229Thứ Hai, 10/10/2022, 20:31

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Hai, ngày 10/10/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1033

“TÂM THANH TỊNH THÌ MỚI CÓ TỰ TẠI”

Chúng ta không giữ được tâm thanh tịnh nên chúng ta không thể tự tại trước hoàn cảnh. Chúng ta ở trong cảnh động thì tâm chúng ta cũng bị động theo hoàn cảnh. Tâm chúng ta bị động bởi hoàn cảnh nên khi sinh tử đáo đầu chúng ta rất khó chủ động. Cảnh sinh ly tử biệt sẽ bó chặt chúng ta. Tâm chúng ta thanh tịnh thì chúng ta sống và ra đi đều tự tại.

Chúng ta là phàm phu nên tâm chúng ta vẫn khởi buồn vui, thương ghét, giận hờn nhưng điều quan trọng là chúng ta phải làm chủ những cảm xúc này. Đây chính là công phu quán sát của mỗi người. Chúng ta ở chốn tịch tình hay nơi ồn ào, ở một mình hay ở trước đám đông thì chúng ta đều phải quán sát tâm. Người xưa dạy: “Việc tốt không bằng không việc gì”. Chúng ta không làm chủ được chính mình mà chúng ta bị chi phối bởi phiền não, vọng tưởng thì tốt nhất chúng ta không nên làm. Nhưng chúng ta lui về, chúng ta không làm việc lợi ích chúng sanh thì Tâm Bồ Đề của chúng ta bị thui chột. Mục đích của chúng ta là vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Chúng ta không để mục đích của mình bị phân tán nhưng chúng ta cũng không được để tâm độ nguyện sinh bị mai một. Một lòng chuyên niệm và phát Tâm Bồ Đề phải tương bổ, tương trợ cho nhau.

Trong “Lục Tổ Đàn Kinh” nói: “Bổn lai vô nhất vật. Hà xứ nhá trần ai”. Tự tánh thanh tịnh của chúng ta vốn không có một vật nên tự tánh không thể bị vướng bụi trần. Chiếc gương bị mờ dần, chúng ta lấy khăn lau thì tấm gương sẽ sáng. Bóng đèn trong nhà bếp bị tối do khói bám vào, chúng ta chỉ cần lấy khăn lau thì bóng đèn lại sáng. Tâm thanh tịnh của chúng ta cũng vậy. Người xưa cảnh báo chúng ta: “Càng cao danh vọng thì càng dài gian nan”. Chúng ta bị trói buộc bởi lời khen, chê thì chúng ta không thể giữ được tâm thanh tịnh. Chúng ta giữ được tâm thanh tịnh thì chúng ta niệm Phật tương ưng với cõi Tịnh. Tâm chúng ta bị xao động bởi thành công, thất bại thì chúng ta luôn bị hoàn cảnh chi phối.

Chúng ta vừa tổ chức Lễ tri ân tại thành phố Vinh nhưng chúng ta vui vì thành công hay buồn vì thất bại thì chúng ta đã sai rồi! Nếu chúng ta làm một việc mà chúng ta chìm trong được mất thì tốt nhất là chúng ta không nên làm nữa. Chúng ta dùng tâm từ bi để làm lợi ích chúng sanh. Đây là từ bi xuất phương tiện. Tổ Ấn Quang dạy chúng ta: “Kiệt thành tự khả chuyển phàm tâm”. Chúng ta làm bằng tâm chân thành đến đỉnh điểm thì tự khắc chúng ta sẽ thành công. Trong tất cả công việc chúng ta đều dùng tâm chân thành để làm. Chúng ta luộc rau thì chúng ta cũng phải làm bằng tâm chân thành. Chúng ta làm mọi việc với tâm vọng tưởng, tâm được mất, hơn thua thì chắc chắn việc không thành. Năm nay, chúng ta đã tổ chức được bốn đại lễ tri ân, chúng ta có tâm so sánh giữa các buổi lễ thì chúng ta cũng đã sai rồi! Trên Kinh Phật nói: “Nhất niệm bất sanh”. Tâm chúng ta không được khởi lên ý niệm. Nếu chúng ta có ý niệm thành bại, được mất thì chúng ta đã bị hoàn cảnh chuyển. Điều này diễn ra vô cùng vi tế chỉ trong một niệm.

Khi tôi giảng ở chùa Ngòi, có một người vợ bị nhập nên mặt mũi của bà trông rất ủ dột, u ám. Người vợ muốn xin gặp tôi. Những linh hồn nhập vào người vợ nói, người vợ tu hành không nghiêm túc, người chồng đời trước tu hành nghiêm túc, là Thầy của của họ nhưng đời này người chồng đi bán heo. Đời này, những linh hồn này không tu được vì người Thầy của họ không tu, họ không được nương nhờ. Họ nói, nếu Thầy của họ không tu thì họ sẽ hại chết hai vợ chồng người đó. Chúng ta dẫn đạo người khác sai thì chúng ta phải nhận lấy nhân quả. Tôi khuyên họ quy y trước Phật nhưng một số linh hồn vẫn đi theo hai vợ chồng kia. Thân bằng quyến thuộc, Thầy trò, bạn bè những người từng thân thiết với chúng ta đều có thể trở thành oan gia. Chúng ta dẫn đạo họ sai, họ vào vòng sanh tử thì họ trở thành oan gia đối đầu của chúng ta.

Hòa Thượng nói: “Trong “Lục Tổ Đàn Kinh” nói rất hay: “Bổn lai vô nhất vật. Hà xứ nhá trần ai”. Tâm chúng ta thanh tịnh thì chúng ta tự tại. Tâm chúng ta khởi lên sự thành bại, được mất, hơn thua thì tâm chúng ta bị phiền não trói buộc. Trong tâm một niệm không sinh khởi thì chúng ta được giải thoát, chúng ta được đại tự tại”. Trong tâm vốn dĩ là không có một vật nên tâm không thể bị nhiễm bụi trần. Một chiếc gương sáng có dính một hạt bụi nhỏ thì không thể chiếu sáng 100%. Nhà Phật nói, nếu tâm chúng ta “Nhất trần bất nhiễm” thì chúng ta hoàn toàn tự tại.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook