Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba, Ngày 13/12/2022
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1096
“NGHE LỜI NHẮC NHỞ NGƯỜI KHÁC NHƯ NHẮC NHỞ CHÍNH MÌNH”
Nếu chúng ta nghe lời nhắc nhở người khác như lời nhắc nhở chính mình thì ngày ngày chúng ta được nhắc nhở, được nâng cao cảnh giới. Chúng ta có lỗi thì chúng ta sửa, nếu chúng ta không có lỗi thì chúng ta cảnh giác. Nếu chúng ta xem như không nghe thấy hoặc nghe nhưng không có sự phản tỉnh thì chúng ta không thể hoàn thiện mình.
Hòa Thượng nói: “Sở dĩ tôi có chút thành tựu là vì khi tôi nghe lời nhắc nhở người khác thì tôi coi đó là lời nhắc nhở chính mình”. Người xưa cũng đã nói: “Hữu tắc cải chi, vô tắc gia miễn”. Chúng ta có lỗi thì chúng ta sửa lỗi, chúng ta không có lỗi thì chúng ta nhắc nhở chính mình không nên phạm phải những lỗi lầm đó. Thánh Hiền ngày ngày sửa lỗi, hoàn thiện chính mình. Phàm phu chúng ta ngày ngày tạo lỗi. Thánh Hiền nhân không tùy thuận theo tập khí còn chúng ta tùy thuận theo tập khí, theo sở thích của mình.
Phật đã cảnh báo các đệ tử: “Khi nào các ông là A-la-hán thì các ông hãy tin vào chính mình”. Nếu chúng ta chưa phải A-la-hán thì khi đủ duyên các tập khí xấu ác “tham, sân, si, mạn” vẫn sẽ dấy khởi. Trong Kinh, Phật cũng đã nêu ra nhiều thí dụ, các bậc đại A-la-hán khi ngồi tĩnh tọa, bất tri bất giác thì hàm của các Ngài vẫn nhai vì trong quá khứ các Ngài đã từng làm kiếp trâu bò. Ngài Đại-Ca-Diếp khi nghe tiếng thiên nhạc thì Ngài bất tri, bất giác đứng dậy nhảy theo nhạc. Tập nghiệp rất đáng sợ, những nghiệp này rất vi tế. Thánh Hiền có thể ngày ngày nâng cao cảnh giới vì các Ngài ngày ngày sửa lỗi. Phàm phu chúng ta lui sụt vì chúng ta tùy theo tập khí, phiền não của chính mình.
Có những người đạo cao, đức trọng vẫn mắc lỗi nên chúng ta phải hết sức cảnh giác. Nếu chúng ta không cẩn trọng thì đạo tâm, tín tâm, thậm chí huệ mạng cũng sẽ mất. Hòa Thượng dạy chúng ta: “Chúng ta nghe lời nhắc nhở người khác như lời nhắc nhở chính mình”. Chúng ta có lỗi thì chúng ta sửa, chúng ta không có lỗi thì chúng ta nhắc nhở chúng ta không phạm lỗi đây là nội công phu. Chúng ta niệm Phật, tụng Kinh chỉ là ngoại công phu. Có người đã tụng bộ “Kinh Pháp Hoa” hơn 1000 lần, trong hơn 20 năm, họ tổ chức Lễ hoàn Kinh rất trang trọng nhưng họ chưa thể ăn chay, chưa phát tâm độ chúng sanh.
“Kinh Pháp Hoa” là Kinh liễu nghĩa Đại Thừa, trong lời tựa khai kinh nói: “Cho dù tạo tội hơn núi cả chẳng nhọc diệu pháp vài ba hàng”. Chúng ta chỉ cần tụng vài ba hàng “Kinh Pháp Hoa” thì tội cao như núi cũng tiêu hết. Một lần, tôi đến đạo tràng chuyên tụng “Kinh Pháp Hoa”, tôi nói: “Kinh Pháp Hoa là Kinh liễu nghĩa Đại Thừa, chúng ta phải dùng tâm Đại Thừa để tụng. Tâm Đại Thừa là tâm rộng lớn. Chúng ta phải toàn tâm toàn lực vì Phật pháp, vì chúng sanh, vì xã hội phục vụ. Chúng ta dùng tâm này tụng “Kinh Pháp Hoa” thì chúng ta có thể “chẳng nhọc diệu pháp vài ba hàng”. Chúng ta dùng tâm nhỏ bé, tâm “tự tư tự lợi” để tụng thì chúng ta tụng bao nhiêu thì tội vẫn còn nguyên đó!”. Hàng ngày, chúng ta tụng Kinh, niệm Phật, lễ Phật đó chỉ là hình thức. Chúng ta chưa gặp cảnh nước mất, nhà tan nên chúng ta tưởng rằng mình đã có công phu nhưng khi chúng ta gặp phải cảnh con mất, nhà cháy thì chưa chắc chúng ta đã giữ được định tâm.
Hòa Thượng nói: “Tôi là người học Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật là Thầy của tôi. Tôi đọc lời giáo huấn của Phật, tôi làm theo một cách chân thành. Khi tôi đọc Thánh Kinh của Thánh A-la thì Thánh A-la là Thầy tôi. Tôi đọc Kinh Tân Ước, Cựu Ước của Chúa Giê-su, thì chúa Giê-su cũng là Thầy tôi, tôi thật nghe lời và thật làm theo lời dạy của các Ngài”. Tâm của Hòa Thượng rộng lớn nên Ngài tiếp nhận được những giáo huấn tốt đẹp của người xưa. Chúng ta học hỏi từ lời dạy của Thánh Hiền thì chúng ta có thể nâng cao cảnh giới nội tâm. Chúng ta chỉ chú trọng ở hình thức thì chúng ta không thể chuyển đổi được nội tâm.
Các bậc Tổ Sư Đại Đức ngày ngày “tinh tấn”. Chúng ta ngày ngày “tinh tướng”, chúng ta chỉ làm cho dễ coi. Chúng ta tổ chức ngày “Lễ vía Phật A Di Đà”, mọi người coi đó là kỳ tích, họ cho rằng họ không thể làm được. Người xưa dạy: “Chí thành cảm thông”. Chúng ta không làm được vì chúng ta chưa hoàn toàn “chí thành”. Chúng ta chân thật “chí thành” thì chúng ta sẽ không gặp chướng ngại. Tổ Sư Ấn Quang nói: “Kiệt thành tự khả chuyển phàm tâm”. “Kiệt thành” là chúng ta chân thành đến tột đỉnh thì chắc chắn chúng ta sẽ chuyển được tâm phàm. Chúng ta chuyển được tâm phàm thì chúng ta sẽ có tâm của Bồ Tát. Chúng ta sẽ chuyển được việc làm của phàm phu thành việc làm của Bồ Tát. Bồ Tát dụng tâm chắc chắn sẽ không có chướng ngại. Bồ Tát sẽ toàn tâm toàn lực vì chúng sanh. Các Ngài không có ý niệm “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham, sân, si, mạn”.