108Thứ Hai, 03/10/2022, 14:21
1020 · Người Thành Thật Thì Không Có Hoài Nghi

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba, ngày 27/09/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1020

“NGƯỜI THÀNH THẬT THÌ KHÔNG CÓ HOÀI NGHI”

Người thành thật thì sẽ không có hoài nghi, người còn hoài nghi thì người đó là người không thành thật. Ngày nay, nhiều người có hoài nghi nhưng họ không nói ra mà họ tỏ ra mình là người thành thật. Trong cuốn “Quần Thư Trị Yếu” có kể câu chuyện về một ông vua, ông muốn may bộ quần áo bằng chất liệu vô cùng đặc biệt. Có một người thợ may nói rằng ông có thể may bộ quần áo bằng chất liệu mà chỉ những người cực thông minh có thể nhìn thấy bộ quần áo đó. Hàng ngày, người thợ may ra vẻ chăm chỉ may. Vua cử vị quan đại thần đến xem thì vị quan đại thần không hề nhìn thấy bộ quần áo. Mặc dù vậy, nhưng ông không muốn mọi người nghĩ ông là người ngu dốt nên ông vẫn tâu với vua là bộ quần áo đó rất đẹp. Khi bộ quần áo may xong, nhà vua mặc bộ quần áo đó ra đường, ai cũng tán thán là bộ đồ rất đẹp. Chỉ có một cậu bé nhìn thấy vậy liền cười và nói rằng nhà vua chỉ mặc một chiếc quần đùi ra đường. Nhà vua xấu hổ quá liền quay trở về hoàng cung. Trong câu chuyện trên, mọi người đều chạy theo ảo danh, ảo vọng, không ai dám nói ra sự thật!

Nhiều người trong tâm có nghi ngờ nhưng họ không dám nói ra nên họ tu hành sai. Người chân thật không có hoài nghi, chúng ta không phải là người hoàn toàn chân thật nên chúng ta có nghi. Chúng ta có nghi thì chúng ta phải giải. Người thành thật thì trong đầu không có một chút vọng niệm. Trong tâm chúng ta có rất nhiều vọng niệm. Những vọng niệm đó là thị phi nhân ngã, phải quấy, tốt xấu, đúng sai.

Hòa Thượng nói: “Người thành thật thì trong tâm họ chỉ có một câu “A Di Đà Phật”. Chúng ta là những người không thành thật nên chúng ta có rất nhiều vọng niệm. Chúng ta cần nghe lời giáo huấn của Đại Đức xưa. Chúng ta phải giải và hành đồng thời”. Các pháp khác thì giải xong thì họ sẽ hành, pháp niệm Phật thì giải và hành đồng thời. “Giải” là hiểu. Hiểu giúp chúng ta có thể Hành. Hành lại giúp chúng ta hiểu rõ hơn.

Hòa Thượng nói: “Giải giúp chúng ta đoạn nghi sinh tín. Chúng ta hoàn toàn không còn hoài nghi, chúng ta hoàn toàn tin thì chúng ta có thể không cần đọc Kinh, không cần nghe giảng Kinh”. Chúng ta vẫn đang là phàm phu đầy hoài nghi nên chúng ta phải đọc Kinh, nghe giảng Kinh. Chúng ta học tập theo những lời giảng của Tổ Sư Đại Đức. Chúng ta vừa học tập vừa niệm Phật. Chúng ta còn nhiều hoài nghi, chúng ta chưa có niềm tin với tha thiết với pháp môn Tịnh Độ. Nếu chúng ta chưa giải được hết những nghi hoặc thì chúng ta niệm Phật trong sự nghi ngờ. Người xưa không cần học vì họ không có nghi ngờ.

Ngày trước, Hòa Thượng Đế Nhàn bảo ông thợ vá nồi về một ngôi chùa nhỏ, hẻo lánh để niệm Phật. Ông niệm Phật khi nào mệt thì nghỉ, hết mệt thì lại niệm tiếp. Hòa Thượng Đế Nhàn sắp xếp người hàng ngày nấu cơm cho ông. Ông chân thật nghe lời Thầy. Sau 3 năm thì ông đứng vãng sanh. Ông đứng suốt 3 ngày để chờ Hòa Thượng Đế Nhàn đến lo hậu sự. Đó là người lão thật, thành thật niệm Phật, không có hoài nghi. Hòa Thượng nói: “Người thành thật, một câu “A Di Đà Phật” niệm đến cùng thì chỉ cần sau 3 năm, 5 năm đã thành công”.

Pháp sư Cụ Hành, là học trò của Hòa Thượng Hư Vân, ông là một người chân quê, chất pháp. Ông xin vào chùa làm công quả. Hòa Thượng dạy ông niệm Phật. Ông vừa làm việc vừa niệm Phật, không nghĩ ngợi. Ông làm tất cả những việc khó khăn không nề hà. Một hôm, khi một ngôi tháp vừa xây xong thì ông hỏi Thầy là ông có thể vào trước được không. Hòa Thượng Hư Vân nói, nếu ông vãng sanh trước thì ông có thể vào đó trước. Sau đó, một hôm dân làng nhìn thấy phía sau chùa rực sáng, họ cho rằng chùa bị cháy nên họ mang nước đến dập lửa. Họ nhìn thấy Pháp sư Cụ Hành đang ngồi, người ông phát ra ánh sáng hào quang. Khi ông vãng sanh ông đã tự phát ra lửa tam muội để thiêu xác. Khi Hòa Thượng Hư Vân cầm khánh ra gõ ba tiếng và nói: “Ông có thể đi rồi!”, thân của Ngài Cụ Hành đổ xuống.

Hòa Thượng Hải Hiền khi vãng sanh thì lưu lại toàn thân xá lợi. Trong “Kinh Đại Tạng”, Phật nói: “Một câu “A Di Đà Phật” là Vô Thượng Thâm Diệu Thiền, là đại thần chú, đại minh chú, đẳng đẳng chú, tổng trì của các thần chú”. Một câu “A Di Đà Phật” là tam tạng Kinh điển. Mười hai bộ Kinh lớn của nhà Phật đều có trong câu “A Di Đà Phật”!

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook