/ 20
9

LIỄU PHÀM TỨ HUẤN

Tập 5

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 17/04/2001

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng,

Thâm Quyến, Trung Quốc


Chư vị đồng học, xin chào mọi người! Thiền sư Vân Cốc nói tiếp rằng:

Cho đến vấn đề tu thân và chờ đợi mọi việc, đây là việc tích đức, cầu trời chuyển đổi vận mệnh. Nói “tu” có nghĩa là khi thân có lỗi lầm thì đều phải sửa đổi và trừ bỏ ngay. Nói đến “đợi” là khi tâm khởi mong cầu, khi trong tâm loạn khởi vọng niệm thì đều phải trừ bỏ sạch sẽ. Đạt đến mức như vậy, đó là đến cảnh giới tâm thanh tịnh không động niệm. Đây chính là học vấn chân thật.

Đoạn này là nói đến tu thân. Mạnh tử nói “tu thân và chờ đợi mọi việc”, câu này là nói mình phải tu dưỡng đức hạnh từng giây từng phút. Cho đến “việc tích đức, cầu trời chuyển đổi vận mệnh”. “Tu” nghĩa là tu sửa, đây là thuộc về công phu tu dưỡng. Thân có lỗi lầm, có hành vi ác, cần phải vĩnh viễn đoạn trừ nó. “Sĩ” là chờ đợi, gọi là điều kiện chín muồi thì sự việc tự nhiên sẽ thành công. Trong này cấm kỵ nhất là không được có chút tâm cầu may và suy nghĩ vượt bổn phận nào, cũng không được để cho ý niệm trong tâm loạn khởi vọng động. “Tương nghênh” nghĩa là ý niệm sanh diệt, “giai đương trảm tuyệt” là đều phải đoạn trừ nó, đây là công phu chân thật. Quả nhiên đến được mức độ này thì đã hoàn toàn khôi phục lại tánh đức. Cảnh giới này trong nhà Phật gọi là cảnh giới của đại Bồ-tát. “Đây chính là học vấn chân thật”, là học vấn thực sự. Mạnh tử nói rất hay: “Học vấn không có thứ gì khác, chỉ là tìm lại bản tánh đã mất mà thôi”. “Phóng tâm” là gì? Là vọng tưởng, tạp niệm, phân biệt, chấp trước, học vấn thật sự là gì? Có thể đoạn trừ tất cả những điều này thì đây là học vấn thực sự. Như vậy thì hoàn toàn có thể khôi phục lại tự tánh, khôi phục lại bản tâm. Tự tánh vốn đầy đủ vô lượng trí tuệ, vô lượng đức năng, vô lượng tướng hảo. Đây là có cầu ắt ứng, có cầu thì nhất định sẽ đạt được nguyên lý chân thật, cầu nguyên lý thật sự thì chúng ta nhất định phải có niềm tin. Thật sự nương theo lý luận phương pháp này để tu học, thì làm gì có chuyện không cầu được? Pháp thế gian và xuất thế gian không có gì mà không cầu được. Đoạn văn bên dưới lại nói:

Tuy ông chưa đạt được cảnh giới vô tâm, nhưng nếu có thể trì chú Chuẩn Đề đến mức không nhớ số lượng, không để gián đoạn, trì đến khi thuần thục rồi thì sẽ đạt được cảnh giới trì mà không trì, không trì mà trì. Trì đến lúc ý niệm không khởi nữa thì sẽ thấy linh nghiệm.

Đạo lý này là “thành tắc linh, thành tắc minh”. Chúng ta là phàm phu, phàm phu không thể đạt được cảnh giới vô tâm, nghĩa là vô niệm, phàm phu đều có ý niệm. Làm sao để khống chế được ý niệm này? Làm sao để tiêu diệt ý niệm này? Vậy thì phải có phương pháp, thiền sư Vân Cốc dạy Liễu Phàm dùng phương pháp trì chú. Có người đọc cuốn sách này, nghe tôi nói những lời này, quay lại hỏi tôi: “Thưa pháp sư! Chúng con có cần niệm chú Chuẩn Đề hay không? Hay là tiếp tục niệm A-di-đà Phật?” Có không ít người hỏi câu này. Do đây có thể biết, học tập nhưng không khéo dụng tâm, quý vị nghe không hiểu ý nghĩa. Không phải phía trước đã nói với quý vị rồi hay sao? Vẽ bùa, tham thiền, trì chú, niệm Phật, phương pháp không giống nhau nhưng hiệu quả như nhau. Phương pháp cách thức không giống nhau, nhưng mục đích, nguyên lý thì hoàn toàn tương đồng. Họ niệm chú Chuẩn Đề, còn chúng ta niệm A-di-đà Phật.

Nhưng phải nhớ mấy câu bên dưới, đây là nguyên tắc chung: “Không nhớ số lượng”. Điều này phải xem người như thế nào, người căn tánh trung thượng có thể dùng phương pháp này, người căn tánh trung hạ tốt nhất là nhớ số. Cho nên, chúng ta niệm Phật dùng chuỗi, dùng chuỗi để làm gì? Để nhớ số lượng, mỗi ngày nhất định phải nhớ số lượng bao nhiêu, như vậy có thể tiêu trừ vọng niệm. Công phu có thể đạt được tinh tấn mà không giải đãi, đây là công phu ban đầu. Chư vị nên nhớ, sau mấy năm dụng công, vọng niệm ít đi, tâm địa ngày càng thanh tịnh thì bạn không cần nhớ số nữa. Vì sao vậy? Vì nhớ số vẫn làm phân tâm, đây là phương pháp bất đắc dĩ lúc mới học. Nhớ số lượng, là một ngày nhất định phải niệm mấy vạn câu Phật hiệu, niệm 5 vạn câu, niệm 10 vạn câu. Đây là công phu lúc ban đầu, công phu thuần thục rồi thì không nhớ số lượng nữa, nghĩa là không bị phân tâm nữa. Câu Phật hiệu này tiếp nối câu kia, không nhớ không đếm, như vậy thì tâm quý vị sẽ niệm niệm ở trong câu Phật hiệu, vọng niệm tự nhiên sẽ không sanh nữa. Công phu niệm Phật quý ở chỗ không hoài nghi, không gián đoạn, không xen tạp. Khi công phu thuần thục, đến mức trì mà không trì, không trì mà trì, nghĩa là niệm và không niệm hợp thành một, niệm và không niệm là một không phải hai, quý vị liền nhập vào pháp môn bất nhị, công phu niệm Phật của bạn đã đạt tiêu chuẩn rồi. Cho nên, chúng ta dùng phương pháp niệm Phật hay trì chú đều giống nhau, công phu có rất nhiều cấp bậc, bản thân nhất định phải biết. Ngày nay, chúng ta nhất định phải dùng phương pháp nhớ số, nhớ số là công phu thấp nhất. Từ nhớ số nâng lên không nhớ, không tính số lượng, tiếp tục nâng lên trì mà không trì, không trì mà trì, đó là cảnh giới thứ ba. Chư vị hiểu được đạo lý này thì bản thân bạn sẽ đạt được sự linh nghiệm. Nguyên lý của linh nghiệm là “thành tắc linh”, linh là nói cảm ứng, “thành tắc minh”, minh là nói trí tuệ hiện tiền.

/ 20