/ 20
10

LIỄU PHÀM TỨ HUẤN

Tập 4

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 16/04/2001

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng,

Thâm Quyến, Trung Quốc


Chư vị đồng học, xin chào mọi người! Hôm qua nói đến thiền sư Vân Cốc dạy tiên sinh Liễu Phàm phải sửa đổi tự làm mới, đây chính là nói về thân nhân nghĩa đạo đức. Hôm nay chúng ta xem tiếp:

Thân thể bằng xương thịt này đương nhiên có định số, còn thân nhân nghĩa đạo đức lẽ nào không thể cảm thông với trời được sao?

Thân thể bằng xương thịt này là thân thể hiện nay của chúng ta, vì thân thể này không có cách nào rời khỏi vọng tưởng phân biệt chấp trước, bởi vậy đều rơi vào số mệnh. Cho nên dùng thuật số có thể suy đoán chuyện lành dữ họa phước cả đời của bạn. Nếu con người muốn vượt thoát số mệnh thì cần phải thay đổi từ mặt tâm lý. Những quan niệm và hành vi bất thiện trước đây đều có thể thay đổi, tương ưng với nghĩa lý thì thân này gọi là “thân nghĩa lý” Trong Phật pháp gọi là nguyện lực, thân bằng xương thịt là nghiệp lực, do nghiệp lực biến hiện ra. Nếu nguyện lực của chúng ta mạnh hơn nghiệp lực, trong Phật pháp gọi là thừa nguyện tái lai. Trong này chúng ta cần phải hiểu, thân huyết nhục không tách rời tự tư tự lợi, thân nhân nghĩa đạo đức là đại công vô tư, không nghĩ đến lợi ích của riêng mình nữa. Sống trong thế gian này, thân thể này là một công cụ phục vụ tạo phước cho xã hội, cho nhân dân, cho chúng sanh, hoàn toàn không còn liên quan đến nghiệp lực của chính mình, thân này gọi là thân nhân nghĩa đạo đức, thân này gọi là thừa nguyện tái lai. Chúng sanh có phước thì thân này sẽ thường trụ ở thế gian. Chúng sanh không có phước báo thì tự nhiên sẽ xả bỏ thân này. Hay nói cách khác, nhà Phật thường gọi là “liễu sanh tử, xuất tam giới”, chính là ý này. Bên dưới thiền sư trích dẫn câu nói trong sách cổ để làm chứng:

Chương Thái Giáp trong sách Thượng Thư có nói: “Tai họa do trời giáng xuống còn có thể tránh.

Đây là giả thiết, là tai họa thiên nhiên. “Do khả vi” là có thể tránh né. Ngày nay chúng ta nói thiên tai tự nhiên có thể tránh né, có thể cứu vãn được,đạo lý này rất thâm sâu.

Tai họa do chính mình tạo ra thì không thể thay đổi.

Việc này thì không thể cứu vãn, không thể tránh khỏi, ý câu này rất sâu sắc. Vì sao nói tai họa tự nhiên có thể tránh được? Hiện nay, người hiểu đạo lý này không nhiều. Thánh nhân nói với chúng ta, trong kinh điển Phật, Bồ-tát nói với chúng ta: “Y báo chuyển theo chánh báo”. Y báo là hoàn cảnh tự nhiên, hoàn cảnh tự nhiên cũng chuyển theo tâm người. Nếu xã hội này tâm người lương thiện, thuần hậu, thì hoàn cảnh sống của chúng ta sẽ chuyển thành tốt. Gọi là mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Không chỉ là tai họa do con người tạo ra, mà thiên tai tự nhiên cũng là do con người tạo ra. Trong Phật pháp nói, một loại là cộng nghiệp, một loại nữa là biệt nghiệp. Cộng nghiệp là mọi người cùng tạo, nó biến thành thiên tai tự nhiên. Do cá nhân tạo ra thì liền trở thành lành dữ họa phước của cá nhân. Cho nên, tự mình tạo nghiệp thì không cách gì tránh khỏi. Nghiệp do đại chúng xã hội cùng tạo ra thì tôi có thể tránh, tôi có thể cứu vãn. Đây là chân lý, là chân tướng sự thật. Lại trích dẫn hai câu trong Kinh Thi:

Kinh Thi nói: “Các bậc thánh hiền thường nói, hợp với lòng trời thì tự nhiên sẽ chiêu cảm được nhiều phước”.

Hai câu này, “vĩnh ngôn” nghĩa là thường nói, các bậc cổ thánh tiên hiền thường nói. “Phối mệnh” nghĩa là nói tương ưng với ý trời, tâm người đồng tâm trời, trời là tâm gì? Rốt cuộc trời ở đâu? Đây không phải là một thứ hữu hình, thực tế mà nói là một thứ vô hình, là một khái niệm trừu tượng, gọi là: “Trời có đức hiếu sinh”. Tâm trời là tâm yêu thương, yêu thương một cách vô tư. Tâm trời là tâm yêu thương công bằng, yêu thương bình đẳng. Nếu bản thân chúng ta có thể tu dưỡng, nâng tâm nguyện của mình đến đại công vô tư, đối đãi bình đẳng với mọi người, mọi việc, mọi vật, đây chính là ý nghĩa của câu “hợp với lòng trời”. Đương nhiên phước ở trong đó, không cầu phước báo cũng hiện tiền. Ý nghĩa này quý vị hãy tỉ mỉ mà suy nghĩ. Bên dưới thiền sư Vân Cốc nói:

Khổng tiên sinh đoán ông không đỗ đạt khoa cử, không có con. Đây là trời giáng tai họa cho ông, nhưng vẫn có thể tránh được.

/ 20