199Thứ Sáu, 04/11/2022, 11:38
1058 · Bồ Tát Tu Hành Thiện Căn Duy Nhất Chính Là Tinh Tấn

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu, ngày 04/11/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1058

“BỒ TÁT TU HÀNH THIỆN CĂN DUY NHẤT CHÍNH LÀ TINH TẤN”

Tinh chuyên” là chúng ta không xen tạp, chuyên nhất một pháp tu, chuyên nhất một hướng đi. Chúng ta đã học hơn 1000 đề tài, có một số người mới vào học nhưng cũng có rất nhiều người đã nghỉ học. Chúng ta giải đãi, tạp loạn nên chúng ta rất khó có thể chuyên nhất một pháp môn. Chúng ta giải đãi nên chúng ta không vượt qua được tập khí. Chúng ta tạp loạn nên chúng ta không thể chuyên nhất. Chúng ta có tập khí sâu dày đó là giải đãi, trong giải đãi có buông lung, lười biếng, dần dà. Chúng ta xen tạp vì chúng ta tiếp nhận quá nhiều thông tin, chúng ta đưa nhiều thông tin vào trong A-lại-da-thức nên tâm chúng ta bị nhiễu động. Chúng ta giải đãi, tạp loạn thì chắc chắn chúng ta không thể có thành tựu.

Hòa Thượng nói: “Bồ Tát tu hành có một pháp duy nhất là tinh tấn”. “Tinh” là tinh chuyên. “Tấn” là tiến bộ. Các Ngài tinh chuyên tu hành nên các Ngài có tiến bộ. Việc tu hành cũng giống như chúng ta kéo lửa. Chúng ta đang kéo mà chúng ta dừng lại thì chúng ta không thể tạo ra lửa. Nếu chúng ta cố gắng, kiên trì hơn một chút thì chúng ta có thể làm được. Trong tu hành cũng vậy, chúng ta phải vượt qua tập khí của chính mình. Tất cả chỉ là thói quen. Giống như người có thói quen hút thuốc, uống rượu nếu không được đáp ứng thì họ sẽ cảm thấy rất khó chịu.

Hòa Thượng nêu ra hai chướng ngại lớn nhất của chúng sanh chúng ta đó là giải đãi và tạp loạn. Chúng ta giải đãi thì chúng ta sẽ chểnh mảng, lười biếng. Hiện tại, tập khí nặng nhất của chúng ta là ham ngủ. Có một người 3 giờ sáng qua nhà tôi để lạy Phật nhưng anh ta chỉ qua được 3 ngày thì không qua nữa. Đó là họ “tinh tướng” chứ không phải “tinh tấn”!

Hôm trước, tôi phải di chuyển nhiều, mỗi ngày tôi giảng 2, 3 lần nên buổi tối tôi ngủ một giấc rất say. Sáng hôm sau, mặc dù tôi quên không đặt chuông báo thức nhưng khi đến giờ, tôi cũng không thể ngủ thêm được nữa. Tôi đã có thói quen dậy sớm. Chúng ta phải dũng mãnh vượt qua tập khí của mình. Chúng ta đã thua một lần thì chúng ta sẽ thua đến lần thứ hai và thua mãi mãi.

Hòa Thượng nói: “Ngày nay, chúng ta tu học ở trạng thái giải đãi, xen tạp, loạn động”. Hòa Thượng xuất thân trong nghèo khó nhưng Ngài luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn. Ngài là “vạn thế sư biểu”, tấm gương về sự dũng mãnh, tinh tấn trong tu hành cho muôn đời. Chúng ta muốn có thành tựu ở trong Phật pháp hay thế gian pháp thì chúng ta cũng cần tinh tấn. Nếu ở thế gian, chúng ta giải đãi chúng ta cũng không thể có thành tựu. Trong Phật pháp cũng vậy!

Khi nhỏ, tôi rất thích đọc tiểu thuyết kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung nhưng từ khi tôi gặp được Hòa Thượng thì tôi chỉ đọc sách của Ngài và nghe Ngài giảng. Có người nhờ tôi dịch đĩa của một vị khác thì tôi cũng từ chối. Đó chính là chúng ta gìn giữ sự tinh chuyên, không để mình loạn động.

Hòa Thượng nói: “Nhiều đời Tổ Sư Đại Đức hay thậm chí các Cư sĩ tại gia có thành tựu vì họ cả một đời chuyên nhất. Thế gian pháp hay xuất thế gian pháp, chúng ta muốn có thành tựu chúng ta nhất định phải tinh chuyên”. Các Ngài tinh tấn và chuyên nhất nên các Ngài có thành tựu. Chúng ta giải đãi, xen tạp nên chúng ta không có thành tựu. Chúng ta có bệnh trầm trọng là giải đãi. Chúng ta gặp một chút bệnh khổ, một chút khó khăn, chướng ngại thì chúng ta bỏ cuộc. Mỗi chúng ta đều có bệnh khổ, chúng ta không thể đợi hoàn toàn hết bệnh thì mới bắt đầu hy sinh, phụng hiến. Thân chúng ta có bệnh khổ, tâm chúng ta loạn động nên chúng ta phải dũng mãnh, tinh tấn vượt qua. Trong đời chúng ta đã rất nhiều lần bỏ cuộc. Nếu khi gặp chướng ngại tôi cũng bỏ cuộc thì tôi không thể dịch được đĩa của Hòa Thượng, chúng ta cũng không thể học được hơn 1000 chuyên đề. Chúng ta muốn có thành tựu, chúng ta nhất định phải tinh, nhất định phải chuyên, nhất định phải thuần!

Hòa Thượng nói: “Phật pháp đặc biệt hơn thế gian pháp. Thế gian pháp thì “cách nghề như cách núi”, mỗi nghề có những đặc trưng khác nhau. Phật pháp thì “quán thông”. Chỉ cần chúng ta thông đạt một bộ Kinh thì tất cả bộ Kinh khác chúng ta đều thông đạt”. Chúng ta chuyên cần, chuyên nhất học pháp với Hòa Thượng thì trong tất cả các lĩnh vực, chúng ta đều có thể chia sẻ mà không cần phải chuẩn bị trước. Trong nhà Phật nói: “Nhất Kinh thông, nhất thuyết Kinh thông”. Người thế gian cho rằng, họ phải học nhiều để họ có nhiều kiến thức. Hòa Thượng khuyên chúng ta: “Trong đời này chúng ta chỉ cần chuyên tinh một bộ Kinh. Sau khi chúng ta khai ngộ, thông đạt một bộ Kinh thì tất cả bộ Kinh chúng ta đều thông đạt. Đây là sự thật!”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook