
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Bảy, ngày 01/10/2022.
***********************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1024
“ĐỜI NÀY CHÚNG TA PHẢI DÙNG TRÍ TUỆ ĐỂ CHỌN ĐƯỜNG ĐI”
Người thế gian nói: “Giang sơn khó đổi, bản tính khó dời”. Nhiều người cố chấp nên họ không nhận ra là họ đã làm sai. Có những người đã biết mình làm sai nhưng họ sợ mất thể diện nên họ không chịu quay đầu. Điều này giống như, chúng ta muốn đi thành phố Hồ Chí Minh nhưng chúng ta bước lên xe ra Hà Nội. Chúng ta cho rằng mình ra Hà Nội thì mình cũng sẽ tới được thành phố Hồ Chí Minh. Chúng ta cũng sẽ tới nhưng chúng ta phải tốn rất nhiều thời gian, sức lực, tiền bạc. Chúng ta phải cố gắng thay đổi những sai lầm của mình. Kiếp người rất ngắn ngủi, không có nhiều thời gian để chúng ta lặp lại, sửa sai. Hòa Thượng nói: “Cả đời tôi không phải đi qua những con đường oan uổng”.
Tôi làm rất nhiều việc nhưng trong tâm tôi rất an vui. Hôm qua, tôi và mọi người gói hai nồi bánh tét gần 40 chiếc. Đến giờ ngủ tôi ngủ một giấc sâu, không nằm mộng. Khi tỉnh dậy tôi rất tỉnh táo, không mơ hồ. Sáng nay, khi tôi đọc bài, có phần các học trò viết về những tâm đắc về cuộc đời của Hòa Thượng, Ngài cả đời “từng ly từng tý” vì người không có một chút vì mình. Khi Ngài bệnh, Ngài biết thời gian dành cho chúng sanh không còn nhiều nên Ngài càng nỗ lực nhiều hơn.
Chúng ta làm việc nhưng chúng ta luôn cảm thấy phiền não. Bài hôm qua chúng ta học có nội dung là “Tốt xấu chính ở tâm ta”. Hàng ngày, nếu tâm chúng ta ở trạng thái Giác – Chánh – Tịnh, Giác là không mê, Chánh là không tà, Tịnh là không nhiễm thì chúng ta là Phật Bồ Tát. Nếu hàng ngày tâm chúng ta ở trạng thái Mê – Tà – Nhiễm thì chúng ta là một phàm phu, một phàm phu đầy phiền não. Điều này rất dễ nhận ra, chúng ta biết chúng ta sai thì chúng ta phải mau nhận ra để mau quay đầu. Nếu chúng ta không chịu quay đầu thì khi vô thường, sinh tử đến chúng ta muốn thay đổi cũng không kịp nữa.
Kiếp người rất ngắn ngủi, vô thường có thể đến bất cứ lúc nào, một hơi thở ra mà không thở vào thì chúng ta đã sang một kiếp khác. Rất nhiều tỉ phú kim cương, tỉ phú dầu mỏ, có rất nhiều tiền cũng đột ngột qua đời. Nhà Phật nói lên sự vô thường không phải để dọa chúng ta mà để chúng ta chân trọng cái đang có. Chúng ta dùng thân vô thường này để làm ra những việc chân thường. Người biết thời gian của kiếp sống rất ngắn thì họ biết trân trọng thời gian sống. Họ không hoang phí thời gian vào ăn, ngủ, buồn vui, thương ghét, giận hờn.
Hòa Thượng nói: “Phật Bồ Tát đến thế gian để tiếp độ chúng sanh khổ nạn. Các Ngài luôn vì chúng sanh lo nghĩ. Vậy thì chúng ta đến thế gian này làm gì? Vấn đề này tôi đã nghĩ đến khi tôi còn rất nhỏ”. Chúng ta đến thế gian này có phải để hy sinh phụng hiến, để bao dung, để tha thứ không? Rất nhiều người đến thế gian này để hưởng thụ, họ chìm đắm trong buồn vui, thương ghét, giận hờn. Họ chìm đắm trong ngũ dục, khi không được thỏa mãn thì họ phiền não. Sự thỏa mãn niềm vui của thế gian chỉ là nhất thời. Sau niềm vui nhất thời sẽ là khổ đau. Thí dụ chúng ta vui vì chúng ta có tiền nhưng nếu bị mất tiền thì chúng ta buồn. Chúng ta được ăn ngon nhưng khi ăn no quá thì chúng ta lại buồn.
Niềm vui chân thật là niềm vui của sự xa lìa sự sai khiến của tập khí, phiền não. Chúng ta phải làm chủ được tập khí, phiền não. Tôi có một người học trò rất sợ bóng tối, không dám ngủ một mình. Khi hai vợ chồng trả góp xong tiền mua nhà thì anh lại muốn đổi sang một ngôi nhà khác lớn hơn. Anh là người tu hành, người vợ anh là người không biết tu nhưng cô đã nói rằng nếu anh tiếp tục làm để mua nhà thì anh sẽ lại phải đi kiếm tiền, anh sẽ không còn thời gian để nghỉ ngơi, tu hành. Anh muốn đổi nhà vì anh thấy người khác có nhà to hơn. Đó là anh đã bị dục vọng sai khiến.
Thích Ca Mâu Ni Phật là thái tử, nhưng Ngài đã từ bỏ tất cả vinh hoa, phú quý. Ngài chọn đời sống ba y một bát, nửa ngày ăn một bữa, dưới gốc cây ngủ một đêm. Phật cùng tăng đoàn hàng ngày đi khất thực. Vua Cha Tịnh Phạn khi nghe tin Phật và tăng đoàn đi ăn xin thì ông liền muốn gọi Ngài về để vua nuôi. Thích Ca muốn hòa mình vào với thế gian, Ngài muốn giúp chúng sanh phát được tâm chia sẻ, cúng dường các bậc tu hành. Gần 3000 năm rồi nhưng mọi người vẫn rất kính ngưỡng Ngài. Ngài đã dùng thân vô thường để làm nên những việc chân thường.
Hòa Thượng cả một đời không quản tiền, không quản việc, không quản người. Khi Ngài mất hàng triệu người vẫn làm theo tấm gương của Ngài. Pháp sư Ngộ Đạo đã đi theo Hòa Thượng mấy chục năm, Ngài đã chứng kiến Hòa Thượng mang tất cả tiền ra giúp người nghèo, mở trường học, in Kinh sách tặng khắp nơi trên thế giới. Có một trưởng lão khuyên Ngài Ngộ Đạo nên dành tiền mua tịnh thất để nếu người khác đuổi đi thì cũng không phải ra trạm xe lửa ở. Ban đầu Ngài Ngộ Đạo cũng động tâm nhưng sau đó Ngài vẫn làm theo tấm gương của Hòa Thượng. Ngài Ngộ Đạo nói rằng mấy chục năm qua Ngài luôn có nơi tử tế để ở chưa phải ra trạm xe lửa ở lần nào!
Phật Bồ Tát, Thánh Hiền Nhân hay những tấm gương trong cuốn “100 tấm gương đức hạnh Việt Nam” luôn vì người mà hy sinh phụng hiến. Chúng ta chỉ hy sinh để thỏa mãn dục vọng của bản thân. Chúng ta phải học theo các bậc Thánh Hiền, các Ngài mượn thân vô thường để làm nên những việc phi thường. Mỗi chúng ta đều có năng lực này. Chúng ta toàn tâm toàn ý vì người mà lo nghĩ thì năng lực của chúng ta sẽ dần được hoàn thiện. Khi có người tặng một bao quả vả, ban đầu tôi cũng không biết cách làm nhưng tôi muốn kho thật ngon cho mọi người ăn nên tôi đã tự nghĩ ra cách làm. Lục Tổ Huệ Năng đã nói: “Nào ngờ tự tánh vốn sẵn đầy đủ. Nào ngờ tự tánh năng sanh vạn pháp”.
Hòa Thượng nói: “Năm 13, 14 tuổi tôi đã nghĩ đến vấn đề “Tại sao ta đến thế gian này?”. Nếu con người nghĩ đến điều này thì họ sẽ có sự phản tỉnh. Hiện tại, thế gian này xảy ra tai nạn triền miên, chúng ta phải có tâm đồng cảm với chúng sanh trên khắp thế giới. Chúng ta phải dùng hết khả năng để giúp đỡ họ. Hồi nhỏ, tôi nghĩ muốn giúp đỡ người thì phải có tiền nên tôi nghĩ đến việc mình phải làm kinh tế. Nhưng sau đó tôi nhận ra giúp người về kinh tế thì họ vẫn không thoát khỏi khổ đau, phiền não”.
Hiện tại, thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh vẫn đang diễn ra khắp nơi trên thế giới. Nước chúng ta vẫn đang bị ảnh hưởng bởi mưa bão. Chúng ta may mắn được sống trong bình yên, chúng ta phải đồng cảm với tất cả chúng sanh trên thế giới. Chúng ta không có tài lực nhưng chúng ta có tâm lực. Chúng ta không chỉ vì chúng sanh trên hành tinh này mà chúng ta phải mở tâm đối với tất cả chúng sanh trong tận cùng hư không pháp giới. Trên trang “Nhidonghocphat.com”, tôi có viết một câu của người xưa là: “Từ bi trùm pháp giới. Thiện ý khắp nhân gian”.
Hòa Thượng nói: “Sau đó tôi nghĩa rằng Triết học có thể giúp con người thay đổi ý thức hệ nên tôi đi học Triết học. Nhưng Triết học cũng không giúp con người thoát khổ một cách viên mãn nên sau cùng tôi đã chọn Phật học. Năm 26 tuổi tôi đã chính thức tiếp cận Phật pháp, tôi thân cận với Đại Sư Chương Gia”. Chúng ta làm sai thì chúng ta phải chọn lại. Có những người làm sai nhưng không muốn thay đổi. Có một gia đình, khi con họ mất thì họ đã đúc tượng con để thờ. Họ lập một ngôi đình rất lớn để thờ tượng con. Họ muốn rút toàn bộ tiền ra để đưa cho người quản lý để duy trì hoạt động của ngôi đình. Rất nhiều Cao Tăng Đại Đức đến đó nhưng không thể khuyên được họ. Nếu họ dùng tiền đó để cứu giúp người nghèo, xây nhà, xây trường cho họ thì những người được giúp đỡ sẽ luôn nhớ tên họ. Chúng ta giúp người có cơm, áo, gạo, tiền nhưng họ vẫn phiền não, khổ đau. Chỉ có Phật pháp chân thật giúp ích được con người. Phật pháp giúp chúng ta kiếp sống này được an vui không bị chi phối bởi dục vọng, đời sau thì được sinh về cõi an lành.
Có người hỏi tôi làm thế nào để có được công đức, phước báu. Tôi bảo họ, có rất nhiều việc cần làm ở ngay trước mắt mà ông không nhìn ra. Nhà ông ở khu vực xa xôi hẻo lánh, tôi phải đi bộ 2km để đến đó vì xe không vào được. Tôi bảo ông hàng ngày cuốc lại, làm lại con đường thì dù khi ông mất, mọi người vẫn luôn nhớ đến công ơn ông. Nhiều người cho rằng phải làm những việc lớn lao, phải đi cúng dường ở những pháp hội lớn thì họ mới có công đức. Họ không quan tâm đến những người khổ nạn ở ngay xung quanh. Người xưa nói: “Không có công đức nào lớn hơn việc đắp cầu, bồi lộ”. Rất nhiều những bậc tu hành, những người có đức hạnh cũng sẽ đi trên những con đường đó.
Chúng ta làm sai thì chúng ta phải dùng trí tuệ để chọn lại. Chúng ta không có trí tuệ thì chúng ta nhờ trí tuệ của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền. Ngày trước, tôi cũng đã từng không có trí tuệ. Tôi đã từng chìm đắm trong hưởng thụ “danh vọng lợi dưỡng”. Khi tôi dịch đĩa Hòa Thượng, tôi thấy tấm gương cả đời hy sinh phụng hiến của Ngài thì tôi đã làm theo. Chúng ta đừng cố chấp theo sự hiểu biết hạn hẹp của chính mình. Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta chọn đúng con đường thì chúng ta nhất định có kết quả tốt!”. Cả cuộc đời của Hòa Thượng là bài pháp thân giáo viên mãn cho chúng ta!
***********************
Nam Mô A Di Đà Phật
Chúng con xin tùy hỷ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!
Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy còn lộn xộn, còn nhiều sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!