
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu, ngày 16/09/2022.
***********************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1009
“ĐỦ DUYÊN THÌ HỢP, HẾT DUYÊN THÌ TAN”
“Đủ duyên thì hợp, hết duyên thì tan” cũng chính là “duyên tụ, duyên tán”. Tất cả chúng ta gặp nhau đều do có nhân duyên. Nếu không có duyên hay hết duyên mà chúng ta cưỡng cầu thì đó là phan duyên.
Những người có duyên sâu nặng thì trở thành người một nhà, gọi là thân bằng quyến thuộc, những người có duyên ít hơn thì trở thành bạn bè. Buổi sáng, chúng ta từ trong nhà bước ra mà chúng ta bị người khác mắng thì đó cũng không phải tự nhiên mà do duyên. Chúng ta đã tạo duyên nợ, oán hận với họ ở một đời trước nên họ vừa gặp mặt thì mắng chúng ta.
Giữa người và người nếu không có duyên thì không bao giờ gặp nhau. Chúng ta biết được điều đó thì chúng ta phải chủ động trong việc tạo duyên. Trong đời quá khứ, chúng ta đã tạo nhân, những nhân này chỉ cần gặp duyên thì sẽ kết thành quả. Nhiều người oán trách tại sao số phận của mình bất hạnh nhưng đó là do chúng ta không chủ động tạo duyên tốt.
Đời này, chúng ta chỉ tiếp cận Thầy tốt, bạn lành, tránh xa Thầy tà, bạn ác. Đó là chúng ta xa lìa nhân ác. Nhân ác không được tiếp nối, dẫn khởi thì sẽ không có quả ác. Rất nhiều người chỉ chọn duyên xấu mà không chọn được duyên tốt. Chúng ta không có phước thì chúng ta sẽ bị dẫn dụ vào một con đường mờ mịt. Nếu chúng ta đã tạo quá nhiều oan gia trái chủ thì họ sẽ dẫn dụ chúng ta đi vào con đường sai lầm để họ tìm cách báo thù chúng ta.
Chúng ta phải “nghe lời, thật làm” theo lời Hòa Thượng dạy. Chúng ta lười biếng, nhếch nhác, muốn có kết quả mà không chịu làm thì chúng ta sẽ bị dẫn dụ theo tà ma, quỷ quái. Nhiều người không muốn tu sửa bản thân mà chỉ muốn có thần thông để khoe khoang với người. Những người này rất đáng thương! Chúng ta không cần biết thần thông mà chúng ta chỉ cần biết làm thế nào để chúng ta không còn “tham, sân, si, mạn”, không còn tự tư ích kỷ.
Hòa Thượng nói: “Trong Kinh điển Phật nói: “Tất cả chúng sanh hữu tình có sự tương hợp đều do duyên. Đủ duyên thì đến hết duyên thì tan”. Giữa người và người không có duyên thì không thể tụ hội. Mối quan hệ nhân duyên rất phức tạp nhưng chúng ta có thể liệt kê thành bốn duyên lớn. Đó là báo oán, trả oán, báo ân, trả ân. Nếu không có bốn duyên này thì con người không thể tụ hội. Một người qua lại với chúng ta đều do có duyên nghiệp trong nhiều đời, nhiều kiếp”.
Duyên sâu dầy thì chúng ta trở thành người một nhà, duyên nhạt thì trở thành bạn bè, nhạt hơn thì thành hàng xóm. Chúng ta đi trên đường, chúng ta gặp một người lạ, họ gật đầu mỉm người với chúng ta thì đây là duyên tốt. Chúng ta gặp một người lạ mà họ không vừa mắt, họ trợn mắt nhìn chúng ta thì đó là duyên không tốt. Không có điều gì xảy ra mà là “đương không”, tự nhiên xảy ra. Tất cả đều do duyên nhiều đời đã kết. Chúng ta đi chung một chuyến đò, một chuyến bay cũng đều do có nhân duyên. Chúng ta đừng oán trách hoàn cảnh mà phải biết rằng do đời trước chúng ta không có tu. Đời này chúng ta không có hàng xóm lương thiện, hài hòa thì do đời trước chúng ta cũng từng làm như vậy. Ngay đời này, chúng ta phải chủ động làm người hàng xóm hài hòa, lương thiện. Đó là chúng ta đã tạo được duyên tốt.
Chúng ta hoan hỷ tiếp nhận duyên xấu thì duyên xấu đó sẽ được hóa giải. Nếu chúng ta không hoan hỷ tiếp nhận thì duyên xấu đó không thể hết. Trong nhà Phật có câu: “Nghiệp tận, tình không ta về nơi ấy”. Nghiệp chưa hết, tình chấp vẫn còn thì chúng ta chưa thể rời được cõi này. Chúng ta trả một lần chưa xong thì chúng ta phải trả nhiều lần. Chúng ta phải trả một lần cho hết đừng để kéo dài qua nhiều đời nhiều kiếp. Hòa Thượng nói: “Món nợ trần gian phải trả cho sạch thì chúng ta mới có thể đi”. Chúng ta trả nhưng chúng ta cảm thấy oan ức, oán giận trong lòng thì chúng ta phải trả nhiều lần.
Người thế gian cũng nói: “Chín bỏ làm mười”. Chúng ta sẵn sàng nhường nhịn, sẵn sàng bỏ qua thì chúng ta có thể trả hết duyên nợ với người. Hôm qua, chúng ta học “Cảm ứng thiên”, có người chia sẻ hàng ngày vợ đều hành lễ tri với ân chồng. Đời này chúng ta là vợ chồng, đời sau nữa chúng ta có thể trở thành Phật Bồ Tát nên chúng ta hành lễ với người cũng là hành lễ với một vị Phật Bồ Tát ở tương lai.
Thánh Hiền dạy chúng ta: “Không nên nhìn sở đoản mà nên nhìn ở nơi sở trường của người”. Đối với người khác chúng ta xem trọng vì chúng ta chỉ thấy sở trường, không thấy sở đoản của họ. Người trong nhà thì chúng ta chỉ thấy sở đoản, không thấy sở trường nên chúng ta thường không có thái độ trân trọng. Khi Thầy Thái giảng về việc: “Chúng ta phải hài hòa, tha thứ cho mọi người”, có người nói rằng họ có thể tha thứ cho tất cả mọi người trừ chồng của họ. Thầy Thái khuyên họ phải nhìn thấy ưu điểm của chồng để kính trọng, tán thán nhưng họ nói họ không tìm thấy điểm tốt nào của chồng. Thầy Thái bái phục họ vì họ đã dũng cảm để lấy một người chồng mà người đó không có bất cứ điểm tốt nào!
Hòa Thượng nói: “Quan hệ vợ chồng không rời khỏi bốn loại duyên này. Chúng ta kết thành vợ chồng thì gọi là duyên tụ. Nếu vợ chồng gặp nhau để báo ân thì cuộc sống vợ chồng sẽ hạnh phúc, hài hòa. Nếu như vợ chồng gặp nhau để báo oán thì sau khi kết hôn họ không thể hòa thuận mà gia đình luôn trục trặc. Tục ngữ có câu: “Ân ái phu thê bất đáo đầu”. Vợ chồng hạnh phúc đến mức nào rồi cũng sẽ ly biệt. Có những người nguyện: “Đời đời kiếp kiếp làm vợ chồng”. Điều này không thể trở thành sự thật, đó chỉ là câu chuyện huyễn tưởng do các nhà tiểu thuyết viết ra”. Trong đời chúng ta tạo nghiệp hoàn toàn khác nhau nên nghiệp cảm khác nhau, đời sau chúng ta không thể đi chung một đường. Không bao giờ có thể có chuyện “Thất thế phu thê, thất thế phụ mẫu”. Làm Vợ chồng, Cha Mẹ đến bảy đời.
Trong “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện” nói: “Chí thân như Cha với con nhưng vì nghiệp cảm nên cũng mỗi người một ngả đường”. Cha Mẹ hay con cái muốn gánh tội cho nhau cũng không được. Chúng ta phải đi thọ báo nghiệp của mình, chúng ta đến nơi nào là do chúng ta tạo nhân duyên với nơi đó sâu dầy. Khi làm “Lễ tri ân Cha Mẹ” cũng có người nói: “Nếu có kiếp sau con xin được làm con của Cha Mẹ”. Chắc chắn có kiếp sau nhưng để tiếp tục kết thành một gia đình thì vô cùng khó.
Người thế gian cũng nói: “Đồng sàng dị mộng”. Chúng ta ngủ chung giường nhưng chúng ta cũng có những giấc mơ khác nhau. Hàng ngày, chúng ta suy nghĩ hoàn toàn khác nhau, chúng ta có dẫn nghiệp khác nhau nên chúng ta sẽ đi về những nơi khác nhau. Đời sau cũng giống như một giấc mộng!
Hòa Thượng nói: “Nhà Phật nói “Duyên tụ, duyên tán”. Đã có sự tụ hợp thì nhất định có sự ly tán”. Phật nói bát khổ trong của kiếp người là: “Sinh – Lão – Bệnh – Tử, cầu bất đắc khổ, ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ”. Bốn cái khổ này không ai có thể thay đổi được. Khi Thái tử Tất Đạt Đa đi dạo bốn cửa thành, Ngài nhìn thấy một người nằm bất động, không còn hơi thở. Ngài hỏi Xa-nặc là người đó bị sao thì Xa-nặc nói: “Người đó đã chết, ai sinh ra trong cuộc đời này cũng phải chết!”. Nhà vua đã cấm Xa-nặc nói về sự già nua, chết chóc nhưng Xa-nặc vẫn nói với Thái tử Tất Đạt Đa: “Cái chết là kết quả cuối cùng của kiếp con người mà không ai có thể thay đổi được!”. Chúng ta hãy trân trọng, dành cho nhau những điều tốt đẹp nhất khi chúng ta còn có duyên tương phùng. Nếu chúng ta làm được như vậy thì khi duyên tan rồi chúng ta sẽ không phải hối hận, luyến tiếc. Khi chúng ta còn đang sum vầy thì chúng ta phải có một thái độ chuẩn bị để chúng ta không ngỡ ngàng khi phải phân ly.
Khi còn nhỏ, tôi có đủ ông bà nội, ông bà ngoại, cô gì chú bác nhưng bây giờ ông bà đều đã mất, cô gì chú bác cũng đã mất gần hết. Đó là sinh ly tử biệt. Nhà Phật nhắc “Duyên hợp, duyên tan” để chúng ta thức tỉnh, chúng ta biết trân trọng nhân duyên. Chúng ta phải nhớ sâu sắc câu: “Cái chết là kết quả cuối cùng của kiếp con người mà không ai có thể thay đổi được!”. Nếu chúng ta không chết đi thì thế hệ sau cũng không thể trưởng thành. Trong “Quần Thư Trị Yếu” có câu chuyện, khi vua Cảnh Công của nước Tề nói với quan đại thần Yến Anh: “Giá như con người không phải chết thì tốt biết mấy!”. Quan đại thần Yến Anh liền nói: “Nếu con người không chết thì người bây giờ làm vua không phải là bệ hạ!”.
Nhà thơ Cao Bá Quát khi đi ngang qua một đám tang, ông dừng lại khóc, ông khóc cho một kiếp con người. Người khác mất thì chúng ta không đau khổ nhưng người thân chúng ta mất chúng ta cảm thấy đau khổ đó là do tình chấp. Chúng ta phải luôn ý thức rằng kiếp con người thì không thể thoát khỏi: “Sinh – Lão – Bệnh – Tử, cầu bất đắc khổ, ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ”. Chúng ta phải hiểu thấu “Đủ duyên thì hợp, hết duyên thì tan” để khi gặp cảnh hợp tan chúng ta không phải đau khổ!
***********************
Nam Mô A Di Đà Phật
Chúng con xin tùy hỉ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!
Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy còn lộn xộn, còn nhiều sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!