110Thứ Năm, 15/09/2022, 11:25
1007 · Tất Cả Chúng Sanh Đều Có Ân Huệ Đối Với Chúng Ta

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư, ngày 14/09/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1007

“TẤT CẢ CHÚNG SANH ĐỀU CÓ ÂN HUỆ ĐỐI VỚI CHÚNG TA”

Hàng ngày, chúng ta cho rằng chúng ta ban phát ân huệ cho chúng sanh nhưng chính chúng sanh lại là người có ân huệ với chúng ta. Chúng sanh là môi trường giúp chúng ta khảo nghiệm. Thuận duyên, nghịch duyên, thuận cảnh, nghịch cảnh đều là môi trường cho chúng ta khảo nghiệm. Nếu không có môi trường khảo nghiệm thì chúng ta không biết công phu của mình tới đâu.

Những người làm việc xấu ác thì họ giúp chúng ta có tâm cảnh giác. Những người làm việc thiện lành thì họ giúp chúng ta có tấm gương. Hoàn cảnh “ngũ trược ác thế” này là hoàn cảnh tu hành tốt nhất cho mỗi chúng ta. Nếu mọi việc đều thuận ý vừa lòng thì chúng ta không có môi trường khảo nghiệm.

Hòa Thượng nói: “Hàng ngày, chúng ta không làm phiền chúng sanh là phước cho chúng sanh rồi! Chúng ta đừng nghĩ là chúng ta đang ban phước cho chúng sanh”. Chúng sanh là chúng duyên hòa hợp dẫn đến hiện tượng. Chúng sanh bao gồm cả chúng sanh hữu tình và chúng sanh vô tình. Hàng ngày, chúng ta thường vô tình nói lời nói làm người khác phiền não hay chúng ta bất cẩn dẫm lên nhiều chúng sanh nhỏ bé.

Hòa Thượng nói: “Phật hiệu có thể gián đoạn nhưng Phật tâm không được gián đoạn”. Chúng ta có tâm nghĩ vì chúng sanh thì chúng ta có thể hạn chế tổn hại cho chúng sanh. Hàng ngày, chúng ta nuôi dưỡng tâm Phật để tâm Phật ngày càng thêm lớn. Khi đó, khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế của chúng ta sẽ ít gây phiền cho chúng sanh. Người có tâm Phật thì luôn vì người khác lo nghĩ. Người có tâm phàm phu “tham sân si mạn”, “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng” thì sẽ gây phiền cho chúng sanh.

Hòa Thượng nói: “Đại sư Chương Gia đã nói: “Tất cả những cảnh duyên, dù là thuận cảnh hay nghịch cảnh thì đều là sự an bài của Phật Bồ Tát”. Phật Bồ Tát an bài để chúng ta có sự khảo nghiệm.

Hòa Thượng cũng nói: “Từ khi chúng ta niệm Phật thì tất cả những cảnh duyên tốt xấu đều do Phật A Di Đà an bài cho chúng ta”. Đây là tâm cảnh của người chân thật niệm Phật cầu vãng sanh. Tất cả cảnh duyên tốt xấu, hữu nghịch đều do Phật A Di Đà an bài. Chúng ta gặp nghịch cảnh thì chúng ta thường buồn phiền, chán nản, trách móc.

Hòa Thượng nói: “Phật Bồ Tát đã an bài mà chúng ta trách móc thì chúng ta có lỗi với Phật rồi! Người giúp chúng ta là ân nhân thuận cảnh, là tăng thượng duyên thuận. Người phỉ báng chúng ta cũng là ân nhân nghịch cảnh, là tăng thượng duyên nghịch. Thuận cảnh, nghịch cảnh đều có lợi ích đối với việc tu học của chúng ta. Chúng ta đối với người thiện, người ác, việc thiện, việc ác đều phải tôn kính, nhất định không có tâm phân biệt, chấp trước”. Tâm phân biệt, chấp trước là tâm chúng ta ưa thích thuận cảnh, chán bỏ nghịch cảnh.

Nếu không có hoàn cảnh thuận nghịch thì chúng ta không có môi trường để rèn luyện. Chúng ta có công phu thì không hoàn cảnh nào có thể làm khó chúng ta, chúng ta có thể trải qua tất cả môi trường, hoàn cảnh một cách nhẹ nhàng.

Hòa Thượng nói: “Tâm chúng ta ở trong các cảnh giới đều giữ được bình tĩnh, an hòa vậy thì tâm chúng ta sẽ sinh được trí tuệ, sinh được tâm cảm ân”. Người thế gian cũng nói: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy. Ta có thêm một ngày mới để yêu thương!”. Trong thuận cảnh chúng ta giữ được tâm bình hòa thì tâm chúng ta sinh được trí tuệ, từ đó chúng ta khởi được tâm cảm ân đối với tất cả chúng sanh. Chúng ta quán sát xem chúng ta có sanh được tâm cảm ân đối với chúng sanh không? Chúng ta không những không sinh được tâm cảm ân mà chúng ta còn khởi tâm oán hận, oán ghét đối với ân nhân của mình.

Những người thành toàn cho chúng ta là ân nhân của chúng ta. Người giúp chúng ta thì đó là ân nhân của thuận cảnh, là tăng thượng duyên thuận. Người nhục mạ, hãm hại chúng ta là ân nhân của nghịch cảnh, là tăng thượng duyên nghịch. Hòa Thượng nói: “Thuận cảnh, nghịch cảnh đều có lợi ích đối với việc tu học của chúng ta”.

Đối với việc thiện, việc ác, người thiện, người ác chúng ta đều phải có tâm tôn kính không có tâm oán trách. Nghịch đến thì chúng ta thuận nhận. Thuận đến thì chúng ta cũng phải tiếp nhận một cách có chừng mực không để tâm chúng ta chểnh mảng. Tâm chúng ta chểnh mảng trong thuận cảnh thì chúng ta sẽ rất khó đối diện với nghịch cảnh. Chúng ta phải có thái độ đối đãi với thuận cảnh, nghịch cảnh phù hợp.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook