
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Chủ nhật, ngày 11/09/2022.
***********************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1004
“NGƯỜI HỌC PHẬT PHẢI CÓ THỂ CHUYỂN ĐƯỢC CẢNH GIỚI”
Người học Phật phải chuyển được cảnh giới nếu chúng ta không chuyển được cảnh giới thì chúng ta chưa thật sự tu học! Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta không chuyển được cảnh giới thì Phật A Di Đà cũng không giúp được chúng ta! Giờ vãng sanh sắp đến mà chúng ta vẫn dính mắc, chấp trước thì Phật A Di Đà đến đón thì chúng ta cũng không muốn đi”.
Chúng ta phải chuyển được cảnh giới không để cảnh giới chuyển chúng ta. Hàng ngày, chúng ta vẫn bị cảnh giới xoay chuyển. Chúng ta giống như con gấu bông bị buộc cổ kéo đi mà không phản kháng. Nếu chúng ta không chuyển đổi, chúng ta vẫn để “tài sắc danh thực thùy”, “danh vọng lợi dưỡng”, “tham sân si mạn” lôi kéo thì chúng ta vẫn phải trầm luân trong luân hồi sinh tử.
Hòa Thượng nhắc: “Quá khứ chúng ta đã sai rồi, đời này chúng ta đừng sai nữa!”. Nếu đời này chúng ta vẫn tiếp tục sai thì chúng ta lại tiếp tục đi vào luân hồi. Chúng ta muốn đi vào luân hồi sinh tử thì Phật Bồ Tát cũng không thể kéo chúng ta ra được.
Hòa Thượng lấy thí dụ, đối diện Tịnh Tông Học Hội là một vũ trường rất lớn, có rất nhiều người rẽ phải để đi vào đạo tràng nghe pháp, nhưng cũng có rất nhiều người rẽ trái đi vào vũ trường. Chúng ta không thể ép được họ vào đạo tràng hay vào vũ trường. Chúng ta tình nguyện đi vào vòng luân hồi sinh tử vậy thì Phật Bồ Tát không có cách nào giúp chúng ta. Hòa Thượng nói: “Chúng ta cam tình nguyện đọa lạc”. Không phải Quỷ Diêm La, Ngưu Đầu, Mã Diện bắt chúng ta đọa lạc hay Phật Bồ Tát giúp chúng ta giải thoát. Tất cả do chính mình!
Hòa Thượng nói: “Người học Phật phải chuyển được cảnh giới. Đó là công phu chân thật”. Nếu chúng ta chưa chuyển được cảnh giới thì chúng ta chưa phải người chân thật học Phật. Chúng ta quy y Phật đó chỉ là hình thức. Có người đã quy y Phật 35 năm nhưng vẫn khổ đau, phiền não. Người xưa nói: “Bồ Tát đất qua sông còn khó giữ mình”. Người xưa nặn Bồ Tát bằng đất, khi qua sông thuyền chìm thì Bồ Tát đất cũng tan rã. Hình tượng Phật là hình tượng giả để khơi dậy tự tánh bên trong chúng ta. Chúng ta không mượn giả tìm thật mà chúng ta chạy theo, nương vào cái giả kết quả là chúng ta có được cái giả.
Hòa Thượng nói: “Cho dù chúng ta một ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu, lạy Phật 1000 lạy để sám hối nhưng chúng ta vẫn phân biệt, chấp trước thì chúng ta vẫn phiền não. Chúng ta lạy Phật đã lãng phí rồi!”. Chúng ta phải kiểm soát từ ngay trong khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế của chính mình. Chúng ta phải khơi dậy tự tánh chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi của mình. Chúng ta biết một việc là sai nhưng chúng ta cũng vẫn làm vậy thì chúng ta ngày càng xa rời với tự tánh của chính mình.
Hòa Thượng nói: “Người giác ngộ thì không bị vật xoay chuyển. Người mê mất đi tự tánh thì sẽ bị cảnh giới bên ngoài xoay chuyển. Chúng ta hiện tại chính là người này. Mắt thấy sắc bị sắc xoay chuyển. Tai nghe âm thanh bị âm thanh xoay chuyển. Chúng ta rất đáng thương!”. “Vật” là tất cả cảnh giới bên trong và bên ngoài chúng ta. Mười cõi Địa ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh, Người, Trời, A-tu-la, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật là mười cảnh giới. Chúng ta luôn bị cảnh giới bên ngoài xoay chuyển.
Hòa Thượng nói: “Mắt chúng ta thấy sắc thuận theo tâm của mình thì chúng ta khởi lên tâm tham, không thuận theo tâm của mình thì chúng ta khởi lên tâm sân. Chúng ta đã bị cảnh giới xoay chuyển rồi! Chúng ta thích nghe hay chán ghét một âm thanh thì chúng ta đã bị cảnh giới xoay chuyển. Chúng ta nghe tất cả những âm thanh nhưng chúng ta vẫn như như bất động thì đó là chúng ta không bị cảnh giới xoay chuyển”. Chúng ta tu hành không phải là chúng ta không nghe, không biết gì. Chúng ta rõ ràng tường tận mọi thứ nhưng chúng ta không khởi phân biệt, chấp trước thì chúng ta sẽ không khởi phiền não.
Trong “Cảm Ứng Thiên” có câu chuyện về một người đang đi trên đường thì có một người mắng chửi tên của ông. Ông vẫn đi như không nghe thấy gì. Khi có người nhắc là người kia đang chửi ông thì ông nói: “Chắc là trên phố có nhiều người trùng tên đó mà!”. Chúng ta vừa bị nhắc đến tên thì chúng ta đã cảm thấy khó chịu. Ngoại cảnh làm chúng ta mất đi chánh niệm. Trên “Kinh A Di Đà” dạy chúng ta: “Nếu chúng sanh nào niệm một câu A Di Đà Phật từ một ngày đến bảy ngày mà nhất tâm bất loạn thì đích thân Phật A Di Đà cùng Thánh Chúng sẽ đến tiếp dẫn”. Chúng ta làm không đủ tiêu chuẩn nên chúng ta cho rằng pháp môn khó tu. Nhiều người tu mười năm không có kết quả nên họ chuyển sang tu hành pháp môn khác.
Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta ở trong cảnh giới mà chúng ta khởi phân biệt, chấp trước, tham sân si mạn thì chúng ta liền bị cảnh giới xoay chuyển. Chúng ta bị cảnh giới xoay chuyển thì chúng ta sẽ tạo nghiệp”. Chúng ta khởi lên tâm ưa thích hay tâm ghét bỏ thì chúng ta cũng đã bị cảnh giới xoay chuyển.
Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta không phân biệt, chấp trước, chúng ta biết rõ mọi việc nhưng tâm chúng ta vẫn như như bất động thì tâm chúng ta được thanh tịnh. Đây chính là tịnh nghiệp. Tâm tịnh thì tương ưng được với cõi tịnh”.
Hòa Thượng nói: “Người học Phật phải ghi nhớ lời giáo huấn của Phật. Nếu chúng ta có thể chuyển được cảnh giới thì chúng ta đồng với cảnh giới của Phật Bồ Tát. Người học Phật phải chuyển được cảnh giới không nên bị cảnh giới xoay chuyển. Chúng ta không bị cảnh giới xoay chuyển thì đây là chúng ta chân thật có công phu”. Phật Bồ Tát ở thế gian tâm các Ngài vẫn như như bất động. Hòa Thượng đưa thí dụ, cho dù chúng ta nắm tay Phật cùng đi thì Phật vẫn ở trong cảnh giới thanh tịnh còn chúng ta vẫn ở trong cảnh giới ô nhiễm của phàm phu đầy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chúng ta bị cuốn theo được mất, hơn thua, thành bại, tốt xấu.
Hòa Thượng nói: “Trong cuộc sống này chúng ta dùng một mảng tâm chân thành đối đãi với tất cả mọi người, mọi vật là được. Chúng ta không thể kiểm soát được một việc thành bại hay tốt xấu”. Chúng ta chỉ cần giữ tâm chân thành, còn việc tốt xấu, thành bại là do nhân duyên của người nơi đó. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta có đội ngũ tốt nên việc chúng ta phải làm phải tốt thì chúng ta sẽ phiền não.
Hòa Thượng nói: “Cả đời tôi là một mảng chân thành”. Công phu chân thật chính là chúng ta không bị cảnh giới xoay chuyển. Tất cả việc làm của chúng ta là vì giúp cho chúng sanh chứ không vì “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng” mà làm. Chúng ta làm mà chúng ta không có tâm mong cầu thì chúng ta sẽ không có khổ đau. Chúng ta làm một việc mà việc đó chưa được tốt là do chúng sanh nơi đó chưa có phước. Lúc trẻ, mỗi ngày Hòa Thượng giảng Kinh bốn tiếng nhưng tâm Ngài luôn hoan hỷ.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta bị cảnh giới xoay chuyển thì chúng ta không có cách nào thoát khỏi luân hồi”. Chúng ta bị cảnh giới xoay chuyển thì hiện tại chúng ta khổ đau, tương lai chúng ta phải sinh tử luân hồi. Nếu chúng ta không bị cảnh giới xoay chuyển thì hiện tại chúng ta an vui, tương lai chúng ta được giải thoát. Tất cả là do chúng ta “tự tác, tự thọ”.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta bị cảnh giới xoay chuyển thì chúng ta không thể vãng sanh, chúng ta cũng không thể đới nghiệp vãng sanh”. Chúng ta sắp vãng sanh mà chúng ta nghĩ đến sổ tiết kiệm, sổ đỏ thì chúng ta không thể đi được. “Đới nghiệp” là chúng ta có thể mang theo nghiệp cũ, nghiệp từ vô thị kiếp chúng ta đã tạo. Từ ngày chúng ta phát tâm học Phật, niệm Phật thì chúng ta không tạo nghiệp mới. Chúng ta không thể “tà tà tạo nghiệp” rồi “tà tà vãng sanh” mà chúng ta sẽ “tà tà vãng lai”.
Hòa Thượng nói: “Khi chúng ta lâm chung, Phật A Di Đà đến tiếp dẫn nhưng chúng ta vẫn còn nhiều việc không thể buông xả thì Phật A Di Đà không thể đợi chúng ta!”. Khi tâm chúng ta thanh tịnh thì chúng ta tương ưng được với cõi Tịnh. Phật A Di Đà từ nơi tự tánh của chúng ta, tâm chúng ta tương ưng được với Phật thì Phật xuất hiện. Khi tâm chúng ta tương ưng với Phật thì chỉ trong một khảy móng tay, chúng ta đã sinh về Tây Phương, chúng ta ở trong hoa sen hóa sanh. Chúng ta không phải trải qua “thai ngục” bị nhốt trong bào thai chín tháng, mười ngày.
Chúng sanh ở thế gian cũng có thể hóa sanh. Chúng ta chặt con đỉa ra nhiều khúc thì mỗi khúc sẽ phát triển thành một con đỉa. Một con sâu, đủ ngày thì con sâu cũng chui ra khỏi kén, hoá thành bướm bay đi. Ở hồ nước gần nhà tôi, có những con chuồn chuồn con sống dưới nước đến thời điểm nhất định, chuồn chuồn con sẽ lột xác để bay đi.
Hòa Thượng nói: “Việc chuyển đổi được cảnh giới là vô cùng quan trọng. Đây chính là công phu chân thật. Một ngày bạn niệm được bao nhiêu câu danh hiệu Phật, dập đầu được bao nhiêu lạy thì đó cũng không phải là công phu. Đó chỉ gọi là khóa tụng. Chúng ta học Phật, niệm Phật cũng giống như hàng ngày chúng ta đi học, đọc sách nhưng đến khi đi thi thì chúng ta thi trượt. Chúng ta thi trượt thì chúng ta không có công phu. Chúng ta thi đỗ, chúng ta có điểm số cao thì đó là chúng ta có công phu. Một ngày niệm đến mười vạn câu danh hiệu Phật mà tâm chúng ta vẫn bị cảnh giới xoay chuyển thì giống như Tổ Sư Đại Đức nói: “Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn. Đau mồm rát họng chỉ uổng công”.
Chúng ta niệm Phật mà chúng ta không thể vãng sanh thì đó là uổng công. Chúng ta niệm Phật chúng ta có phước báu nhưng chúng ta ở trong luân hồi hưởng phước. Chúng ta hưởng phước thì chúng ta tạo nghiệp, chúng ta lại tiếp tục luân hồi. Ở cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tầng trời cao nhất, Tiên nhân ở đó hưởng phước đến 8 vạn đại kiếp nhưng sau đó họ vẫn phải luân hồi sinh tử.
Hòa Thượng nói: “Người niệm Phật mà không vãng sanh thì không còn gì để nói!”. Phước báu Nhân Thiên cũng không đáng tính kể. Chúng ta bị “tài, sắc, danh, thực, thùy” xoay chuyển thì chúng ta không có công phu gì. Hòa Thượng nhắc: “Người tu hành chí ít cũng chuyển được cảnh giới”. Chúng ta không chuyển được cảnh giới mà chúng ta luôn bị cảnh giới chuyển thì chúng ta thật đáng thương!
Nhiều đời, nhiều kiếp chúng ta đã làm phàm phu, kiếp này chúng ta vẫn muốn tiếp tục làm phàm phu. Phật Bồ Tát rất từ bi, các Ngài chờ chúng ta, khi nào chúng ta tỉnh ngộ thì các Ngài đến để tiếp dẫn chúng ta. Người học Phật công phu thấp nhất là phải chuyển được cảnh giới. Người xưa đã nói: “Cảnh duyên không tốt xấu, tốt xấu do tâm ta”.
***********************
Nam Mô A Di Đà Phật
Chúng con xin tùy hỉ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!
Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy còn lộn xộn, còn nhiều sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!