242Thứ Hai, 26/09/2022, 20:33
1019 · Tâm Bố Thí Càng Lớn Thì Phiền Não Càng Nhẹ

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Hai, ngày 26/09/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1019

“TÂM BỐ THÍ CÀNG LỚN THÌ PHIỀN NÃO CÀNG NHẸ”

Chúng ta có nhiều phiền não vì chúng ta chưa mở được tâm bố thí. Tâm bố thí của chúng ta càng lớn thì phiền não của chúng ta càng nhẹ. Chúng ta làm việc gì cũng tính toán được mất, hơn thua, lời lỗ. Tổ Ấn Quang dạy chúng ta: “Niệm Phật phương năng tiêu túc nghiệp. Kiệt thành tự khả chuyển phàm tâm”. Chúng ta siêng năng niệm Phật thì chúng ta có thể tiêu được nghiệp. Tâm chúng ta chân thành đến mức tột đỉnh thì sẽ chuyển được tâm phàm của chính mình. Tâm chúng ta mở rộng được đến hư không, pháp giới thì chúng ta có thể dung chứa được cả hư không, pháp giới. Khi chúng ta làm một việc, chúng ta chỉ cần tận tâm, tận lực làm vì chúng sanh. Chúng ta không mong cầu là việc đó phải tốt, việc đó phải diễn ra như chúng ta sắp đặt. Chúng ta hiểu rằng, việc thành là do chúng sanh nơi đó có phước, việc không thành là do chúng sanh nơi đó chưa đủ phước.

Hòa Thượng khuyên chúng ta bố thí. “Bố thí” không phải là bố thí vật chất, tiền bạc, bố thí thức ăn mà chúng ta phải bố thí tập khí, phiền não của chính mình. Tiền bạc, vật chất chỉ là vật ngoài thân. Chúng ta phải bố thí đi tâm bỏn xẻn, tâm đố kỵ đang làm chúng ta phiền não. Có người hàng ngày đi bố thí bằng cách phát cơm, cháo nhưng họ làm với tâm đầy phiền não. Tôi cũng đã khuyên họ nhiều lần. Chúng ta phải bố thí đi sự “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham sân si mạn” của chính mình. Chúng ta bố thí đi những tập khí, phiền não này thì phiền não của chúng ta sẽ nhẹ dần. Chúng ta bố thí nhiều tiền nhưng chúng ta cảm thấy tiếc thì phiền não của chúng ta càng lớn.

Chúng ta bố thí mà tâm chúng ta phiền não thì tốt nhất chúng ta đừng làm! Người xưa nói: “Việc tốt không bằng không làm”, “Việc tốt lắm giày vò”. Chúng ta bố thí mà tâm chúng ta “giày vò” thì tốt nhất chúng ta đừng bố thí! Người xưa đã làm ra biểu pháp để khải thị cho chúng ta. Bàng Cư sĩ đã chất toàn bộ tài sản lên thuyền, khi thuyền ra giữa sông thì Ngài đục thuyền để thuyền chìm ở giữa dòng. Sau đó, Ngài trở về, hàng ngày đan dép cỏ sống qua ngày. Chúng ta phải mở tâm trước khi chúng ta mở túi tiền. Nếu chúng ta mở túi tiền trước thì chúng ta sẽ cảm thấy tiếc. Khi đó, chúng ta muốn đòi lại thì chúng sanh cũng không có để trả. Nhiều người bố thí vì họ muốn thể hiện họ là người giàu sang nên họ càng bố thí thì càng dính mắc vào “danh vọng lợi dưỡng”.

Hôm qua, chúng ta tổ chức “Lễ tri ân Cha Mẹ, Vợ Chồng ở thành phố Bắc Ninh” rất thành công. Khi buổi Lễ tổ chức xong, tôi từ chối mọi lời mời ở lại ăn cơm để tôi quay về nhà. Tôi nấu mì ăn và đi ngủ sớm để sáng nay dậy sớm chia sẻ. Khi chúng ta gánh vác sứ mạng hoằng trì giáo dục Phật Đà, giáo dục Thánh Hiền thì thời gian, sức khỏe này không phải của chúng ta mà là của chúng sanh. Chúng ta phát được tâm này thì đó là tâm bố thí. Chúng ta có tâm này thì chúng ta đã có phước báu vô lượng, chúng ta đã chuyển được tâm phàm thành tâm Thánh.

Hàng ngày, tâm chúng ta chỉ lo nghĩ việc cá nhân, thỏa mãn dục vọng của cá nhân thì phiền não của chúng ta sẽ lớn. Hôm qua, chúng ta ăn ở nhà hàng chay rất sang trọng nhưng tôi cũng chỉ ăn một ít đậu, một ít rau. Chúng ta tùy tiện ăn uống thì sẽ không tốt cho sức khỏe. Tôi ăn uống đơn giản chỉ cần một ít rau, đậu, không cho hạt nêm, mì chính. Nếu tối qua tôi ở lại ăn cùng mọi người thì chúng tôi lại sẽ vào nhà hàng ăn và trở về nhà muộn. Sáng nay, tôi sẽ không có đủ sức khỏe để dậy sớm chia sẻ pháp. Phật nói: “Tất cả đều là nhân duyên tốt”. Chúng ta là phàm phu nhưng chúng ta chuyển được nội tâm thì chúng ta chuyển được cảnh giới.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải thường giữ tâm bố thí, ý niệm bố thí, hành vi bố thí. Không luận là tài thí, pháp thí hay vô úy thí, chỉ cần gặp được duyên thì chúng ta tận tâm tận lực làm”. Bố thí của nhà Phật thì nhất định có lợi ích với chúng sanh. Người thế gian bố thí có lợi nhưng cũng có hại chúng sanh. Phật Bồ Tát bố thí thì chân thật có lợi cho chúng sanh, không có hại cho chúng sanh. Thí dụ, mấy hôm nay có một công ty Bảo hiểm mời tôi đi ăn để tri ân khách hàng. Gói Bảo hiểm cũ tôi đóng cho con gái sắp hết hạn nên họ muốn mời tôi mua gói Bảo hiểm khác. Họ dùng mỹ từ để nói với tôi nhưng mỹ từ đó không chân thật. Trong “Bồ Tát chí nhạo Kinh” nói: “Thời kỳ Mạt Pháp, Ma tử, Ma tôn dùng tất cả những mỹ từ của Phật pháp để lừa gạt chúng sanh”. Họ dùng tất cả những mỹ từ của Phật pháp nên chúng ta không cẩn trọng thì sẽ bị họ lừa.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook