/ 20
11

LIỄU PHÀM TỨ HUẤN

Tập 8

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 17/04/2001

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng,

Thâm Quyến, Trung Quốc


Chư vị đồng học, xin chào mọi người! Phần trước chúng ta nói về “nền tảng của việc sửa lỗi”, nói đến phải có tâm hổ thẹn, tiếp theo là phải có tâm sợ hãi. Chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, không những lo sợ sự giám sát của thiên địa quỷ thần, mà đồng thời cũng phải sợ sự chỉ trích của dư luận trong xã hội đại chúng. Hôm nay, chúng ta xem tiếp đoạn văn bên dưới:

Không những như vậy, chỉ cần hơi thở vẫn chưa dứt, dù tội ác nặng đến đâu thì vẫn có thể sám hối.

Đây là lý luận y cứ để sửa lỗi làm mới, con người chỉ cần còn một hơi thở, cho dù trong đời tạo tội ác lớn đến đâu cũng đều có thể sửa đổi.

Trước đây có người cả đời tạo ác, đến khi lâm chung mới tỉnh ngộ, ăn năn, khởi lên một niệm thiện liền được an lành qua đời.

Đây là đưa ra chứng cứ để nói rõ với chúng ta, trường hợp như vậy xưa nay trong và ngoài nước có rất nhiều, chỉ cần chúng ta quan sát tường tận thì sẽ thấy ra được. Vì sao cả đời tạo tội ác cực lớn, thật sự sám hối thì nghiệp chướng này liền có thể tiêu trừ, đạo lý ở đâu vậy? Thực tế mà nói, đạo lý này quá sâu sắc, không phải điều mà phàm phu có thể lý giải được. Chẳng những phàm phu không thể lý giải, mà trong kinh đức Phật nói, bậc thánh Nhị thừa, Quyền giáo Bồ-tát đều không cách nào lý giải được. Vì sao vậy? Điều này liên quan đến khởi nguồn của vũ trụ hư không pháp giới, khởi nguồn của sanh mạng, khởi nguồn của chúng sanh, liên quan đến những đạo lý lớn này. Trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật nói rất thấu triệt, rất rõ ràng, cho nên người xưa tán thán kinh Lăng Nghiêm, nói rằng Lăng Nghiêm khai trí tuệ, Pháp Hoa thành Phật. Tôi tin rất nhiều đồng tu đều đã nghe qua hai câu này. Trong kinh Lăng Nghiêm nói rất rõ ràng, đức Phật nói với chúng ta hư không pháp giới, cõi nước và chúng sanh vốn là một thể. Do đó tội ác cực lớn, chỉ cần quay đầu, gọi là “quay đầu là bờ”, đạo lý này bên dưới có nói đến.

Vì một niệm dũng mãnh khẩn thiết.

Những chữ “dũng mãnh khẩn thiết” vô cùng quan trọng.

Cũng đủ để gột sạch tội ác trong suốt trăm năm.

Phía sau đưa ra một ví dụ nói với chúng ta:

Ví như hang tối ngàn năm.

Hiện nay chúng ta đi du lịch sẽ gặp rất nhiều sơn động, động thạch nhũ, đó chính là “hang tối ngàn năm”.

Vừa thắp lên một ngọn đèn thì bóng tối ngàn năm liền tan biến.

Chúng ta đốt một ngọn đèn đi vào, thì bóng tối ngàn năm liền bị phá trừ.

Cho nên tội lỗi bất luận là lâu hay mới, chỉ cần sửa được là quý.

Sai lầm giống như bóng tối vậy, chỉ cần một ngọn đèn là có thể phá tan bóng tối. Ngọn đèn này ví như trí tuệ, ví như sự tỉnh giác, thật sự đã giác ngộ, lời nói và việc làm trong quá khứ là sai trái. Một niệm giác, một niệm trí tuệ chân thật hiện tiền thì tội lỗi liền được tiêu trừ. Nhưng một niệm giác, một niệm trí tuệ này vô cùng khó được, vô cùng đáng quý. Vì sao vậy? Vì thời gian chúng ta mê trong tình cảm và dục vọng quá lâu rồi, vô lượng kiếp đến nay mê trong tình cảm và dục vọng. Sinh mạng là vĩnh hằng, sinh mạng không phải tạm thời mà là vĩnh hằng. Thân mạng của chúng ta rất ngắn ngủi, nhưng tinh thần của chúng ta trường tồn. Trong nhà Phật nói, chúng ta có pháp thân huệ mạng, đó là vĩnh hằng. Cho nên, vô lượng kiếp đến nay sanh tử luân hồi, mê mất bản tánh. Do đó mù quáng vô tri chấp trước thân này là ta, tham đắm hưởng thụ ngũ dục lục trần, tạo ra vô lượng vô biên tội nghiệp. Điều này đã tạo thành những việc không như ý trong hiện đời, tạo thành rất nhiều đau khổ trong đời này. Chúng ta muốn cầu lành tránh dữ, trước tiên phải biết sửa đổi lỗi lầm. Ở đây tiên sinh Liễu Phàm đã đem kinh nghiệm sửa lỗi của mình nói tường tận cho chúng ta, đặc biệt nhắc nhở chúng ta, chỉ cần hơi thở vẫn còn, chỉ cần chịu thay đổi thì dù lỗi lầm lớn đến đâu cũng có thể tiêu trừ. Tiếp theo ông nói:

Nhưng thế gian vô thường, thân xác thịt này dễ mất, một khi hơi thở không còn thì muốn sửa cũng không kịp nữa.

“Trần thế” là thế gian, không những thân mạng này của chúng ta là vô thường, mà quốc độ cũng vô thường. Trong kinh Bát Đại Nhân Giác, vừa mở đầu đức Phật nói với chúng ta:“Thế gian vô thường, cõi nước mong manh”. Hai câu này là lời cảnh cáo chân thật, thế gian vô thường, biến hóa trong từng sát-na, thân thể này của chúng ta rất dễ mất. Thân người khó được mà dễ mất, một hơi thở không vào nữa thì thân mạng trong đời này đã kết thúc rồi, lúc này bạn có muốn sửa lỗi cũng hết cách, “muốn hối cải cũng không còn kịp nữa”.

/ 20