể “tự giác giác tha”, tự mình giác ngộ và giác ngộ người khác, công đức viên mãn thì có thể thành Phật. “Giáo” là giáo dục. Phật giáo giáo dục con người đạt đến hoàn thiện. Phật giáo giúp con người đạt đến giác hạnh viên mãn về tư cách, hành vi, sự nghiệp và giúp họ có thể giáo dục người khác cũng đạt được giác hạnh viên mãn.
Phật giáo không phải là Tôn giáo. Giáo dục của nhà Phật là: “Thượng thí hạ giáo”. Người trước phải làm ra tấm gương tốt nhất cho người sau. Người sau tiếp nhận sự giáo dục của người trước như một sự truyền thừa. Nhiều người học Phật chỉ bái lạy, cầu cúng, van xin. Thích Ca Mâu Ni Phật dạy người phải tự thay đổi làm mới. Hòa Thượng Tịnh Không một đời không ngừng nỗ lực, rèn luyện, cải đổi tự làm mới. Ngài không van xin, cầu khẩn. Thích Ca Mâu Ni Phật, các đời Tổ Sư Đại Đức, Hòa Thượng Tịnh Không cả đời làm giáo dục. Hòa Thượng Tịnh Không khi còn sức lực thì Ngài không ngày nào không giảng Kinh, nói pháp, suốt cuộc đời Ngài không rời bục giảng.
Hiện tại, các ngôi trường giáo dục văn hóa truyền thống trải dài khắp các tỉnh thành, chúng ta có thể gọi điện để xin làm trợ giảng một ngày, rồi dần dần làm trợ giảng toàn phần. Đó là chúng ta “tự hành hóa tha”. Chúng ta tự mình hoàn thiện chính mình. Nhiều người còn rất trẻ nhưng không xông pha, không nỗ lực để rèn luyện mình. Nếu chúng ta không nỗ lực thì khi công việc cần đến chúng ta thì giống như Thầy Thái nói: “Chúng ta không đủ năng lực, tư cách để gánh vác”. Thích Ca Mâu Ni Phật suốt một đời là một nhà giáo dục không công. Ngài dùng hết sức mình hi sinh phụng hiến nhưng không cần thù lao.
Bài hôm trước, Hòa Thượng nhắc chúng ta, đời sống của chúng ta chính là biểu diễn, làm ra tấm gương cho chúng sanh. Thích Ca Mâu Ni Phật đã làm ra biểu pháp một nhà giáo dục tận tâm tận lực, không đòi hỏi thù lao, báo đáp. Hòa Thượng Tịnh Không cũng một đời làm giáo dục. Chúng ta có những tấm gương tuyệt vời nhưng chúng ta không làm theo. Hàng ngày, chúng ta vẫn bận rộn với những việc cơm áo gạo tiền. Chúng ta bận kiếm tiền và hưởng thụ, thỏa mãn “năm dục sáu trần”. Cuộc đời chúng ta đang trôi qua một cách vô ích. Rất nhiều những anh hùng dân tộc họ xuất thân là những người nông dân nhưng khi họ ra đi được sử sách lưu danh.