11911/09/2022, 22:17 12/09/2022, 18:37
1002 · Chuyên Tu Chuyên Học Một Môn Dễ Dàng Thành Tựu

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu, ngày 09/09/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1002

“CHUYÊN TU, CHUYÊN HỌC MỘT MÔN DỄ DÀNG THÀNH TỰU”

Hòa Thượng nói: “Người xưa nói có Thiền có Tịnh Độ như hổ mọc thêm sừng”. Tổ Sư Đại Đức nói câu này không phải cho người chuyên tu Tịnh Độ mà để cho người thích tu Thiền hay tu các pháp môn khác. Nếu chúng ta không được giải thích rõ ràng thì chúng ta dễ hiểu lầm, ngộ nhận. Nếu một người tu Thiền không có thành tựu thì họ còn có pháp môn Tịnh Độ. Hổ là mãnh thú mà Hổ còn có sừng thì sẽ càng dũng mãnh hơn. Trong Kinh Đại Thừa” nói: “Vì chúng sanh không thể nghe được pháp Nhất thừa nên ta đành phải nói pháp Nhị Thừa và Tam Thừa”. Nếu chúng sanh đủ căn tánh nghe pháp một đời thành Phật, thì Phật chỉ nói pháp một đời thành Phật. Hiện tại, có rất nhiều người niệm Phật nhưng họ không muốn vãng sanh, không muốn vượt thoát luân hồi sinh tử. Có những người họ nguyện đời sau tái sanh làm pháp sư, làm trụ trì.

Hòa Thượng nói: “Nếu người ta thích nghe Tịnh Độ thì tôi chỉ giảng Tịnh Độ. Nhưng người ta không thích nghe Tịnh Độ nên tôi phải giảng pháp môn khác”. Hòa Thượng từng giảng “Kinh Pháp Hoa”, “Kinh Bát Nhã”, “Kinh Hoa Nghiêm Áo Chỉ”, “Cảm Ứng Thiên”, “Kinh Kim Cang”, Ngài nói: “Tôi giảng những Kinh khác để dẫn họ về với pháp môn Tịnh Độ”. Hòa Thượng giảng “Cảm ứng Thiên” để chúng sanh biết sợ nhân quả, biết tu thiện tích đức và cũng từng bước dẫn họ về tu pháp môn Tịnh Độ.

Hòa Thượng nói: “Trước đây, tôi giảng rất nhiều kinh luận để tiếp dẫn người sơ cơ. Đến khi căn tính của họ chín muồi, họ chân thật muốn ngộ nhập, chân thật muốn có được thọ dụng của Phật pháp vậy thì tốt! Họ sẽ xả bỏ tất cả những pháp khác chỉ chuyên nhất một môn”. Người có căn tính thấp thì tâm của họ không định, Hòa Thượng phải giảng những Kinh khác, họ nghe xong thì họ hoan hỷ từ đó Ngài dần dần đưa họ đến với pháp môn Tịnh Độ. Khi Hòa Thượng giảng “Kinh Kim Cang”, có người hỏi Hòa Thượng vì sao Ngài chuyên tu, chuyên hoằng Tịnh Độ nhưng Ngài lại giảng “Kinh Kim Cang”. Hòa Thượng nói: “Tôi giảng “Kinh Vô Lượng Thọ” họ không nghe. Tôi giảng “Kinh Kim Cang” để họ đến nghe, khi họ đến nghe thì tôi giảng “Kinh Kim Cang” và nói về Tịnh Độ”. Hòa Thượng dùng phương tiện khéo léo nhất để tiếp độ chúng sanh.

Có người thắc mắc, Phật dạy chúng ta “Nhất môn thâm nhập” nhưng Phật nói rất nhiều pháp làm cho chúng ta không biết chọn pháp môn nào. Căn tánh của chúng sanh rất phức tạp nên Phật phải nói ra nhiều pháp để phù hợp với sở thích của từng người, khi họ ưa thích thì họ sẽ nghe.

Nếu Phật pháp chỉ có một pháp môn Tịnh Độ hay một pháp Thiền thì rất nhiều chúng sanh sẽ không biết tu pháp nào. Có đến hơn 80% chúng sanh thích cảm ứng, thích thần thông. Có những pháp chỉ cần tu một thời gian ngắn là có cảm ứng. Thí dụ như pháp trì chú, trì chú không phải để có cảm ứng, có phước báu như mọi người nghĩ. Tất cả pháp tu đều có cảm ứng, có phước báu. Nhiều người cho rằng pháp trì chú là nhanh được cảm ứng nhất, họ cho rằng họ chỉ cần trì chú một thời gian ngắn là họ có tiền để xây chùa. Có người một ngày họ trì chú 30 biến, trong khoảng 30 ngày liên tục. Khi họ trì chú thì họ tập trung tâm trí về một nơi, điều này giống như: “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện”. Chúng ta phải phân biệt pháp nào là phương tiện, pháp nào là pháp chân thật giúp chúng ta vượt thoát sinh tử.

Hòa Thượng nói: “Tôi giảng rất nhiều pháp để tiếp dẫn chúng sanh sơ cơ, những người mới đến học Phật. Đến khi họ muốn chân thật vào cảnh giới của Phật thì xả bỏ tất cả chỉ chuyên tu một pháp”. Có người nghe Hòa Thượng nói phải tụng 3000 bộ Kinh Vô Lượng Thọ nên họ làm theo. Chúng ta phải xem Hòa Thượng nói trong hoàn cảnh nào. Khi Hòa Thượng giảng “Kinh Vô Lượng Thọ”, Ngài nói: “Chúng ta có đủ can đảm suốt một đời này chỉ niệm một câu A Di Đà Phật không!”. Suốt cuộc đời Ngài lấy giáo dục làm phương tiện giáo hóa chúng sanh, lấy một câu “A Di Đà Phật” chuyên tu để cầu sanh Tịnh Độ.

Khi mọi người hỏi Hòa Thượng về hộ niệm như thế nào thì nhiều người cắt chương, đoạn ngữ tổng hợp thành một video. Trong video đó, Hòa Thượng trả lời mỗi câu thì Ngài mặc một y phục khác nhau vì Ngài giảng ở nhiều pháp hội khác nhau. Họ làm thành một đĩa giống như Hòa Thượng chuyên đề xướng hộ niệm. Họ cắt ghép, cắt chương, đoạn ngữ như vậy là họ đã làm ra đại tội. Hòa Thượng từ một người chuyên tu, chuyên hoằng Tịnh Độ lại trở thành người chuyên đề xướng hộ niệm. Có một người ở Úc gửi cho tôi đĩa này bằng chữ Hán, đĩa không có xuất xứ rõ ràng, nội dung cắt ghép nên tôi không dịch. Trước khi tôi dịch đĩa, tôi phải kiểm tra nội dung để không ảnh hưởng đến người tu Tịnh Độ.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook