136Thứ Hai, 03/10/2022, 14:21
1023 · Phật Cùng Ma Đều Là Tâm Của Chính Mình Biến Hiện Ra

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu, ngày 30/09/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1023

“PHẬT CÙNG MA ĐỀU LÀ TÂM CỦA CHÍNH MÌNH BIẾN HIỆN RA”

Nhà Phật có câu: “Nhất thiết duy tâm tạo”. Tất cả đều cho tâm chúng ta biến hiện. Nếu tâm chúng ta giác thì chúng ta tường tận mọi sự, mọi việc. Tâm chúng ta mê thì mọi thứ đều không rõ ràng. Tâm chúng ta Giác – Chánh - Tịnh thì ta là Phật. Tâm chúng ta là Mê – Tà - Nhiễm thì chúng ta là phàm phu. Chúng ta là Phật hay Ma đều do chính chúng ta quyết định.

Từ sáng đến chiều, tâm chúng ta ở trong trạng thái Giác – Chánh - Tịnh ít, ở trong trạng thái Mê – Tà - Nhiễm nhiều. Chúng ta sống ở trong cảnh giới của Ma nhiều hơn ở trong cảnh giới của Phật. Tâm chúng ta ở trong trạng thái Giác – Chánh - Tịnh trong một khoảng thời gian rất ngắn thì bị trạng thái Mê – Tà - Nhiễm che lấp. Điều này giống như chúng ta dùng hòn đá ném xuống ao thì bèo dạt ra nhưng sau ít giây thì bèo lại chụm lại như cũ. Trạng thái Giác – Chánh – Tịnh chỉ le lói như tia sáng yếu ớt còn trạng thái Mê – Tà – Nhiễm thì rất dày. Chúng ta cần biết rõ trạng thái nội tâm của mình để chúng ta đối trị. Tập khí nào nặng thì chúng ta phải cảnh giác để chúng ta kịp thời phản tỉnh.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta học Phật nhưng chúng ta khởi lên ý niệm đều là vì chính mình. Đó là ý niệm “tự tư tự lợi”. Phật Bồ Tát luôn vì chúng sanh lo nghĩ. Chúng ta và Phật Bồ Tát khác nhau là ở chỗ này!”. Chúng ta muốn làm Phật Bồ Tát thì chúng ta phải khởi tâm động niệm vì lợi ích của tất cả chúng sanh. Nếu chúng ta làm được điều này thì chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui vô tận trong nội tâm. Chúng ta mỗi niệm đều vì mình lo nghĩ nên chúng ta có phiền não.

Khi tôi dịch bộ đĩa Hoà Thượng giảng giải về “Kinh Vô Lượng Thọ”, tôi rất cảm xúc với câu nói: “Phật hiệu chúng ta có thể gián đoạn nhưng Phật tâm không thể gián đoạn”. Tôi phản tỉnh xem mình có tâm của Phật không. Tâm của Phật là tâm vị tha, vô ngã, vì chúng sanh. Nhiều người miệng niệm Phật như cái máy nhưng họ không dùng tâm Phật để niệm Phật. Họ dùng tâm Mê – Tà – Nhiễm để niệm Phật. Tổ Sư Đại Đức đã nói: “Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, đau mồm rát họng chỉ uổng công”. Bà Hứa Triết, Cư sĩ Lý Mộc Nguyên cả ngày bận rộn vì chúng sanh, không có thời gian ăn ngủ. Một ngày họ chỉ cần niệm một vài câu Phật thì tâm họ đã tương ưng với tâm Phật.

Chúng ta mãi là chúng sanh vì chúng ta không rời được cái ta, cái của ta. Nếu chúng ta khởi tâm động niệm chỉ vì người thì tâm chúng sẽ rất an ổn. Hôm qua trời mưa, tôi tranh thủ trồng rau vì trời mưa rau sẽ nhanh phát triển xanh tốt. Chúng tôi cắt được 50 túi rau để tặng cho mọi người. Chúng tôi trồng rau cả ngày nhưng nội tâm rất an vui. Nếu khi đó, tâm “tự tư tự lợi” nổi lên, tôi sợ trời mưa sẽ làm mình mệt, ốm thì tôi sẽ có thể ốm.

Hòa Thượng nói: “Người xưa dạy chúng ta phải bắt đầu từ đại căn, đại bổn đó là chúng ta phải chuyển đổi tâm của mình. Chúng ta đem vọng tâm đổi thành tâm chân thành. Chúng ta đem tâm xảo trá, hư ngụy đổi thành tâm thành thật”. Chúng ta làm được như vậy thì chúng ta đã chuyển từ phàm thành thánh. Một ngày, chúng ta tụng nhiều bộ Kinh, lạy nhiều ngàn lạy mà tâm chúng ta không thay đổi thì chúng ta chỉ có được một chút phước báu.

Chúng ta không chỉ dùng tâm chân thành với người trong gia đình mà chúng ta dùng tâm chân thành với tất cả chúng sanh. Một người phạm pháp cần được pháp luật trừng trị nhưng chúng ta cho rằng làm vậy là không từ bi với họ. Đó là chúng ta “từ bi đa họa”. Chúng ta từ bi phải có trí tuệ. Con chúng ta làm sai thì chúng ta phải giáo dục và phải nhờ đến sự giáo dục của pháp luật. Nhiều người yêu thương con một cách mù quáng.

Em trai của tôi lấy tiền của người này cho người khác vay nhưng sau đó bị vỡ nợ. Em tôi có gọi điện cầu cứu tôi nhưng tôi từ chối giúp đỡ. Nếu tôi có tiền thì tôi cũng không giúp em tôi trả nợ vì đó là tiền để lợi ích chúng sanh. Sau đó, tôi chỉ cho em một chút tiền để trang trải cuộc sống. Tôi không giúp họ để họ không còn làm những việc sai trái. Có người bị anh chị lừa nhiều lần nhưng vẫn để bị lừa đó là yêu thương một cách mù quáng. Phật dạy chúng ta vì tất cả chúng sanh chứ không phải chúng ta chỉ vì những người trong gia đình mình.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook