/ 20
6

LIỄU PHÀM TỨ HUẤN

Tập 7

Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không

Thời gian: 17/04/2001

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng,

Thâm Quyến, Trung Quốc


Chư vị đồng học, xin chào mọi người! Mời xem Liễu Phàm Tứ Huấn, phần thứ hai: “Phương pháp sửa lỗi”, chúng ta bắt đầu xem từ đoạn thứ hai.

Nhưng muốn sửa lỗi, thứ nhất là phải phát tâm hổ thẹn. Hãy nghĩ các vị thánh hiền thời xưa đều là đại trượng phu như ta, nhưng các ngài có thể làm bậc thầy của muôn đời, còn ta vì sao cả đời chỉ như gạch vụn vô dụng, mê đắm trần tình, lén lút làm những việc bất nghĩa, còn cho rằng không ai biết, ngạo mạn không chút hổ thẹn, ngày càng trầm luân vào đường cầm thú mà không hề hay biết. Trên thế gian không có việc gì đáng nhục nhã hổ thẹn bằng việc này. Mạnh Tử nói: “Việc quan trọng nhất của một người là biết hổ thẹn. Biết hổ thẹn sửa lỗi thì sẽ trở thành thánh hiền, còn không biết hổ thẹn sửa lỗi thì chẳng khác gì cầm thú”. Đây là chỗ then chốt của việc sửa lỗi.

Nói đến sửa đổi lỗi lầm, tiên sinh Liễu Phàm đưa ra ba điểm. Thứ nhất chính là tâm hổ thẹn, gọi là biết hổ thẹn là gần với dũng vậy, dũng là mạnh dạn sửa lỗi làm mới. Cho nên, ở đây câu đầu tiên ông nói: “Nhưng muốn sửa lỗi”, phương pháp sửa lỗi, thứ nhất là “phải phát tâm hổ thẹn”. Người biết hổ thẹn thì họ tuyệt đối không khởi lên một vọng tâm, không động một ác niệm. Phải thường nghĩ đến các bậc đại thánh đại hiền thời xưa, chúng ta đều là người như vậy. Trong kinh điển đức Phật thường nói với chúng ta, chúng ta và chư Phật Như Lai vốn đều là phàm phu như nhau, nhưng vì sao các ngài có thể thành Phật, thành Bồ-tát, thành thánh, thành hiền, còn ta tại sao lại không thể chứ? Lấy tiêu chuẩn này để quan sát, thì tâm hổ thẹn của chúng ta liền sanh khởi. Bởi vậy các ngài đích thực làm bậc thầy của muôn đời. Khổng Phu tử truyền đến nay đã hơn 2.500 năm, đức Phật Thích-ca Mâu-ni truyền đến nay cũng gần 3.000 năm. Vì sao ở thế gian này [giáo huấn của các ngài có thể] không phân quốc gia, không phân chủng tộc, thậm chí không phân biệt tôn giáo. Lưu truyền đến ngày nay, trên thế gian vẫn còn rất nhiều người tôn kính các ngài, tiếp thu giáo huấn của các ngài, học tập theo các ngài? Đây gọi là đại trượng phu. Các ngài có thể làm được, vì sao ta lại không làm được? Nếu con người thường có tư duy này thì nhất định có thể nỗ lực vươn lên.

Tiếp theo nói, đây là nói khuyết điểm của chính chúng ta: “Còn ta vì sao cả đời chỉ như gạch vụn vô dụng”, “ngõa liệt” là giống như gạch ngói vụn vậy, không đáng một xu! Bệnh của chúng ta là “mê đắm trần tình”, “đam” là vui sướng thái quá, “nhiễm” là ô nhiễm. Người thế gian đắm nhiễm trong thất tình ngũ dục, không biết dục vọng đó không phải là thật. Trong này có vui, không sai, thánh nhân cũng không phản đối, nhưng cái giá bạn phải trả quá lớn. Hay nói cách khác, cái được không bủ nổi cái mất. Cái giá quá lớn này, nếu không phải đức Phật nói với chúng ta rất tường tận trong kinh điển thì chúng ta có nghĩ thế nào cũng nghĩ không ra, cái giá chúng ta phải trả quá lớn, cái giá này chính là lục đạo sanh tử luân hồi. Nếu thật sự hiểu rõ ràng sáng tỏ rồi thì mới biết rất đáng sợ. Thế xuất thế gian không có gì đáng sợ hơn điều này. Từ đó thấy được, các bậc thánh hiền ở thế gian này cũng không lìa khỏi thất tình ngũ dục, nhưng họ rất xem nhẹ tình cảm và dục vọng. Hành vi của họ hợp lễ, hợp pháp, “lễ” là nhất định phải có tiết độ. Nói cách khác, hành vi không được quá đáng, cũng không được bất cập. Bất cập là không hợp lễ, quá đáng cũng không hợp lễ. Cho nên nói “lễ” là nói đến “tiết”, tiết là tiết độ. Trong giáo dục của cổ thánh tiên hiền, trong gia đình kết hôn sanh con, vợ chồng kính trọng nhau như khách. Họ đều có chừng mực, tuyệt đối không phóng túng, đắm nhiễm dục vọng, tuyệt đối không như vậy, không giống như xã hội hiện nay! cho nên gia đình họ hòa thuận, gia đình có trật tự. Đặt câu này ở trước có dụng ý rất sâu sắc, nói ra gốc bệnh của phàm phu chúng ta. Vì sao phàm phu không thể thành thánh, gốc bệnh là ở đây.

Bây giờ chúng ta nói đến chỗ thô thiển nhất, con người thích hưởng thụ thất tình ngũ dục, nhưng con người càng quý trọng sinh mạng của mình hơn. Đến lúc phải xả bỏ, đại khái họ cũng có thể xả bỏ thất tình ngũ dục, nhưng không muốn xả bỏ thân mạng của mình; không những thế, còn hy vọng mình được trường thọ, đây đều là thường tình của con người. Nếu bạn muốn bản thân được trường thọ, vậy thì trong các phương diện cuộc sống bạn phải biết cách tiết chế. Lời người xưa nói không sai: “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”. Bạn muốn tránh xa tai họa, thì ngôn ngữ nhất định phải cẩn trọng, thái độ nhất định phải cẩn thận. Nếu bạn muốn thân thể mạnh khỏe, thì bạn nhất định phải cẩn thận trong việc ăn uống sinh hoạt. Ngày nay rất nhiều người hy vọng mạnh khỏe trường thọ, nhưng họ không hiểu đạo lý này. Cho nên từ tuổi trung niên trở về sau, thân thể đã bị suy nhược, không hiểu đạo dưỡng sinh!

/ 20