Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Bảy, ngày 05/11/2022.
***********************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1059
“LÌA VỌNG TƯỞNG, PHÂN BIỆ CHẤP TRƯỚC LÀ TỔNG CƯƠNG LĨNH PHẬT GIÁO HÓA CHÚNG SANH”
Phật khuyên chúng ta lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Đây là tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc mà người học Phật ở tất cả các tông phái đều phải tuân theo. Nếu ai khuyên chúng ta xa lìa nguyên tắc này thì đó là Ma. Phật dạy chúng ta xa lìa “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham, sân, si, mạn” còn Ma giúp chúng ta thỏa mãn dục vọng, tham cầu.
Người xưa nói: “Thánh Hiền chỉ thành tựu việc tốt, không thành tựu việc xấu cho người”. Cuộc sống của chúng ta gặp thuận lợi thì chúng ta thường cho rằng đó là Phật Bồ Tát gia hộ. Khi chúng ta làm việc mà chúng ta gặp chướng ngại, bệnh khổ thì chúng ta cho rằng Phật Bồ Tát không gia hộ. Thực tế là, khi chúng ta làm việc tốt hay chúng ta làm việc ác thì chúng ta cũng sẽ phải nhận lấy nhân quả mà trước đây chúng ta đã gieo. Chúng ta gặp khó khăn, chướng ngại là do trước đây chúng ta đã tạo nhiều nghiệp ác, gây oán kết với nhiều chúng sanh. Có người đang làm việc tốt nhưng phải nhận những quả báo xấu, có những người đang làm việc ác nhưng lại nhận được những quả báo tốt. Tất cả đều là nhân trước, quả sau. Nhân quả ba đời là quá khứ, hiện tại, vị lai. Trong vô lượng kiếp chúng ta đã tạo ra vô số nghiệp tội.
Khi Thích Ca Mâu Ni Phật đã thành Phật, vua Tỳ Lưu Ly kéo quân đến tàn sát dòng họ Thích thì Đức Phật cũng bị đau đầu trong suốt ba ngày. Khi đệ tử hỏi, Đức Phật giải thích đó là do trong vô lượng kiếp trước, Ngài đã dùng cây gõ lên đầu con cá ba cái, ngày nay trong vi tế Ngài vẫn phải trả nghiệp. Một vị Cư sĩ, người là Thầy của Ngài Huyền Trang, Ngài có công đức hoằng pháp lợi sanh vô cùng to lớn nhưng Ngài vẫn bị bệnh khổ tàn khốc. Người đời sau khi nhắc lại bệnh của Thầy thì cũng rơi nước mắt.
Thích Ca Mâu Ni Phật dạy chúng ta: “Lấy khổ làm Thầy”. Chúng ta phải thay chúng sanh chịu khổ. Phật Bồ Tát luôn vì chúng sanh lo nghĩ, tìm những phương tiện khéo léo nhất để tiếp độ chúng sanh. Hòa Thượng cả một đời bôn ba khắp nơi trên thế giới, tận tâm tận lực vì chúng sanh. Ngài sống một cuộc sống giản đơn, ở nhờ nhà. Cả cuộc đời Hòa Thượng không quản tiền, không quản việc, không quản người. Một số người cho rằng cuộc sống như vậy thì sẽ rất khổ. Các Ngài xa lìa “ngũ dục lục trần” nên cuộc sống của các Ngài luôn an vui, tự tại.
Nhiều người học Phật nhưng không hiểu tổng nguyên lý, tổng nguyên tắc Phật dạy chúng sanh nên họ bị người khác dẫn dụ. Trong “Kinh Kim Cang” nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh”. Phật khuyên chúng ta không nên bám chấp vào những thứ không thật mà phải quay về với pháp thân huệ mạng, với tự tánh chân thật của chính mình. Một số người tu hành một thời gian thì đạo tràng của họ ngày càng lớn, họ cho rằng đó là Phật tặng cho nhưng đó là họ đang cuồng vọng. Phật không mang những thứ như “mộng huyễn bào ảnh” cho chúng ta. Yêu ma cho chúng ta một chút danh lợi thì chúng ta đã bị dẫn dụ.
Trong “Kinh Sám Hối” nói: “Hôm nay, con phát tâm, không vì quả vị Trời, Người, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát mà con phát tâm vì quả vô thượng, chánh đẳng, chánh giác”. Chúng ta tu hành pháp môn Tịnh Độ, mục tiêu của chúng ta là vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Chúng ta không cần có đạo tràng lớn, nhiều đồ chúng, nhiều tài sản.
Thích Ca Mâu Ni Phật đã thị hiện cho chúng ta, Ngài và các đệ tử sống cuộc sống ba y một bát, nửa ngày ăn một bữa, dưới gốc cây ngủ một đêm. Các Ngài nói và làm ra biểu pháp cho chúng sanh. Chúng ta gặp chướng ngại, khó khăn là do nghiệp lực. Chúng ta không chuyển được nghiệp lực thì chúng ta gặp khó khăn, chướng ngại trùng trùng. Chúng ta muốn chuyển được nghiệp lực thì chúng ta chân thật xa lìa “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”. Chúng ta còn ý niệm đắm chấp trong năm dục, sáu trần thì chúng ta vẫn bị nghiệp lực, tập khí sai khiến vậy thì chúng ta chắc chắn sẽ khổ đau!
Mấy hôm nay, tôi bị đau chân nên tôi cũng ngộ ra nhiều điều. Tôi cần nỗ lực, dụng tâm nhiều hơn vì thời gian không còn nhiều. Nếu chúng ta bỏ lỡ nhiều cơ hội thì khi chúng ta nhận ra, chúng ta muốn làm cũng không còn kịp nữa! Chúng ta phải nỗ lực dùng thân nghiệp chướng này để tạo phước lành.