Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Bảy, ngày 10/09/2022.
***********************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1003
“VÌ SAO CHÚNG TA THƯỜNG HAY BỊ THỐI CHUYỂN?”
Đề tài này là sự khải thị đối với chúng ta! Chúng ta tu hành không tiến bộ do chúng ta không có sự chuyên nhất. Hòa Thượng đã dạy chúng ta: “Chuyên tu, chuyên học một pháp môn thì dễ dàng thành tựu”. Chúng ta không tu hành chuyên nhất một pháp môn, chúng ta không gần gũi với Thầy tốt, bạn lành nên chúng ta dễ dàng bị thối chuyển. Người thế gian nói: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Chúng ta gần gũi những người không chuyên nhất, tinh tấn mà chúng ta gần gũi những người xen tạp, tinh tướng vậy thì chúng ta chắc chắn sẽ lui sụt. Nhiều người đã từng đi theo tôi. Nhưng họ vẫn xem trọng “danh vọng lợi dưỡng”, thích thụ hưởng “năm dục sáu trần” nên họ dần dần bỏ niệm Phật, bỏ tu hành.
Hòa Thượng nói: “Suốt 36 năm, không một ngày nào tôi không giảng Kinh, thuyết pháp, niệm Phật, tụng Kinh thế mà phiền não trong tôi vẫn dấy khởi”. Hòa Thượng dụng tâm, chuyên nhất suốt 36 năm vậy mà phiền não trong Ngài vẫn dấy khởi. Chúng ta tu hành chuyên nhất được bao nhiêu năm rồi?
Trước đây, trước khi học với Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam trong một giờ, Hòa Thượng sẽ dành từ 20 giờ đến 40 giờ để đọc trước các tài liệu liên quan. Đây là lý do Ngài đạt được thành tựu viên mãn trong sở học của mình. Thời gian quy nạp của Ngài rất nhiều nên tín tâm đối với pháp tu, đối với giáo huấn của Phật không thể bị thay đổi. Chúng ta tu hành hời hợt nên tâm chúng ta dễ dàng bị thay đổi.
Có một vị xuất gia tu hành, khi vị này bị bạo bệnh thì có một vị Thầy thuốc chữa khỏi bệnh cho ông. Sau đó, ông đã bái người Thầy thuốc đó làm Thầy. Người Thầy thuốc đó không phải người xuất gia, không tu theo danh môn chánh phái. “Danh môn chánh phái” là những pháp môn được quốc gia công nhận. Niềm tin của chúng ta đối với Phật pháp rất hời hợt. Thân này hết bệnh nhưng rồi cũng sẽ phải theo quy luật của vô thường, theo định luật Sinh – Lão – Bệnh – Tử. Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng ta đã xả thân, thọ thân nhiều vô số lần. Trong Kinh nói: “Nếu thân xác của chúng ta chất đống thì sẽ tạo thành núi”. Khi chúng ta tự đoạn duyên với Phật pháp, không còn pháp thân huệ mạng thì đến lúc nào chúng ta có thể gặp lại được Phật pháp!
Hòa Thượng nói: “Người học Phật phải đặc biệt chú ý nghe pháp. Khi tôi ở nhà cư sĩ Hàn Quán Trưởng, trong 30 năm, không một ngày nào tôi không giảng Kinh, nói pháp. Chúng ta tu hành thường hay bị thối chuyển chính vì chúng ta không nghe pháp. Phiền não, tập khí của chúng ta quá nặng nên chúng lôi kéo chúng ta”. Ngài giảng Kinh, nói pháp cho chính mình nghe. Ngày nào, Ngài cũng huân tập vì vậy tín tâm của Ngài kiên cố, không ai có thể lay chuyển được.
Năm dục “tài, sắc, danh, thực, thùy” rất đáng sợ! Chúng cám dỗ chúng ta từng giây, từng phút. Hòa Thượng nói: “Tài, sắc, danh, thực, thùy Địa ngục ngũ điều căn”. Đây là năm căn gốc đưa chúng ta đến Địa ngục. Chúng ta chỉ cần nhiễm một thứ là chúng ta đã khai một đại lộ đưa chúng ta thẳng đến Địa ngục.
Tập khí, phiền não của chúng ta quá nặng. Nếu ngày ngày, chúng ta không huân tập giáo huấn của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền thì chúng ta sẽ bị tập khí dẫn dụ. Sáng nay, khi chuông báo thức reo tôi vẫn nghĩ điện thoại kêu do có người gọi điện đến. Đến giờ phải dậy tôi vẫn muốn đi ngủ tiếp dù tôi đã có 1000 ngày đúng giờ. Tập khí của chúng ta rất đáng sợ. Chúng ta cho rằng chúng ta đã huân tập được 1000 ngày nhưng thời gian đó cũng chỉ khoảng 3 năm. Mấy chục năm qua chúng ta đã thuận theo tập khí xấu ác. Hòa Thượng 36 năm không ngày nào không giảng Kinh, nói Pháp, tụng Kinh, niệm Phật, Ngài không dính mắc vào “danh vọng lợi dưỡng”, không có ý niệm hưởng thụ “năm dục sáu trần” vậy mà phiền não trong Ngài vẫn dấy khởi.
Hòa Thượng nói: “Chưa kể đến vô lượng kiếp trong quá khứ, ngay đời này, từ khi chúng ta sinh ra đến nay, sáu căn của chúng ta tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài đều là “năm dục sáu trần”, “tham sân si mạn”. Chúng ta trong bất tri, bất giác bị phiền não, tập khí huân tập. Phiền não, tập khí của chúng ta quá nặng. Công phu tu hành của chúng ta rất nhỏ bé nên chúng ta không thể đối trị được với tập khí quá nặng của mình. Đây là nguyên nhân chúng ta dễ dàng bị thối chuyển”. Phiền não, tập khí hay chính là nghiệp chướng của chúng ta rất nặng trong khi lực tu hành của chúng ta rất nhỏ bé. Tập khí, phiền não giống như dòng nước chảy rất mạnh chúng ta không thể dùng một tờ giấy để cản dòng nước. Nhiều người bị thoái chuyển, sau đó họ hối tiếc, họ cho rằng Phật Bồ Tát không từ bi, không che chở cho họ. Đó là do chính họ không nghe lời giáo huấn của Phật Bồ Tát, không nhìn theo biểu pháp thân giáo của Tổ Sư Đại Đức.