112Thứ Năm, 15/09/2022, 11:25
1006 · Giữ Chữ Tín Nhất Định Phải Phù Hợp Với Đạo Nghĩa

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba, ngày 13/09/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1006

“GIỮ CHỮ TÍN NHẤT ĐỊNH PHẢI PHÙ HỢP VỚI ĐẠO NGHĨA”

Giữ chữ tín là giữ lời hứa, chúng ta cho rằng chúng ta hứa thì phải làm nhưng chúng ta phải xem việc làm đó có phù hợp với luân thường đạo lý, phù hợp giáo huấn của Phật không. Có những người không phân biệt tốt xấu, họ cho rằng họ giữ chữ tín nhưng họ làm những việc trái với đạo nghĩa, tiếp tay cho cái ác.

Ngày trước, khi Hòa Thượng đến giảng ở một ngôi chùa mới xây dựng rất nguy nga, Hòa Thượng giảng được 1/3 bộ Kinh thì nơi đó xảy ra việc tranh chấp. Đại chúng cãi nhau rất ác liệt. Hòa Thượng trở về hỏi Thầy Lý Bỉnh Nam, Thầy Lý nói Hòa Thượng không cần đến đó giảng nữa vì Hòa Thượng giảng họ cũng không nghe. Nếu họ nghe được, thẩm thấu lời giáo huấn của Phật thì họ không tranh chấp như vậy. Khi chúng ta hứa, chúng ta muốn thực hiện lời hứa của mình thì chúng ta phải xem lời hứa có đúng với đạo nghĩa Cha Con, Vua tôi, Thầy trò, vợ chồng, bạn bè hay không.

Một lần, tôi đi giảng ở một nơi rất xa, tôi vừa đến cửa thì thấy nơi này không phù hợp nên tôi đã quay đầu. Nhà Phật, khi đại chúng đến cúng dường, trước khi tiếp nhận thì phải hỏi đồ vật đó có thanh tịnh không. Hôm trước, trong “Tịnh Không Pháp Sư Gia Ngôn Lục” Hòa Thượng nói người xưa, khi nhận cúng dường thì phải nói pháp cho đại chúng nghe để đền trả ơn đức của họ. Chúng ta có thể nói trong thời gian 3 phút hay 5 phút tuỳ theo khoảng thời gian họ có. Chúng ta không nói lời thừa mà phải nói những lời cần thiết, có ích cho họ.

Chúng ta phải học để chúng ta có đạo nghĩa trong khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật. Chúng ta giữ chữ tín phải hợp đạo nghĩa. Chúng ta vì chữ tín mà khơi dậy đạo nghĩa. Chúng ta phải nói thẳng, nói thật để người ta nhận ra việc sai lầm. Người xưa dạy chúng ta: “Nhân phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thụ”. Chúng ta không kết giao với người không có đạo nghĩa, không nhận vật phi nghĩa. Một vật không phải của chúng ta mà chúng ta tìm mọi cách để lấy thì chúng ta sẽ gặp phải tai ương.

Hòa Thượng nói: “Trong vòm trời này, đừng ai nghĩ đến việc chiếm tiện nghi của ai”. Chúng ta chiếm của người dù là một ngọn rau, ngọn cỏ thì chúng ta nhất định phải trả trong đời này hoặc đời sau. Chúng ta cho rằng chúng ta hứa thì phải làm nhưng chúng ta phải xem việc làm đó có phù hợp với đạo nghĩa, luật pháp hay không. Chúng ta giữ lời hứa mà chúng ta làm những việc trái pháp luật, không phù hợp với đạo thì chúng ta đã sai rồi!

Hòa Thượng nói: “Người quân tử ở thế gian đều trọng chữ tín. Đây gọi là “Ngôn nhi hữu tín”. Lời nói phải có chữ tín. Phật pháp gọi đây là có trí tuệ. Phật pháp nói có những tình huống đặc biệt nếu đối phương làm những việc trái với đạo nghĩa thì chúng ta có thể không giữ chữ tín”.

“Ngôn nhi hữu tín” nghĩa là chúng ta nói ra những gì chúng ta đã làm và làm những gì chúng ta đã nói. Chúng ta không nói để người khác làm còn mình thì không làm. Thí dụ, bạn đồng tu với chúng ta theo tà ma, ngoại đạo thì chúng ta không thể thuận theo họ. Tôi có cảm nhận rất sâu sắc về việc này, hơn mười năm tôi đi giảng khắp miền Nam Bắc, nơi nào họ cần cầu những đạo nghĩa của Tịnh Độ thì tôi đến. Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta đã hứa nhưng họ không làm đúng với đạo nghĩa thì chúng ta có thể không giữ chữ tín”.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta qua lại với người và chúng sanh, điều quan trọng nhất là chúng ta phải thành thật. Chúng ta nói thì phải làm, chúng ta chỉ nói những gì mình đã thật làm và làm những gì mình đã nói”.

Chúng ta nhìn thấy người khác phiền não thì chúng ta khuyên họ buông xả nhưng khi chúng ta gặp chuyện thì chúng ta dính mắc; chúng ta bảo người phải phát tâm bố thí, cúng dường nhưng chúng ta lại cực lực bỏ vào thì đây gọi là “Ngôn nhi bất tín”.

Hơn mười năm qua, tôi chỉ học và chỉ nói những lời Hòa Thượng đã dạy. Tôi không tiếp nhận pháp nào khác. Tôi đã xác quyết, suốt cuộc đời chỉ theo một vị Thầy, một bộ Kinh, một thế giới Tây Phương Cực Lạc để trở về. Tôi chỉ nguyện về thế giới Tây Phương Cực Lạc, nếu không vãng sanh thì đọa địa ngục. Tôi không nguyện đời sau giàu có hay làm pháp sư. Chúng ta nguyện như vậy thì chúng ta phải tự thúc liễm mình.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook