131Thứ Tư, 14/12/2022, 13:47
1097 · Phải Chân Thật Là Người Học Phật

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư, ngày 14/12/2022

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1097

PHẢI CHÂN THẬT LÀ NGƯỜI HỌC PHẬT

Hòa Thượng đã nhắc đi nhắc lại đề tài này nhiều lần, Ngài đến nhiều nơi trên thế giới, Ngài thấy nhiều người niệm Phật, làm việc thiện xuất phát từ tập khí, phiền não chứ không phải từ chân tâm. Họ làm vì danh vọng lợi dưỡng hoặc chỉ làm trên hình thức. Một số người cho rằng giáo huấn của Phật quá cao siêu chỉ có Bồ Tát hay những bậc tái lai có thể làm còn phàm phu không thể làm được. Họ cho rằng tu học Phật pháp là ngày ngày đọc tụng, đảnh lễ Phật. Hòa Thượng nói: “Người chân thật học Phật là người đem Kinh điển biến thành chính mình, đem chính mình biến thành A Di Đà Phật”.

Hiện nay, người học Phật nhiều nhưng người chân thật có lợi ích rất ít. Nhà Phật học coi Phật pháp là những kiến thức cao thâm. Họ nghiên cứu Phật học để trang bị thêm kiến thức giúp họ đàm luận, diễn thuyết. Người chân thật học Phật là người mang tư tưởng của Phật biến thành tư tưởng, hành vi, việc làm của chính mình. Chúng ta phải phản tỉnh xem chúng ta là người học Phật hay nhà Phật học. Nhà Phật học giống như một người làm ở ngân hàng, họ được cầm rất nhiều tiền nhưng họ không thật sự nhận được gì. Chúng ta học Phật nhưng chúng ta chỉ “đàm huyền thuyết diệu” thì chúng ta không thể có được lợi ích.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta cho rằng Kinh điển là những triết lý cao thâm, chúng ta chỉ có thể để đọc tụng, nghiên cứu, lễ lạy vậy thì chúng ta sẽ không có lợi ích gì!”. Chúng ta nghiên cứu Kinh điển thì vẫn tốt hơn là chúng ta làm những việc sai quấy ở thế gian nhưng chúng ta chỉ nghiên cứu thì chúng ta không thể đạt được lợi ích chân thật của việc học Phật. “Không có lợi ích gì” là chúng ta không vượt thoát sinh tử, chúng ta bỏ lỡ cơ hội một đời vãng sanh thành Phật. Cơ hội gặp Phật pháp là cơ hội “trăm ngàn muôn kiếp” mới được gặp, chúng ta không nắm bắt cơ hội để chân thật thoát khỏi sinh tử thì thật đáng tiếc. Nhà Phật có câu: “Phật pháp không có người giảng nói thì dù là người có tri thức cũng không thể hiểu, nếu chúng ta có hiểu thì cũng hiểu sai”.

Phật nói: “Vì chúng sanh không hiểu được pháp Nhất Thừa nên ta đành phải nói pháp Nhị Thừa, Tam Thừa. Nếu chúng sanh hiểu được pháp Nhất thừa thì ta sẽ chỉ nói pháp Nhất Thừa”. Pháp Nhất Thừa là pháp giúp chúng sanh một đời thành Phật. Pháp Tam Thừa là pháp nói cho chúng ta ở cõi Trời, Người, Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh. Pháp Tam Thừa dạy chúng ta đời này tu phước, “làm lành lánh dữ” thì đời sau chúng ta có thể sinh vào cõi lành làm người, làm Thiên Nhân. Điều này không rốt ráo vì chúng sanh trong sáu cõi vẫn phải luân hồi. Pháp Nhị Thừa là pháp nói cho các bậc Thanh Văn, Duyên Giác. Các Pháp giúp chúng ta dần dần nâng cao cảnh giới, chúng sanh đang ở cõi Địa Ngục thì họ có thể thoát khỏi Địa Ngục, chúng sanh đang ở nhân gian thì họ có thể sinh về cõi Trời.

Phật dùng tất cả những phương tiện thiện xảo tốt nhất để dẫn đạo chúng sanh. Đây là sự từ bi của Phật, của những bậc tu hành chân chánh đối với chúng sanh. Chúng ta có được thân người, được gặp Phật pháp là chúng ta đã có nhân duyên rất thù thắng. Chúng ta phải chân thật học Phật thì chúng ta mới chân thật thoát khỏi sinh tử. Chúng ta đừng cho rằng chúng làm chút việc thiện nhỏ để tương lai nhận được chút phước báu là đủ.

Trên Kinh Phật nói: “Ngôi Pháp Vương này ta dành lại cho con”. Phật A Di Đà đang chờ để nhường lại ngôi giáo chủ cho chúng ta. Phật không tham quyền, cố vị mà chúng sanh ở thế giới Tây Phương Cực Lạc có thể thay vị trí của Ngài. Trên Kinh nói, khi Phật A Di Đà nhập diệt Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ nối ngôi Ngài. Trên Kinh cũng nói, chúng sanh dùng tài vật bằng tam thiên, đại thiên thế giới để cúng dường cũng không bằng một người tinh tấn cầu chứng Phật quả, cầu một đời này vãng sanh. Chúng ta làm việc thiện thì chúng ta chỉ có phước báu nho nhỏ nhưng chúng ta vẫn phải sinh tử. Nếu chúng ta chỉ tinh tấn niệm Phật mà chúng ta không phát tâm vì chúng sanh thì chúng ta lại càng sai. Trên “Kinh Vô Lượng Thọ” dạy: “Phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm”. Chúng ta phát Tâm Bồ Đề mà chúng ta không một lòng chuyên niệm thì chúng ta không thể vãng sanh. Chúng ta một lòng chuyên niệm nhưng chúng ta không phát Tâm Bồ Đề thì chúng ta cũng không thể vãng sanh. Tâm Bồ Đề là tâm độ chúng sanh, tâm lợi ích chúng sanh.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook