/ 20
28

LIỄU PHÀM TỨ HUẤN

Tập 6

Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không

Thời gian: 17/04/2001

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng,

Thâm Quyến, Trung Quốc


Chư vị đồng học, xin chào mọi người! Lần trước chúng ta nói đến Khổng tiên sinh đoán Liễu Phàm 53 tuổi sẽ gặp nạn, nhưng năm đó ông vẫn sống bình an. Ông tổng kết cho con trai rằng: Phàm là họa hay phước đều do chính mình cầu, đây là giáo huấn của các bậc thánh hiền. Nếu nói họa phước là do số mệnh định sẵn, thì đây là cách nói của những người thế tục thông thường, không đáng tin. Tiếp theo ông nói với con trai rằng:

Mạng của con không biết sẽ như thế nào.

Không biết rốt cuộc mệnh của con sẽ như thế nào?

Dù gặp lúc vinh hiển cũng phải thường giữ tâm như lúc nghèo hèn.

Mặc dù số mệnh con có vinh hoa phú quý, nhưng bản thân phải thường xem như mình không được như ý.

Khi thời vận thuận lợi, cũng thường phải giữ lòng như lúc gặp khó khăn.

Nghĩa là làm việc rất thuận lợi, nhưng vẫn thường xem như chưa toại nguyện.

Cho dù trước mắt sung túc đầy đủ, cũng phải thường nghĩ như lúc nghèo khổ. Khi được người quý mến kính trọng, phải thường cẩn thận, dè dặt. Khi gia thế được trọng vọng, phải thường nghĩ như lúc địa vị còn thấp hèn. Khi học vấn cao thâm, phải thường nghĩ như lúc mình còn thiển cận.

Những điều này là dạy con trai ông phải học cách khiêm tốn. Trong kinh Dịch nói: Sáu hào đều cát tường, thì chỉ có quẻ “khiêm”. Trong Kinh Thư nói càng hay hơn: “Ngạo mạn sẽ bị tổn hại, khiêm tốn thì được lợi ích”. Một người bất luận sống trong hoàn cảnh nào, hoàn cảnh tốt hay hoàn cảnh xấu đều phải khiêm tốn, tuyệt đối không được ngạo mạn, đoạn văn này ý nghĩa rất sâu sắc. Sau đó ông dạy con trai:

Xa là nghĩ truyền thừa, xiển dương đức hạnh của tổ tiên, gần là nghĩ che đậy lỗi lầm của cha mẹ. Trên là nghĩ báo ân quốc gia, dưới là nghĩ tạo phước cho gia đình. Ngoài là nghĩ giúp người lúc họ khó khăn, trong là nghĩ ngăn ngừa tà niệm của chính mình.

Sáu chữ “tư” này chính là nghĩ, phải thường nghĩ như thế. Sáu điều này đích thực trong Phật pháp gọi là “chánh tư duy”, con người nhất định phải có tư tưởng đúng đắn, sáu điều này là tiêu chuẩn của tư tưởng đúng đắn. Thứ nhất, phải thường nghĩ làm rạng rỡ đức hạnh của tổ tông, điều này là căn bản. Tổ tông của chúng ta là ai? Là tổ tông của dân tộc. Trong lịch sử ghi chép, từ các đời Hoàng Đế như: Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn, Võ, Chu Công, đây là tổ tông của dân tộc. Tổ tông của mỗi gia đình chúng ta, đều là kế thừa đạo thống của cổ thánh tiên hiền mà có. Nói như hiện nay, câu này nghĩa là phải thường nghĩ đến việc phát triển rộng rãi nền văn hóa truyền thống. Nền văn hóa này có lịch sử rất lâu dài, nền văn hóa này coi trọng sự chung sống hòa thuận giữa người với người, giữa con người với đại tự nhiên, giữa con người với trời đất quỷ thần, đều phải tôn trọng lẫn nhau, kính yêu lẫn nhau, hợp tác hỗ trợ. Phải thường nghĩ làm sao để áp dụng đức của tổ tông vào trong đời sống xã hội hiện nay, có thể làm lợi ích xã hội đại chúng hiện nay.

Gần là nghĩ che đậy lỗi lầm của cha mẹ”, đây là nói đến chỗ gần. Các bậc cổ thánh tiên hiền thường dạy chúng ta: “Chuyện xấu trong nhà không được nói ra bên ngoài”, vì sao vậy? Vì trong nhà có những chuyện không hay, đây cũng là điều khó tránh. Nếu thường nói cho người ngoài nghe, thì tự nhiên người bên ngoài sẽ coi thường gia đình bạn. Thậm chí khiến họ khởi lên ý đồ bất thiện, muốn phá hoại sự hòa thuận trong gia đình của bạn, ngạn ngữ nói: “Họa từ miệng ra”. Gia đình như vậy, xã hội cũng như vậy. Vì sao xã hội ngày nay hỗn loạn như vậy? Nguyên nhân này rốt cuộc ở đâu? Chúng ta suy nghĩ tỉ mỉ, là do chúng ta đã làm trái với giáo huấn của cổ thánh tiên hiền. Cổ nhân dạy rằng: “Không nghe lời người xưa, thiệt thòi ngay trước mắt”. Trước mắt chúng ta sẽ bị thiệt thòi lớn! Lời người xưa là gì? Người xưa dạy chúng ta, đối với xã hội, đối với đại chúng phải “ẩn ác dương thiện”. Nhìn thấy người khác có chỗ không tốt thì đừng nói, tuyệt đối không tuyên dương, cũng không để nó ở trong lòng. Thấy ưu điểm của người khác thì chúng ta nên tán dương. Cách làm này khiến người bất thiện tự cảm thấy hổ thẹn, tôi làm việc ác như vậy mà người ta đều có thể bao dung, đều có thể tha thứ cho tôi. Tôi làm có một chút việc thiện, mà người ta biểu dương, khen ngợi tôi như vậy. Cách này có thể khởi phát tâm liêm sỉ của mọi người, khởi phát lòng hổ thẹn của mọi người. Như vậy xã hội mới có thể an định, thế giới mới có thể hòa bình.

/ 20