173Thứ Ba, 11/10/2022, 15:16
1034 · Phải Chân Thật Thay Đổi, Phải Chân Thật Làm

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba, ngày 11/10/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1034

“PHẢI CHÂN THẬT THAY ĐỔI, PHẢI CHÂN THẬT LÀM”

Phật pháp trọng ở thực chất chứ không chú trọng ở hình thức. Hình thức bên ngoài không giúp ích cho sự tu hành của chúng ta. Hình thức bên ngoài chỉ là để chúng ta tiếp độ chúng sanh sơ cơ. Chúng ta tùy duyên để hóa độ chúng sanh sơ cơ. Nếu chúng ta dính mắc vào duyên thì chúng ta đã phan duyên rồi! Chúng ta thật thay đổi từ trong nội tâm thì cảnh giới của chúng ta sẽ được nâng cao. Khi cảnh giới nội tâm được nâng cao thì chúng ta dễ dàng hàng phục, loại bỏ được các tập khí, phiền não. Tập khí, phiền não của chúng ta giống như cỏ dại, chúng ta muốn loại bỏ cỏ dại thì chúng ta phải nhổ tận gốc. Nếu còn sót lại một mầm cỏ dại thì chỉ vài tháng sau chúng sẽ mọc tràn lan khắp nơi.

Chúng ta tu hành nhiều năm, chúng ta tưởng rằng mình đã có công phu cao, vững chãi nhưng chỉ cần chúng ta dính mắc vào một trong năm thứ “Tài, sắc, danh, thực, thùy” thì tất cả những năm tháng tu hành của chúng ta sẽ uổng phí! Chúng ta phải kiểm soát mình từng giờ, từng phút, từng giây. Hòa Thượng nói: “Người giác ngộ là người thường phản tỉnh”. Người nhận ra lỗi và mau chóng sửa lỗi thì đó là người giác ngộ. Người mê muội là người không thường phản tỉnh hoặc họ biết mình có lỗi nhưng họ bỏ qua lỗi của mình.

Một số người lạy Phật, niệm Phật nhiều nhưng họ vẫn chìm đắm trong “Tự tư tự lợi”, “Danh vọng lợi dưỡng”. Họ không thật làm, không thật thay đổi. Hòa Thượng nói: “Phật Bồ Tát ngày ngày thay đổi, ngày ngày thật làm!”. Chúng ta học Phật, chúng ta học chuẩn mực Thánh Hiền thì chúng ta phải thực tiễn những điều đã học ngay trong khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật. Chúng ta tổ chức những pháp hội lớn hay chúng ta niệm Phật, lạy Phật nhiều thì đó cũng chỉ là phương pháp hỗ trợ. Chúng ta phải chân thật chuyển đổi từ trong nội tâm.

Người càng chú trọng hình thức bên ngoài thì người đó càng mê muội. Phật đã dạy chúng ta: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn, bào ảnh”. Tất cả mọi thứ đều là giả không có thứ gì là thật. Chúng ta dính mắc, chấp vào hình tướng thì những thứ này lại càng là những thứ giả. Trong Kinh Phật lấy thí dụ, chúng ta đang ở trong cõi Ta Bà, chúng ta đang ở trong cõi mộng mà chúng ta lại mộng. Điều này giống như, khi chúng ta đi ngủ, chúng ta lại nằm mơ thấy mình đang nằm mộng. Đó chính là mộng ở trong mộng. Thân này cũng là giả không có gì là thật.

Trưa thứ Bảy, tôi vào Hà Tĩnh thăm một bà cụ. Khi tôi đến, cụ nhờ con cháu đỡ dậy để nghe tôi nói chuyện. Cụ đã rất yếu nên tôi dặn mọi người thay quần áo mới cho cụ, con cháu giữ tâm bình lặng luân phiên niệm Phật cho cụ. Tôi khai thị, dặn cụ buông bỏ tất cả, giữ tâm bình thản để ra đi. Tối hôm qua, cụ đã ra đi một cách nhẹ nhàng. Bây giờ mọi người đang hộ niệm cho cụ. Cụ đã định đi từ mấy ngày trước nhưng tôi dặn cụ, chúng ta đang tổ chức đại lễ tri ân, mọi người đều rất bận nên sẽ không có người hộ niệm cho cụ. Cụ ra đi một cách tự tại, minh mẫn đến hơi thở cuối cùng đây cũng là một sự khải thị cho chúng ta!

Chúng ta đang ở trong cõi mộng, nếu chúng ta tiếp tục mộng nữa thì chúng ta thật đáng thương! “Tài, sắc, danh, thực, thùy” không phải là thật nhưng mọi người quá dính mắc vào đó. Nếu chúng ta tổ chức những buổi lễ tri ân mà chúng ta đắm chấp vào đó thì chúng ta không làm nữa sẽ tốt hơn. Chúng ta phải kiên định với mục tiêu của mình, chúng ta giữ tâm thanh tịnh niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Chúng ta làm việc vì chúng sanh đó là chúng ta từ bi xuất phương tiện. Chúng ta làm việc vì chúng sanh với tâm thái: “Việc tốt cần làm, nên làm, không công, không đức”. Suốt cuộc đời, Hoà Thượng nghiêm túc tu hành, tận lực vì chúng sanh nhưng Ngài cũng không thể thị hiện tự tại vãng sanh, lưu lại toàn thân xá lợi như Hòa Thượng Hải Hiền. Nếu chúng ta không cẩn trọng trong tu hành thì chúng ta sẽ đọa lạc. Các Tổ Sư Đại Đức một đời hy sinh phụng hiến, các Ngài sẵn sàng hi sinh phẩm vị của mình vì chúng sanh.

Hòa Thượng nói: “Một số người kiên cố, chấp trước họ luôn cho rằng mình đúng. Họ làm sai nhưng họ thừa nhận mà họ đẩy trách nhiệm cho người khác. Họ vô cùng đáng thương! Loại người này trên Phật Kinh gọi là người đã đoạn mất thiện căn. Phật có đến cũng không cứu được hạng người này. Loại người này quả báo đời sau là không có lỗ tai. Họ sẽ không còn nghe được thiện pháp”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook