Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Bảy, ngày 24/09/2022.
***********************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1017
“TIẾT PHƯỚC, TÍCH PHƯỚC LÀ ĐỂ LỢI ÍCH CHÚNG SANH”
Hòa Thượng nói: “Chúng ta có những tiện nghi để chúng ta hưởng thụ nhưng chúng ta không dùng mà chúng ta để dành cho chúng sanh”. Trong cuốn sách “Gương sáng người xưa” cũng nói: “Đồ cũ không dùng cho đi vẫn hữu dụng. Nhịn một, hai bữa tiệc tùng để cho đi người nghèo đói”. Chúng ta nhịn một, hai buổi tiệc tùng thì có thể cứu sống một gia đình. Chúng ta không tùy tiện hưởng thụ mà để dành những phần đáng để hưởng thụ đó để lợi ích chúng sanh.
Trong tên của “Bồ Tát Quán Thế Âm”, từ “Quán” có nghĩa là lắng nghe. Ngài lắng nghe được nỗi khổ của chúng sanh để cứu giúp. Chúng ta thờ ơ với nỗi khổ của chúng sanh thì chúng ta không thể mở được tâm từ bi. Khi tôi còn đi dạy học, tôi dặn học trò đừng bao giờ mời tôi khi họ tổ chức đi chơi hay đi ăn uống. Tôi đi đến các nước Anh hay Mỹ tôi cũng chưa bao giờ đi tham quan. Tôi chỉ tận tâm tận lực tìm cơ hội để chia sẻ với mọi người về Phật pháp, về đạo đức Thánh Hiền.
Chư Phật Bồ Tát độ chúng sanh vô cùng gian khổ, các Ngài nói hàng vạn, hàng triệu lần chúng sanh cũng chưa giác ngộ. Chúng ta học với Hòa Thượng, chúng ta phải học theo tấm gương của Ngài. Hoà Thượng khởi tâm động niệm đều vì chúng sanh lo nghĩ. Ngài luôn lo nghĩ đến sự giác ngộ, giải thoát của chúng sanh. Ngài dạy chúng ta để khi chúng ta ở thế gian, chúng ta là một con người hoàn thiện, khi rời khỏi thế gian chúng ta làm được Phật Bồ Tát. Ngài không bao giờ nhắc đến “danh vọng lợi dưỡng”, “vinh hoa phú quý” vì trong tâm Ngài không có những thứ này. Khi Đài truyền hình mời Ngài lên giảng, họ yêu cầu Ngài đánh phấn che mất nếp nhăn, vết đồi mồi nhưng Ngài từ chối. Ngài cho rằng việc làm đó là lừa gạt chúng sanh. Bồ Tát phải tu 100 kiếp để có tướng hảo. Nhiều người tích cực làm việc lợi ích chúng sanh nên chỉ một thời gian ngắn thì diện mạo của họ cũng hoàn toàn thay đổi.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta đương nhiên cần tiền tài, vật chất, nhưng chúng ta dùng tiền tài, vật chất để thúc đẩy sự nghiệp giáo dục của Phật đà, của Thánh Hiền. Chúng ta không cần tiền tài, vật chất để hưởng thụ. Nếu chúng ta ham muốn hưởng thụ vật chất thì chúng ta đã đọa lạc rồi!”. Đây là lời của những vị Thầy chân chính, những bậc chân tu.
Hòa Thượng nói: “Người xuất gia không cần tích chứa tiền bạc. Người thế gian có thể tích chứa tiền tài nhưng tiền tài đó dùng thúc đẩy giáo dục Phật Đà, giáo dục của Thánh Hiền để mang lại lợi ích cho chúng sanh”. Hòa Thượng đã nói và làm ra biểu pháp cho chúng ta. Ngài không tích chứa tiền nhưng khi Ngài muốn xây dựng một “Trung tâm giáo dục Đệ Tử Quy” thì có người tự mang tiền đến để Ngài làm. Ngài in rất nhiều Kinh sách tặng cho khắp các nơi trên thế giới.
Hòa Thượng nói: “Có tiền là phước báu, dùng tiền là trí tuệ”. Nếu chúng ta chìm đắm trong “danh vọng lợi dưỡng”, “ngũ dục lục trần” thì chúng ta không có trí tuệ để sử dụng những đồng tiền đó. Những đồng tiền đó sẽ sai sự chúng ta làm những việc phi nghĩa, những việc tạo nghiệp.
Hòa Thượng nói: “Phật pháp đã có từ lâu đời, truyền qua nhiều đời nên có nhiều nội dung bị mai một, sai với bản chính. Ngày xưa, người tu hành sống cuộc sống “An bần, lạc đạo”. Người tu hành có cuộc sống rất thanh bần nên họ đi đến đâu cũng có người thiện tâm đến cúng dường. Xã hội ngày nay thì hoàn toàn khác, mọi người luôn muốn tích chứa tiền tài. Chúng ta chỉ nghĩ đến tiền tài thì đạo tâm của chúng ta sẽ không còn. 3000 năm trước, Phật đã nhìn thấy tường tận xã hội hiện tại, Ngài đã khải thị, nhắc nhở chúng ta vô số lần là “Tích tài, tán đạo”.
“An bần lạc đạo” là an với cái nghèo mà vui với với đạo. Ngài Nhan Hồi là học trò của Khổng Lão Phu Tử, Ngài có cuộc sống rất đạm bạc. Ngài ăn cơm bằng rá trúc, uống nước bằng phễu tre. Khổng Lão Phu Tử nói: “Nhan hồi không muốn thay đổi niềm vui đó!”. Chúng ta không bị dục vọng sai khiến thì chúng ta không cảm thấy khổ. Người tu hành tích tài thì họ không còn đạo tâm. Người thế gian tích tài thì cũng sẽ dẫn đến những mâu thuẫn, những sự đấu tranh vô cùng ác liệt. Hòa Thượng nói: “Người xuất gia hay người tại gia mà xem nặng tiền tài thì họ sẽ không còn đạo tâm”.