Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Chủ nhật, ngày 09/10/2022.
***********************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1032
“TÂM TÌNH XỐC NỔI NÊN DỄ DÀNG BỊ BỆNH”
Nếu tâm tình của chúng ta cũng chuyển đổi thất thường như thời tiết thì chúng ta sẽ dễ bị bệnh. Đây là chúng ta tự làm tự chịu. Người có tâm tình định tĩnh thì họ có thể giải quyết mọi việc một cách nhẹ nhàng. Nhiều người tu hành nhiều năm nhưng tâm lý của họ vẫn bao chao, xao động. Nhà Phật có câu: “Cảnh tùy tâm chuyển”. Chư Phật Bồ Tát, các vị tu hành có công phu thì tâm của các Ngài chuyển hoàn cảnh. Chúng ta tu hành chưa có công phu nên tâm chúng ta luôn bị cảnh chuyển.
Hàng ngày, nếu tâm chúng ta luôn bị cảnh chuyển, chúng ta bị chi phối bởi buồn vui, thương ghét, giận hờn thì chúng ta không thể không bị bệnh. Chúng ta chẳng những bị bệnh nhẹ mà còn có thể bị bệnh rất nặng. Khi chúng ta đối nhân xử thế tiếp vật thì chúng ta tự biết tâm cảnh của chúng ta đang ở mức độ nào. Có người hỏi Hòa Thượng, liệu là họ có thể vãng sanh không. Hòa Thượng nói: “Việc này không cần hỏi ai, chính mình biết được rõ ràng!”. Chính chúng ta biết tâm cảnh của chúng ta như thế nào. Chúng ta bị hoàn cảnh chi phối thì chúng ta luôn chìm đắm trong buồn vui, thương ghét, giận hờn. Chúng ta không có tâm tình định tĩnh thì dòng luân hồi đã biểu hiện rõ ở trong nội tâm của chúng ta.
Phật Bồ Tát mong muốn chúng ta được tiếp nhận Phật pháp thì chúng ta sẽ một đời vượt thoát sinh tử, không còn là phàm phu. Thân người khó được, Phật pháp khó nghe. Chúng ta đã có thân người, chúng ta được nghe Phật pháp mà chúng ta bỏ qua cơ hội này thì thật đáng tiếc! Trên Kinh đã nói: “Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ”. Trăm ngàn muôn kiếp mới được gặp. Chúng ta gặp mà chúng ta thờ ơ dễ dàng để qua đi thì Phật Bồ Tát cảm thấy vô cùng tiếc cho chúng ta. Nhiều người học Phật muốn tạo được nhiều phước báu, đời sau sinh được về cõi Người, cõi Trời. Phật Bồ Tát không muốn chúng ta làm Người, làm Tiên Nhân mà các Ngài muốn chúng ta làm Phật. Đó là cái nhìn thấu đáo của Phật. Chúng ta cho rằng thành được Phật là điều quá lớn lao!
Chúng ta không dám xác quyết rằng: “Nhất định đời này chúng ta sẽ vãng sanh!”. Chúng ta lập chí thì chúng ta có động lực, nguyện lực để xả bỏ những cám dỗ thường tình. Phật nói: “Vì chúng sanh không tiếp nhận được pháp Nhất Thừa, nên ta phải nói pháp Nhị Thừa, Tam Thừa”. Pháp Nhất Thừa là pháp giúp chúng ta trở thành Phật. Chúng ta tự cho rằng làm Phật rất khó. Chúng ta không lập chí thì năng lượng của tâm sẽ bị hạn chế.
Khi Lục Tổ Huệ Năng gặp Ngũ Tổ thì Lục Tổ Huệ Năng chỉ là người tiều phu, không biết chữ. Lần đầu tiên gặp mặt, Ngũ Tổ hỏi Lục Tổ: “Ông đến đây để làm gì?”. Lục Tổ đã trả lời: “Con đến đây làm Phật!”. Chúng ta lập nguyện lớn thì động lực lớn, năng lực của tâm sẽ rộng mở. Chúng ta bận tâm bởi những việc nhỏ hàng ngày thì tâm tình của chúng ta sẽ xốc nổi. Thời tiết có khi chợt nắng, chợt mưa hoặc chợt nổi sấm, tâm tình của chúng ta cũng như vậy thì chúng ta sẽ rước lấy bệnh khổ. Đa phần bệnh khổ là do chúng ta tự rước lấy!
Tu hành không phải là làm những việc lớn lao mà chúng ta phải bắt đầu từ việc kiểm soát khởi tâm động niệm của chính mình, không để hoàn cảnh bên ngoài sai sự. Chúng ta tu hành không phải là chúng ta không còn cảm xúc mà chúng ta vẫn có cảm xúc buồn, vui nhưng những cảm xúc này không lưu lại trong tâm. Có những người, họ chỉ cảm thấy cuộc đời ý nghĩa khi họ được ở dưới ánh đèn sân khấu. Chúng ta tu hành có công phu là chúng ta có thể đến, có thể đi nhưng tâm chúng ta vẫn định tĩnh, không bị chi phối bởi hoàn cảnh.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta muốn khỏe mạnh, không bị bệnh tật thì chúng ta phải hiểu được lý luận, phương pháp. Phương pháp là chúng ta luôn chuyển cảnh chưa không để hoàn cảnh chuyển chúng ta”. Nếu người khác không quan tâm chúng ta, không trọng dụng chúng ta mà chúng ta cảm thấy không vừa lòng thì chúng ta đã bị hoàn cảnh chuyển.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta không hiểu được phương pháp chuyển cảnh, chúng ta tùy thuận theo cảnh thì chúng ta đã bị cảnh chuyển. Chúng ta không làm chủ được hoàn cảnh vậy thì khổ từ đây mà ra!”. Chúng ta tiếp xúc với rất nhiều hoàn cảnh, thuận cảnh thì chúng ta vui, cảnh nghịch thì chúng ta buồn vậy thì đúng như Hòa Thượng nói: “Chúng ta không khổ thì ai khổ!”. Khổ là do chính chúng ta. Chúng ta thường lấy lý do: “Tại, bởi, vì, là” thì chúng ta vẫn là phàm phu. Nếu cảm xúc nổi lên thì chúng ta phát hiện sớm và chặn chúng ngay từ trong ý niệm.