
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư, ngày 12/10/2022.
***********************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1035
“NGƯỜI HỌC PHẬT NGÀY NAY KHÔNG LÀM RA ĐƯỢC HÌNH TƯỢNG TỐT”
Phật pháp là giáo dục tốt nhất của xuất thế gian và thế gian. Ngày nay, người học Phật không làm ra được hình tượng tốt vì họ dính mắc vào “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”. Chúng ta được tiếp nhận giáo dục Phật pháp thì chúng ta phải làm ra biểu pháp thật tốt cho chúng sanh.
Tôi dặn em trai tôi, nếu tôi làm việc ở phương xa mà ở nhà Mẹ tôi mất thì em tôi cứ theo lời dặn bảo của tôi để lo cho Mẹ. Nếu tôi đang bận việc vì chúng sanh ở xa thì tôi không cần thiết phải bỏ tất cả việc để về lo cho mẹ. Chúng ta mở rộng tình yêu dành cho Cha Mẹ mình thành tình yêu dành cho Cha Mẹ của tất cả chúng sanh. Sáng nay, khi tôi nhìn thấy cô Việt, con của bà cụ ở Hà Tĩnh mới mất, vẫn đang ngồi học thì tôi rất cả cảm động. Khi bà cụ mất, mọi người cũng đã hộ niệm và lo tang lễ cho bà rất chu đáo. Không phải cô không về với Mẹ là cô bất hiếu. Cô Việt ở nước ngoài, cô cũng đang chăm sóc một cụ già từ nhiều năm nay. Cô ở lại chăm sóc cụ đó chính là thể hiện ân nghĩa giữa người với người. Một số người ở thế gian tình chấp, họ cho rằng người không về dự đám tang của Cha Mẹ là bất hiếu. Chúng ta phải làm ra biểu pháp của người chân thật học Phật cho chúng sanh noi theo.
Phật dạy chúng ta “Vị ngã vị tha”. Vì người phục vụ. Nhiều người chỉ nói nhưng khi gặp việc thì họ lại tình chấp. Người học Phật được tiếp nhận giáo dục tốt nhất của thế gian và xuất thế gian nhưng chúng ta không làm ra được tấm gương cho người học tập là vì chúng ta tình chấp.
Tôi dặn các Phật tử ở Cần Thơ, họ đi đâu cũng đừng giới thiệu rằng đây là Mẹ Thầy Vọng Tây. Cảnh giới nội tâm của tôi và Mẹ tôi hoàn toàn khác nhau. Chúng ta không nên dùng tình chấp để đối đãi với mọi người. Tôi cũng dặn họ, nếu ở nhà Mẹ tôi mất thì cũng đừng thông báo cho nhiều người mà hãy để gia đình tôi tự lo cho bà. Nhiều vòng hoa, nhiều người phúng viếng chỉ làm cho chúng ta tổn phước. Tôi cũng nói, nếu Mẹ tôi mất có thể tôi sẽ không về được. Tôi tận tâm tận lực phục vụ chúng sanh là được. Nếu Cha Mẹ chúng ta có phước thì họ sẽ an lành ra đi, mọi việc sẽ được sắp xếp chu đáo. Khi bà cụ ở Hà Tĩnh mất, có nhiều người ở bên cạnh hộ niệm cho bà.
Chúng ta đã khóc tiễn đưa người thân nhiều lần nhưng chúng ta khóc để đồng cảm với chúng sanh khổ nạn thì rất ít. Chúng ta vẫn là “tự tư tự lợi”. Chúng ta không làm ra được hình tượng để chúng sanh nhìn vào. Chúng ta không làm cho chúng sanh ngưỡng mộ, kính phục thì chúng sanh sẽ không đến để học tập.
Người thân của tôi yêu cầu tôi làm việc gì thì tôi sẽ cố gắng làm trong khả năng của mình. Người thân của tôi yêu cầu người của hệ thống làm việc gì thì tôi sẽ từ chối. Vì người của đại chúng chỉ làm những việc để phục vụ đại chúng. Tôi đào tạo ra nhiều người lái xe nhưng đi đâu tôi cũng tự lái xe. Vì tôi đào tạo ra người để phục vụ đại chúng chứ không phải để phục vụ tôi. Những người ở với tôi có hai hạng người. Một hạng là những người luôn nỗ lực học tập thì họ được tốt nghiệp, được đi phục vụ, cống hiến. Một hạng là những người không nỗ lực, không phấn phát thì tôi sẽ từ chối dạy.
Chúng ta phải đem giáo huấn của Phật thực tiễn trong đời sống. Chúng ta phải làm ra những hình tượng thật tốt để chúng sanh ngưỡng mộ. Mọi người sẽ hiếu kỳ khi chúng ta không giàu nhưng chúng ta có đời sống rất an vui, tự tại. Họ hiếu kỳ thì họ sẽ tìm hiểu và học tập. Chúng ta hoàn thiện chính mình thì tự khắc sẽ ảnh hưởng chúng sanh, chúng sanh sẽ tự quy phục. Chúng sanh ngày nay không chịu quy phục vì họ không có niềm tin.
Chúng ta chỉ cần dùng mảng tâm chân thành, nói những lời mình đã thật làm và đang làm thì sẽ làm chúng sanh cảm động. Khi chúng ta nói bằng tâm chân thành thì cả hội trường sẽ yên lặng lắng nghe. Một người Thầy thật sự sẽ dùng toàn bộ tâm huyết để nói ra những gì mình đã thật làm. Bác Hồ có nhiều học trò xuất sắc vì Người đã thật làm. Bác đã hy sinh cả cuộc đời vì quốc gia, dân tộc. Bác đã làm nhiều hơn những gì mà Bác đã nói. Học trò nhìn theo tấm gương của bác để học tập. Chúng ta không cần phải bảo người khác làm mà chúng ta chỉ cần làm ra tấm gương thì người khác sẽ học tập. Hoằng pháp lợi sanh không phải là chúng ta nói nhiều mà chúng ta phải làm ra tấm gương để chúng sanh kính ngưỡng, từ đó họ học tập và làm theo.
Khi chúng ta tổ chức buổi lễ tri ân ở Nghệ An, tôi tích cực tham gia tất cả các hoạt động như về quê Bác, thăm mộ cụ Nguyễn Du, lên chia sẻ với đại chúng. Khi trở về nhà tôi luôn tự giặt tất cả đồ bằng tay. Tôi tự làm vì tôi không muốn làm phiền người khác. Tôi học từ tấm gương của Hòa Thượng. Cả cuộc đời Ngài đã làm ra biểu pháp cho chúng ta. Khi Ngài hơn 70 tuổi Ngài vẫn tự giặt đồ. Học trò nói sẽ bố trí hai thị giả hỗ trợ Hòa Thượng để họ giặt đồ, nấu ăn cho Ngài. Nhưng Ngài từ chối, Ngài nói: “Nếu tôi không làm việc thì tôi giống như một người tàn phế. Tôi không muốn bị thiệt thòi như vậy!”. Người già không làm việc thì sẽ nhanh già nua. Hòa Thượng hiểu được đạo lý: “Tâm thì phải tĩnh. Thân thì phải động”. Ngày nay, chúng ta rất ngại đi bộ chỉ muốn dùng xe máy. Chúng ta “Thân thì tĩnh. Tâm thì động”. Thân giống như một cỗ máy nếu thân không hoạt động thì thân sẽ mau hỏng.
Hòa Thượng nói: “Phật pháp suy đồi là do bốn chúng đệ tử không y giáo phụng hành. Họ làm cho đại chúng xã hội hiểu lầm Phật giáo là mê tín”. Chúng ta không làm ra được biểu pháp cho chúng sanh. Chúng sanh nhìn thấy chúng ta thì họ sẽ nói: “Người học Phật lâu năm mà còn như vậy! Vậy thì chúng ta không nên học!”. Chúng ta tổ chức những buổi lễ tri ân thì chúng ta không cần giới thiệu nhiều về đơn vị tổ chức. Chúng ta làm bằng tâm chân thành, mọi người cảm động thì họ sẽ tự tìm hiểu và học theo.
Một lần, tôi đi mua rau, người bán hàng nhìn thấy tôi đi xe, mặc áo, đội mũ bảo hiểm đều có chữ “A Di Đà Phật”. Tôi bảo họ chọn cho tôi những quả mướp đắng vàng nhưng họ chọn cho tôi những quả tươi ngon còn những quả vàng họ tặng. Họ chỉ “lường cân tráo đấu” với những người “lường cân tráo đấu” còn họ lương thiện với những người lương thiện. Đó là bài học khải thị cho chúng ta. Chúng ta tưởng rằng chúng ta tu hành thì chúng ta mới có tâm Bồ Tát. Nhưng những người buôn bán ở chợ họ vẫn có tâm Bồ Tát.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta là đệ tử Phật nhưng chúng ta không làm ra được hình tượng tốt thì đây là lỗi lầm rất lớn. Phật pháp là giáo dục trí thiện viên mãn tốt nhất của thế gian và xuất thế gian. Ngày nay, nhiều người bài trừ, bác bỏ Phật pháp vì chúng ta không làm ra được biểu pháp cho họ. Chúng ta không y giáo phụng hành, không hy sinh phụng hiến”. Người thế gian, ở tất cả những ngành nghề đều có những người biết hy sinh phụng hiến. Nhiều ông chủ muốn nhân viên có đời sống đầy đủ, hạnh phúc. Những người công nhân vệ sinh, họ chui xuống cống, lặn ngụm trong nước cống. Chúng ta chỉ cần tận tâm tận lực với công việc của mình thì chúng ta đã hy sinh phụng hiến rồi.
Một lần, tôi nhìn thấy một người lao công vun rác vào các hố ở bãi cỏ chứ họ không hót rác đi. Họ làm như vậy thì họ đã làm xấu đi hình tượng của người lao công, họ sẽ bị tổn phước. Người lao công làm công việc bằng hơn 100% sức lực thì đó là họ đang hy sinh phụng hiến, đang tạo phước báu. Chúng ta muốn thay đổi vận mạng thì chúng ta phải thay đổi cách thấy, cách biết, cách làm của chính mình. Thay vì chúng ta “tự tư tự lợi” thì chúng ta “hy sinh phụng hiến”.
Hòa Thượng nói: “Người ngày nay bài trừ, không tiếp nhận Phật pháp vì họ có sự hiểu lầm đối với Phật pháp. Chúng ta được tiếp nhận giáo dục trí thiện viên mãn thì chúng ta phải làm ra tấm gương để người học tập. Chúng ta thực hiện tốt Năm giới, Mười thiện thì chúng ta làm ra được tấm gương rất tốt cho chúng sanh”. Chúng ta không Sát – Đạo – Dâm. Chúng ta không nói dối, nói lưỡi đôi chiều, nói lời hung ác, nói lời thêu dệt mà chúng ta nói những lời chân thật, lời yêu thương.
Hòa Thượng nói: “Năm giới, mười thiện là căn bản để làm người. Chúng ta không làm được cái căn bản này thì chúng ta không phải là học trò của Phật”. Hòa Thượng nói rất thẳng thắn. Chúng ta phát tâm cúng dường ít hay nhiều thì điều đó cũng không quan trọng. Quan trọng là chúng ta phải làm đúng tiêu chuẩn của một người học Phật.
Hòa Thượng nói: “Tất cả đồng tu học Phật, người xuất gia hay tại gia đều phải triệt để tuân thủ Năm giới, Mười thiện. Chúng ta làm được điều này thì tôi tin chắc là những người hiểu lầm, bài trừ Phật pháp đều sẽ quay đầu học Phật”. Sự hưng suy của Phật pháp đều do những người học Phật chúng ta quyết định.
Trước đây, khi chúng ta làm, nhiều người nói chúng ta chỉ giả bộ làm người tốt. Người thế gian nói: “Người không vì mình thì trời tru đất diệt”. Hòa Thượng nói: “Người không biết vì người thì sẽ bị trời tru đất diệt. Người biết vì người thì trời đất sẽ hỗ trợ!”. Trong cơn bão lớn vừa qua, mặc dù nằm ở tâm bão nhưng nhà rau của chúng ta ở Hòa Phú, Đà Nẵng không hề bị ảnh hưởng. Chúng ta làm việc tốt thì sẽ được trời đất ủng hộ.
Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta làm ra Mười ác, làm ra những điều bất thiện thì người khác nhìn vào họ sẽ nghĩ Phật giáo là không tốt. Họ sẽ hiểu lầm và bài trừ Phật pháp. Đây là do chúng ta tu hành, chúng ta hoằng dương Phật pháp chưa tốt”. Hoằng dương Phật pháp không phải là chúng ta in nhiều Kinh sách, xây nhiều chùa lớn mà là chúng ta phải làm ra được biểu pháp tốt. Hòa Thượng từng nói: “Không vì chính mình cầu an lạc, chỉ nguyện chúng sanh được lìa khổ”. Chúng ta làm việc với tâm cảnh này thì chúng sanh sẽ ngưỡng mộ, kính phục và học hỏi.
*****************************
Nam Mô A Di Đà Phật
Chúng con xin tùy hỉ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!
Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy còn lộn xộn, còn nhiều sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!